Theo đó, ba gấu ngựa được gia đình chủ nuôi ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) tự nguyện chuyển giao vì mục đích nhân đạo. Trong đơn Tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước, ông T. chủ trại gấu cho biết: “ Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sự vận động thường xuyên của Hạt Kiểm lâm Số 5 và Tổ chức Động vật Châu Á, các thành viên trong gia đình tôi thống nhất và nhất trí làm đơn tự nguyện giao nộp cho Nhà nước: 03 cá thể gấu ngựa đang nuôi nhốt bảo tồn tại gia đình về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam để tiếp tục chăm sóc, bảo tồn”.
Cả ba gấu ngựa đều được nuôi lâu năm, gắn chip quản lý và có hồ sơ đầy đủ theo dõi theo đúng quy định. Ba gấu ngựa có tình trạng sức khỏe tương đối tốt, hai gấu đực và một gấu cái, được đặt tên theo các loài hoa bền bỉ, chịu đựng giá rét và vươn mình trong mùa xuân: Daffodil (Thủy Tiên), Snowdrop (Xuyên tuyết), Primrose (Anh Thảo).
Ba chú gấu nhanh chóng được các chuyên gia cứu hộ dụ sang lồng vận chuyển và di chuyển cùng ngày về Vườn quốc gia Bạch Mã. Cứ 2 đến 3 tiếng đi trên đường, nhân viên chăm sóc sẽ kiểm tra và tiếp nước, lá chuối và cho gấu ăn để đảm bảo sức khỏe tốt cho gấu trong hành trình gần 800 cây số di chuyển đường bộ.
Trong thời gian tới, Tổ chức Động vật Châu Á sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội trong các công tác quản lý hoạt nuôi nhốt gấu tiến tới không còn cá thể gấu nuôi nhốt nào trên địa bàn, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và bảo tồn loài gấu, kết hợp với các chương trình cộng đồng.
Được biết, chỉ trong năm 2024, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã bàn giao 4 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, nâng tổng số gấu cứu hộ từ Hà Nội của Tổ chức Động vật Châu Á lên 19 cá thể. Theo thông tin của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, xã Phụng Thượng còn khoảng hơn 90 cá thể gấu nuôi trong các hộ gia đình.