Cựu Đại sứ Pete Peterson và “mối duyên” với Việt Nam

Thanh Chi 12/07/2015 08:39

Năm 1997, sau hơn 30 năm được trả tự do và hồi hương và 2 năm sau khi Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, cựu tù binh chiến tranh Hoa Kỳ Douglas “Pete” Peterson trở lại Việt Nam với tư cách Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Hà Nội thời hậu chiến. Tại mảnh đất nhiều duyên nợ, ông bắt đầu sứ mệnh mới: hàn gắn và hòa giải.

Cựu dân quân Nguyễn Viết Chộp, một trong những người bắt giữ Pete Peterson năm 1966, nồng nhiệt đón tiếp ông khi ông trở lại Việt Nam Ảnh: AFP
Cựu dân quân Nguyễn Viết Chộp, một trong những người bắt giữ Pete Peterson năm 1966, nồng nhiệt đón tiếp ông khi ông trở lại Việt Nam
  Ảnh: AFP

Từ cựu tù chiến tranh đến Đại sứ đầu tiên thời hậu chiến

Pete Peterson phục vụ trong Không lực Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Khi được điều động đến Việt Nam vào tháng 5.1966, ông đã phục vụ trong Không lực Mỹ 10 năm. Peterson cho biết, khi đó, vợ ông đang mang thai và ông có thể làm đơn xin hoãn thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Việt Nam nhưng ông đã không làm vậy, một quyết định mà ông lấy làm hối tiếc về sau. Nhiệm vụ của Peterson là điều khiển chiến đấu cơ F-4C Phantom II, cất cánh từ Thái Lan qua Lào vào miền Bắc Việt Nam, đánh phá các tuyến đường vận tải của quân đội Việt Nam. Hầu hết các chuyến bay được thực hiện vào ban đêm và ông được biết tới như một phi công “Cú đêm”.

Bốn tháng kể từ khi bắt đầu nhiệm vụ, ngày 10.9.1966, Đại úy phi công 31 tuổi Peterson kết thúc điệp vụ oanh tạc lần thứ 67 của mình, máy bay của ông bị bắn hạ trên đường tới đánh phá mục tiêu ở cách Hà Nội khoảng 40km về phía Bắc. Một nhóm dân quân đã bắt giữ Peterson. Ban đầu, ông bị đưa tới nhà tù Hỏa Lò, ở Hà Nội, sau đó chuyển chỗ vài lần và cho tới ngày 4.3.1973 ông được trả tự do. Trở lại Mỹ, ông tiếp tục phục vụ trong Không lực đến năm 1980 và về hưu với hàm đại tá. Năm 1990, ông được bầu vào Quốc hội Hoa Kỳ với tư cách thành viên đảng Dân chủ và làm việc ở đây cho tới năm 1997. Trong khoảng thời gian này, ông trở lại thăm Việt Nam 3 lần, để tìm kiếm thông tin về các quân nhân Mỹ bị mất tích ở Việt Nam. Các chuyến thăm là dịp để Peterson đối diện với những ký ức thời chiến, vốn được ông giữ kín cho riêng mình. Chia sẻ với tờ San Jose Mercury News, Pete Peterson thừa nhận, thi thoảng ông choàng tỉnh giữa cơn mê, mồ hôi toát lạnh.

Trong lần thứ hai trở lại Việt Nam, ông nhận ra rằng không chỉ những cựu binh Hoa Kỳ chật vật đối diện với quá khứ chiến tranh, mà người Việt Nam cũng gặp những khó khăn tương tự.

Peterson trở thành tiếng nói của sự hòa giải. Sau khi rời Quốc hội, ông được Tổng thống Bill Clinton đề nghị làm Đại sứ đầu tiên tại Việt Nam.

Ban đầu ông rất băn khoăn, cho rằng đó là một quyết định lạ lùng. Làm sao người Việt Nam, với quá khứ quá đau thương, có thể chấp nhận một người từng 66 lần ném bom đất nước họ? - ông cho biết. Nhưng Clinton là người kiên trì và đã gửi một số trợ lý tới thuyết phục Peterson đến khi ông đồng ý. Peterson nói rằng, trở lại Việt Nam không nhằm tái hiện lại quãng thời gian đau thương nhất trong cuộc đời ông, mà để làm điều gì đó tích cực. Peterson nhận được sự chào đón nồng ấm từ chính những người từng bắt giữ ông.

Trong cuốn sách mang tiêu đề Vietnam Now: A Reporter Returns (Việt Nam hiện nay: sự trở lại của một phóng viên), David Lam, cựu phóng viên của tờ Los Angeles Times cho biết, trong 4 năm ở Việt Nam, Đại sứ Peterson rất được yêu mến, tới mức người Việt Nam thường chặn ông trên phố để chụp ảnh cùng. Ông còn cắt tóc tại tiệm cắt tóc địa phương, ăn phở như người bản xứ và khi rảnh rỗi thường đi thăm thú vùng nông thôn bằng chiếc xe Honda của mình.

Sứ mệnh mới với mục tiêu lớn

Trên cương vị Đại sứ, chương trình nghị sự lớn của Pete Peterson bao gồm giám sát thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Peterson còn đề ra mục tiêu riêng là đi thăm thú càng nhiều nơi trên đất nước Việt Nam càng tốt. Mỗi tuần, ông thăm ít nhất một tỉnh khác nhau, ghé thăm ít nhất một trường học, bệnh viện và công ty hay nhà máy.

Trong một lần ghé thăm những bệnh viện bị quá tải, Peterson nảy ra sáng kiến nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe và sự an toàn. Ý tưởng này đã trở thành mục tiêu lớn trong nhiệm kỳ của Peterson. Một trong những khu vực đầu tiên mà Peterson tập trung vào là khuyến khích sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp và người đi xe máy. Những nỗ lực vận động của Peterson đã góp phần vào việc Chính phủ áp dụng quy định bắt buộc người đi xe máy, xe đạp phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Giờ đây, Việt Nam có tỷ lệ tuân thủ luật đội mũ bảo hiểm cao so với các nước trong khu vực. Năm 2000, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã trao tặng Peterson giải thưởng cao quý nhất, cùng với Huân chương Legion of Merit của quân đội Hoa Kỳ, Peterson là một trong số ít những cựu tù binh chiến tranh Hoa Kỳ được trao Huân chương có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong năm tiếp theo, ông giám sát một nghiên cứu lớn về tình hình thương tật và tử vong, trong đó cho thấy nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em Việt Nam thiệt mạng không phải vì bệnh tật lây nhiễm mà vì tai nạn. Ông đã thành lập tổ chức mới mang tên The Alliance for Safe Children (Liên minh vì an toàn trẻ em - TASC). TASC ước tính rằng ở Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, đuối nướác chiếm 1/4 nguyên nhân tử vong của trẻ dưới 9 tuổi. 80% số trẻ đuối nước gặp nạn chỉ trong phạm vi 20m quanh nhà; mỗi giờ lại có một trẻ đuối nướác ở Việt Nam. Peterson bắt đầu xem xét cách giảm thiểu tình trạng này. Hợp tác với tổ chức Royal Life Saving Society ở Australia, TASC đã phát triển chương trình ngăn chặn đuối nướác mang tên Swimsafe. Hơn 300.000 đứa trẻ ở Việt Nam và Bangladesh tham gia chương trình và học các kỹ năng bơi lội cơ bản, đủ để sống sót.

Pete Peterson, nay đã 77 tuổi, không phải mẫu người muốn nghỉ ngơi khi về hưu và ông cũng không chìm đắm trong quá khứ. Nhiều năm trước, ông nói rằng ông không có ý định tham gia “tù binh nghiệp”. “Cuộc đời của tôi là để làm một cái gì đó mang tính xây dựng”- ông nói. Nhiều năm sau, ông và các đồng nghiệp rất cố gắng gây quỹ 100.000 USD để duy trì hoạt động của TASC tại Việt Nam. Gần 50 năm sau lần được Việt Nam trả tự do, sứ mệnh của Pete Peterson vẫn chưa dừng lại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cựu Đại sứ Pete Peterson và “mối duyên” với Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO