Cứu trợ đúng mục đích, đúng người

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:10 - Chia sẻ

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ tạm cấp cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng, để cứu hộ, cứu nạn, an sinh xã hội. Ngoài ra, Chính phủ cũng cấp cho mỗi tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do lũ lụt 1.000 tấn gạo, cùng thuốc chữa bệnh, hóa chất khử trùng. Việc cấp phát, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn đối với các tỉnh, với người dân miền Trung ở thời điểm khó khăn này.

Rất khó để thống kê hết thiệt hại do bão lũ gây ra cho các tỉnh miền Trung. Hình ảnh những ngôi làng ngập chìm trong nước, những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên đường đi cứu hộ, cứu nạn và những giọt nước mắt thân nhân của các anh khiến chúng ta không khỏi xót xa. Đó là những mất mát, đau thương không thể đo đếm được.

Trước những thiệt hại, mất mát mà người dân miền Trung đã và đang phải hứng chịu, tinh thần sẻ chia “lá lành đùm lá rách” lại được khơi dậy trong mỗi người dân đất Việt. Hình ảnh những cụ già, các anh, chị em ở nhiều địa phương thức thâu đêm gói bánh chưng gửi tặng đồng bào nơi bão lũ, hay các đoàn cứu trợ nhiều ngày không quản ngại mưa lũ trao tận tay những phần quà cho đồng bào vùng lũ… đã thực sự chạm đến trái tim mỗi chúng ta. Trong hoạn nạn, sự sẻ chia, hy sinh, sự dấn thân ấy càng trở nên ấm áp, trân trọng và đáng quý.

Chắc hẳn, số tiền trợ cấp, ủng hộ, giúp đỡ các tỉnh miền Trung sẽ không dừng lại ở những con số được công bố ở thời điểm hiện tại. Để trở lại cuộc sống bình thường, miền Trung vẫn cần có thêm sự chung tay, chia sẻ của tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Việc hỗ trợ, cứu trợ là cần thiết, nhưng điều quan trọng không kém lúc này là hàng cứu trợ, chính sách hỗ trợ phải đến đúng đối tượng, tránh những hoài nghi không đáng có.

Tình trạng chính sách không đến đúng đối tượng thụ hưởng, hay việc đưa hàng cứu trợ đến với người dân có nơi, có lúc chưa được tổ chức chặt chẽ, hàng không đến được với người dân đúng thời điểm đã từng xảy ra. Đây cũng là vấn đề cần phải rút kinh nghiệm để đợt hỗ trợ này chúng ta làm tốt hơn.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 23.10, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ, là người tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt ở nhiều cấp, nhiều năm cho thấy, trước đây đã xảy ra tình trạng cán bộ lấy lương khô cứu trợ làm quà. Tuy nhiên, theo Thượng tướng Lê Chiêm, mùa mưa lũ năm nay chưa phát hiện vụ việc nào, nhưng ông cũng nhấn mạnh, lãnh đạo địa phương phải có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng này, để hàng hóa cứu trợ phải đến được với người dân.

Trước tình hình mưa lũ ở miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tiếp tiếp tục có các phương án với tinh thần “không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất”. Việc cấp phát, hỗ trợ kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân, đúng đối tượng, không để chậm trễ.

Với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, tin rằng, sẽ còn nhiều sự chung tay, giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, các mạnh thường quân, những tấm lòng hảo tâm của mọi người để tiếp sức cho đồng bào miền Trung. Tuy vậy, cần có cơ chế kiểm soát, để hàng hóa, tiền hỗ trợ đến với người dân vùng lũ. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm minh các đối tượng cố tình trục lợi trong hoàn cảnh này.

Lê Hùng