Tản mạn

Cứu hộ

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:19 - Chia sẻ
Trong những tình huống mà nhân viên cứu hộ thiệt mạng, đó là mất mát rất lớn cả về nhân mạng lẫn kinh nghiệm mà người đó nắm giữ.

  Chi phí mua trang thiết bị, phương tiện cứu hộ có thể đắt đỏ, nhưng cần lưu ý rằng, chi phí để đào tạo ra con người sử dụng chúng một cách thành thạo cũng rất tốn kém. 

  Đối với các phương tiện đặc biệt, chi phí đào tạo, huấn luyện có thể lên tới hàng chục tỷ đồng cho một người. Những người này cần được huấn luyện để làm việc trong tình cảnh khó khăn hoặc đưa ra các quyết định sống còn, không chỉ cho mình mà còn cho người khác. Đó chính là lý do ta cần đúng người, đúng việc. Sự tổn thất về nhân mạng trong thiên tai địch họa đều rất thương tâm, qua đó thấy được tầm quan trọng của chi phí đào tạo được đổ vào ở cấp chính sách cho hoạt động cứu trợ, cứu nạn và huấn luyện dân sự. 

   Giả sử để có một nhân viên tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, ta phải bỏ ra khoản chi phí đáng kể, bởi vì đơn giản là người đó sẽ có khả năng sống sót cao hơn, đồng thời tổ chức giúp đỡ, lãnh đạo, hướng dẫn được nhiều người. Trong những tình huống mà nhân viên cứu hộ thiệt mạng, đó là mất mát rất lớn cả về nhân mạng lẫn kinh nghiệm mà người đó nắm giữ. 

    Ví dụ như trong Chiến tranh thế giới II, thiệt hại nặng nề nhất mà quân đội Nhật phải gánh lấy, không phải là mất mát về khí tài, mà là sự ra đi của gần 4.000 sĩ quan lái oanh tạc/cường kích cơ (do sĩ quan Nhật được giáo dục cảm tử hoặc chết cùng phương tiện không kị). Đó là một trong những lý do dẫn đến sự sụp đổ của đế quốc Nhật trên chiến trường Thái Bình Dương (mặc dù cho đến cuối 1943, Nhật vẫn bảo đảm được sức sản xuất vũ trang để nuôi chiến tranh thêm 10 năm).

Mua sắm, sản xuất thiết bị vật tư đã là việc khó, đòi hỏi nhiều tiền bạc, nhưng để đào tạo ra con người sử dụng chúng còn khó hơn bội phần. Do đó, mọi người tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đều phải cẩn trọng. Nếu ta chưa được đào tạo thì cần tuân theo hướng dẫn, chỉ đạo của người có kinh nghiệm. Kể cả quân nhân, nếu chưa qua đào tạo nghiệp vụ này cũng cần thận trọng bởi vì sự khác biệt giữa quân và dân nằm ở chỗ ''đã qua huấn luyện'' và ''có tổ chức'' hay chưa.

 Theo dõi tin bão lũ tuần qua thấy rất thương tâm. Ở nơi nào cũng vậy, không có gì quý hơn mạng người. Chỉ cần giữ được mạng thì chuyện gì cũng còn có thể làm được.

Lê Quang (từ Berlin)