Cứu sống bệnh nhân bị xiên vịt nướng đâm xuyên cổ
Bệnh viện Đa khoa Hà Nam (Ninh Bình) thông tin, tiếp nhận và cứu sống thành công một bệnh nhân nam bị xiên vịt nướng xuyên thẳng vào khối cơ vùng vai bên phải có độ sâu 10cm.
Đặc biệt, dị vật đâm xuyên vùng cổ đi từ vùng cơ ức đòn chũm bên trái xuyên sâu vào tổ chức phần mềm đến tận hố thượng đòn bên phải.

Trước đó, ngày 10/7 bệnh nhân T.Đ.H ( trú tại phường Phù Vân, tỉnh Ninh Bình) nhập viện trong tình trạng đau, khó thở nhẹ, không vận động được do dị vật cắm sâu vào trong cổ. Bệnh viện thực hiện quy trình báo động đỏ toàn viện, phối hợp cấp cứu khẩn cấp và di chuyển bệnh nhân vào phòng mổ.
BS.CKII Trần Đình Lợi, trực lãnh đạo Bệnh viện, BS.CKII Chu Anh Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương, ThS.BS Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu, BS.CKI Đỗ Thu Hằng- Phó khoa Gây mê Hồi sức, ThS.Bs Hà Đắc Lâm - Khoa Ngoại tổng hợp đã thực hiện hội chẩn tìm ra phương án nhanh nhất, tối ưu thời gian cứu sống bệnh nhân.
ThS.BS Hà Đắc Lâm, Khoa Ngoại Tổng hợp – người trực tiếp tiến hành ca mổ cho biết, sau khi rút dị vật ra, máu chảy nhiều ở hố thượng đòn bên phải, ekip đã quyết định phẫu tích bộc lộ mạch máu vị trí tổn thương tiến hành khâu cầm máu. Đồng thời, tiến hành phẫu tích dọc theo vị trí của dị vật đâm thấy tổn thương đứt động mạch giáp dưới bên trái, sau đó kiểm soát hết tổn thương vùng cổ, khâu phục hồi theo cấu trúc giải phẫu vùng cổ và vùng vai bên phải. Sau hơn 2 giờ đồng hồ phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, thoát khỏi cửa tử.
Bác sĩ khuyến cáo, khi sơ cứu và cấp cứu các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể, đặc biệt là nghi ngờ đâm vào các mạch máu lớn, tuyệt đối không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu.
Trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm. Nếu vội vã rút ra, bệnh nhân có thể chết vì chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, rút dị vật còn làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, tạo khó khăn cho bác sĩ khi xử trí tổn thương. Vì vậy, rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên.
Đồng thời, khi sơ cứu, cấp cứu, người thực hiện cần băng cố định dị vật, bằng băng thun, vải. Cách này nhằm không cho vật nhọn xê dịch làm tổn thương nặng nề hơn, tránh chảy máu nhiều và giảm đau đớn cho bệnh nhân.