Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị tuyên phạt 11 năm tù

- Thứ Năm, 29/04/2021, 18:58 - Chia sẻ
Chiều 29.4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) bị tuyên phạt 11 năm tù. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) bị tuyên phạt 11 năm tù. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tòa đã tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) 11 năm tù, Phan Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị phạt 9 năm tù về cùng tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhóm 8 bị cáo còn lại bị kết án về cùng tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3-Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) bị Tòa tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù, tổng hợp với bản án 7 năm tù trước đó đối với bị cáo Tín về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí,” tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Tín là 13 năm 6 tháng tù; Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) 4 năm 6 tháng tù; Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) 5 năm tù; Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) 4 năm tù, tổng hợp với bản án 4 năm tù trước đó đối với bị cáo Thanh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí," buộc bị cáo Thanh phải chấp hành chung hai bản án là 8 năm tù; Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó 3 năm tù đối với bị cáo Chương về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí," buộc bị cáo Chương phải chấp hành chung hai bản án là 6 năm tù; Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm tù; Nguyễn Lan Châu (nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) bị phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngoài án phạt tù, Hội đồng xét xử còn tuyên giao Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bản án sơ thẩm nhận định, Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) đã có hành vi đồng phạm giúp sức tích cực trong vụ án. Thoa là người trực tiếp ký các văn bản hoặc tham mưu, đề xuất để bị cáo Vũ Huy Hoàng duyệt, ký các văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thực hiện dự án bất động sản không phải là ngành nghề kinh doanh chính, chấp thuận cho liên kết thành lập Công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao khu đất cho công ty cổ phần không phải doanh nghiệp nhà nước.

Đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau khi công ty cổ phần được thành lập, Thoa không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án mà lại tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương thoái toàn bộ vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl.

Thêm vào đó, Hồ Thị Kim Thoa còn phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm để đấu giá thấp hơn giá trị thực tế trái pháp luật. Hành vi của Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp hoặc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng.

Hiện Hồ Thị Kim Thoa đang bỏ trốn nên cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can và quyết định truy nã đối với Hồ Thị Kim Thoa.

Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Phan Chí Dũng đã có hành vi đồng phạm giúp sức tích cực. Bị cáo Dũng đã ký các văn bản, tham mưu, đề xuất để Hồ Thị Kim Thoa và Vũ Huy Hoàng phê duyệt, ký các văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco thực hiện dự án bất động sản không phải là ngành nghề kinh doanh chính, trái với Nghị quyết 94 và Nghị quyết 26 của Chính phủ; chấp thuận cho liên kết thành lập Công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao khu đất cho Công ty cổ phần không phải doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, Phan Chí Dũng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương là Hồ Thị Kim Thoa, Vũ Huy Hoàng thoái toàn bộ phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl; tham mưu để Hồ Thị Kim Thoa phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm để đấu giá thấp hơn giá trị thực tế, trái pháp luật.

Đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tín, Hội đồng xét xử xác định bị cáo Tín biết Khu đất 6.080m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng (Thành phố Hồ Chí Minh) đã được sắp xếp cho Sabeco xây dựng Khu phức hợp 6 sao, Trung tâm thương mại, Trung tâm hội nghị, hội thảo và Cao ốc văn phòng cho thuê, không áp dụng việc liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp này, nếu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Sabeco phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nộp tiền) và được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất thì Sabeco mới được dùng Quyền sử dụng đất đó để góp vốn vào Sabeco Pearl.

Trường hợp Sabeco không có khả năng thực hiện Dự án theo Quy hoạch của Thành phố đã được phê duyệt, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải tiến hành các thủ tục thu hồi Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng sau đó định giá và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Hữu Tín vẫn ký các văn bản cho Sabeco Pearl, không phải là doanh nghiệp nhà nước được thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và được thuê đất thực hiện dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng trái quy định pháp luật, không đúng đối tượng, không qua đấu giá. Thời điểm Nguyễn Hữu Tín ký quyết định cho thuê khu đất này có giá trị quyền sử dụng đất là 1.076 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử đánh giá, cần phải áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tín mới có tác dụng cải tạo giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm. Song, khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cũng xem xét bị cáo Tín đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối hận; quá trình công tác bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng nhiều Huân chương, Bằng khen… nên quyết định cân nhắc giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Đối với bị cáo Lâm Nguyên Khôi, khi chưa lấy ý kiến của các ngành chức năng theo sự chỉ đạo của Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín, bị cáo Khôi đã ký văn bản 3512/SKHĐT PTHT ngày 24.4.2015 tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tòa cấp sơ thẩm cho rằng, văn bản này là cơ sở để các ngành tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho Sabeco Pearl thuê đất trái pháp luật.

Theo TTXVN