Khó khăn trong tiếp cận pháp luật
Thông tin về số lượng người khuyết tật tại Việt Nam, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam cho biết, đến nay, Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật (chiếm hơn 7% dân số cả nước); trong đó, có gần 80% người khuyết tật sống tại vùng nông thôn, vùng núi.
Đây là những đối tượng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các vấn đề như: giáo dục, việc làm, y tế, giao thông, các công trình xây dựng; đặc biệt là việc tiếp cận thông tin pháp luật... Chính vì vậy, công tác PBGDPL cho người khuyết tật là rất cần thiết để họ tự bảo vệ quyền lợi và khuyến khích tham gia vào đời sống xã hội.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên, đến nay, đã có rất nhiều chính sách cho người khuyết tật được ban hành; như Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1.11.2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10.4.2012 hướng dẫn Luật Người khuyết tật.
Đặc biệt, ngày 11.8.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân". Để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người khuyết tật, với chủ trương "không ai bị bỏ lại phía sau"; Đề án đã xác định, người khuyết tật là một trong những đối tượng đặc thù cần quan tâm PBGDPL, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật.
Đề án đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu: "Nhận thức, trách nhiệm và thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được nâng cao". Trong đó, Đề án đề ra nhiệm vụ nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thông tin pháp luật, PBGDPL cho hội viên, thành viên của tổ chức mình.
Mặc dù đã có những đề án, chính sách nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người khuyết tật; song, theo ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội Khuyết tật tỉnh Hà Nam, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong công tác PBGDPL. Cụ thể, mỗi nhóm đối tượng khuyết tật có phương pháp tiếp cận và công cụ phổ biến khác nhau; số lượng chuyên gia vừa có kiến thức về pháp luật, vừa hiểu biết nhu cầu đặc thù của người khuyết tật còn ít; thiếu nguồn lực về tài chính…
Khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người khuyết tật
Để nâng cao chất lượng PBGDPL cho người khuyết tật, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên cho rằng, về nội dung, công tác PBGDPL phải chú trọng khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người khuyết tật; phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, liên quan trực tiếp đến người khuyết tật; đồng thời, bám sát các vấn đề dư luận, xã hội quan tâm…
Về hình thức, phải đổi mới, đa dạng hóa phù hợp với từng dạng khuyết tật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; lồng ghép việc truyền thông, PBGDPL đến người khuyết tật tại cơ sở, cộng đồng nơi người khuyết tật sinh sống… Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ người làm công tác PBGDPL và Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; chú trọng kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết các mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng…
Nhằm phát huy hiệu quả của công tác hỗ trợ thông tin, PBGDPL cho hội viên là người khuyết tật, ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội Khuyết tật tỉnh Hà Nam đề xuất, đa dạng hóa các phương tiện và hình thức truyền thông (sách chữ nổi Braille, âm thanh cho người khiếm thị; video có ngôn ngữ ký hiệu hoặc phụ đề cho người khiếm thính…); thiết kế các ứng dụng di động, trang web thân thiện hơn với người khuyết tật; hỗ trợ tài chính và xã hội hóa công tác PBGDPL; tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về pháp luật và kỹ năng truyền đạt thông tin cho người khuyết tật…
Khẳng định công tác PBGDPL nói chung, công tác PBGDPL cho người khuyết tật nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL cho rằng, các tổ chức Hội Người khuyết tật cấp tỉnh cần chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia cấp tỉnh trong triển khai thông tin, PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho thành viên, hội viên của tổ chức mình.
Theo đó, việc triển khai công tác PBGDPL không chỉ được thực hiện đối với bản thân người khuyết tật mà cần chú trọng đến các đối tượng liên quan ở cộng đồng, cơ quan, tổ chức có liên quan. Thời gian tới, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong triển khai các nhiệm vụ, hoạt động, góp phần nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người khuyết tật.