“Cướp vợ”- biến tướng từ tục “trộm vợ”

09/06/2007 00:00

Thời gian gần đây, tại các bản làng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An đang rộ lên nạn “cướp vợ”. Nạn nhân của nạn cướp vợ là những cô gái dân tộc Thái mới lớn có chút nhan sắc, nhiều em đang chưa qua tuổi học trò...

      Cô bé Lô Thị Thuỷ - Học sinh lớp 11C thuộc diện hoa khôi của Trường Dân tộc Nội trú Quỳ Hợp với dáng người dỏng cao, gương mặt thanh tú. nước da trắng mịn đặc trưng của thiếu nữ dân tộc Thái. Nhà Thuỷ ở xã Châu Hồng, cách Trường Nội trú 25 km đường rừng nên thỉnh thoảng em mới về thăm nhà. Do Trường Nội trú chưa có ký túc xá nên Thuỷ cùng một nhóm bạn học thuê phòng trọ gần trường, gần đường quốc lộ để thuận tiện cho việc học tập và dễ dàng vẫy xe về thăm nhà những buổi nghỉ học. Đêm 6.1, nghe tiếng ai đó gọi mình, Thuỷ ra khỏi ngõ nhà trọ thì một tốp thanh niên vù xe máy tới “ốp” em lên xe “áp tải” về xã Châu Hồng. Bị “cướp” bất ngờ, Thuỷ la hét, kêu cứu, phản ứng dữ dội: “Có cướp tôi về, tôi cũng không làm vợ anh đâu”. Nghe tiếng kêu cứu, đội giáo viên xung kích do thầy giáo Nguyễn Minh Đạt - Bí thư Đoàn Trường Nội trú dẫn đầu lao xe máy đuổi theo. Cuộc truy đuổi diễn ra căng thẳng, vòng vèo trên đường rừng, đến địa phận bản Nhang, xã Châu Cường thì thầy Đạt phải điện báo cho công an huyện tới can thiệp. Khi bị bắt, chủ mưu Sầm Văn Đức thú nhận: “Uống rượu xong, hứng lên, đi bắt gái đẹp về làm vợ thôi”. Còn Thuỷ sau khi được “giải cứu” cứ khóc thút thít mãi, em nói: “Nếu không có các thầy giải cứu thì em đã phải xa trường, đi làm vợ người ta rồi!”. 
      Sau khi sự việc xảy ra, anh em dòng họ bên nhà Lô Thuỷ đã phạt đền chủ mưu đi “cướp” và làm vía cho em nhưng đến giờ, Thuỷ vẫn thon thót lo bởi gần đây, đã có 5 nữ sinh trong Trường Dân tộc Nội trú bị “cướp” về làm vợ, trong đó có 2 em mới bước vào tuổi 16, đang học lớp 10. Còn phía chủ mưu Sầm Văn Đức sau khi bị họ Lô phạt còn bị UBND xã Châu Hồng phạt thêm 300 ngàn đồng. 5 thanh niên cùng hội đi “cướp vợ” bị phạt mỗi người 200 ngàn đồng. Người dân địa phương cho biết, nạn cướp “gái non” làm vợ xuất hiện nhiều trong mấy năm gần đây tại các bản làng miền núi phía Tây Nghệ An. Trong số các vụ cướp vợ có cả Phó Bí thư Đoàn xã Châu Tiến - Lữ Văn Bay. Đêm 20.9.2006, Bay đã đến Trường Nội trú Quỳ Hợp “cướp” nữ sinh lớp 11- Lô Thị Hồng về làm vợ. Hôm tôi gặp 2 “vợ chồng” thì Bay cúi đầu ân hận, vì một phút nông nổi mà bị kỷ luật Đảng, miễn nhiệm chức danh về Đoàn. Còn Hồng thì u buồn: “Thầy cô vào tận bản để động viên em trở lại trường học nhưng đã bị cưới rồi sao đi học được nữa”. 
      Cũng ở xã Châu Tiến, Vi Văn Vương ở bản Tẹn đã cướp Lang Thị Tươi ở bản Cáng về làm vợ đêm 17.11.2006. Vụ cướp tuy trót lọt nhưng UBND xã đã kịp thời đến nhà can thiệp, dừng đám cưới vì Tươi mới tròn 15 tuổi. Mới đây, tại eo dốc Piêng Con thuộc địa bàn xã Châu Tiến, một tốp thanh niên dân tộc Thái tụ tập tại bìa rừng bàn chuyện “cướp vợ”. Chúng cả quyết lần này phải cướp được gái đẹp là em Vi Thị Th ở bản Phẩy, xã Châu Quang để mang về bản Quang Hương (xã Châu Quang). May sao hôm đó, anh trai của Th. đi chơi về tình cờ bắt gặp một “tòng phạm” của hội đang dụ dỗ Th lên xe và kịp thời giải cứu cho em. Còn tại Trường THCS Châu Thái, em Vi Thị Hằng (14 tuổi, học sinh lớp 8A) nhà ở bản Thái Quang đã bị một thanh niên trong bản “cướp”, nhưng may Hằng trốn thoát. Sau vụ đó, Hằng bỏ học vào miền Nam làm giày da. 
      Theo phong tục Thái, các cô gái nếu bị “cướp” về tới nhà người con trai rồi thì dù muốn hay không, họ đều phải chấp nhận là phận gái đã có chồng. Đơn cử như Lô Thị Hương ở bản Tèo, xã Châu Cường bị cướp năm 13 tuổi. Năm nay, Hương mới 21 tuổi nhưng đã có 3 con và phải sống trong cảnh goá bụa vì chồng cô nghiện hút, đi lang thang bỏ mặc mẹ con cô sống lay lắt. Giờ thì Hương đã đưa con về nương nhờ bà ngoại. 
      Bản Tèo là bản nổi tiếng về tập tục “trộm vợ” từ xưa. Tại đây, Bí thư Chi bộ bản Lô Văn Lợi cho biết: “Người Thái chúng tôi rất coi trọng hôn nhân chính thống. “Trộm vợ” là kiểu lấy vợ bất đắc dĩ. Gia đình nào kinh tế khó khăn, không đủ điều kiện nộp tiền thách cưới của nhà họ gái mới phải đi “trộm vợ”. Theo phong tục Thái thì “trộm vợ” chỉ được tiến hành khi đôi nam nữ đã có tình cảm với nhau, muốn xây dựng hạnh phúc trăm năm cùng nhau nên họ bàn nhau “đi tắt”, giảm bớt được các thủ tục rườm rà mà trong đám cưới chính thức nhà trai phải thực hiện. Các già làng cũng như họ hàng nhà gái cũng thông cảm nên không gắt gao với lỗi lầm “trộm vợ”. Nhà trai chỉ phải làm một cái lễ nộp phạt nho nhỏ gồm một chum rượu cần, 10 lít rượu trắng, một con lợn khoảng 30 - 40kg và một ít tiền mặt để “rửa nhục” cho họ hàng bên nhà gái. 
      Còn nạn “cướp vợ” hiện nay thực chất là sự biến tướng của tục “trộm vợ”. Cộng đồng người Thái và luật pháp nước ta đều không cho phép nam giới thực hiện hành vi “cướp” người không yêu, không quen biết về làm vợ của mình. Đáng tiếc, do lợi dụng tập tục “trộm vợ” mà nạn “cướp vợ” đang lộng hành và trở nên phổ biến ở một số địa phương thuộc miền Tây Nghệ An.

Ngọc Ánh

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Cướp vợ”- biến tướng từ tục “trộm vợ”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO