Trải hơn 200 năm, nước nhà vừa có vua lại vừa có chúa, nhưng vua chỉ là hư vị, chúa mới có thực quyền. Năm 1786, bởi cuộc tấn công của Tây Sơn ra Bắc Hà, toàn bộ cơ nghiệp của họ Trịnh bị lật nhào. Chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Tông (tức Trịnh Khải) bị dân Bắc Hà bắt nạp cho Tây Sơn. Dọc đường bị áp giải, Trịnh Tông đã tự tử. Khi Tây Sơn rút quân về Nam, con cháu của họ Trịnh lại ngóc đầu lên, rắp tâm tái thiết chế độ vua Lê chúa Trịnh như thuở nào. Nhưng, rất tiếc là một lúc mà có đến hai người của dòng họ này cùng nuôi tham vọng làm chúa, đó là Thụy Quận Công (tức Trịnh Lệ, cũng đọc là Trịnh Đệ, con của Trịnh Doanh) và Côn Quận Công (tức Trịnh Bồng, con của Trịnh Giang). Xét về thế thứ, Côn Quận Công là anh con nhà bác còn Thụy Quận Công là em con nhà chú. Nhưng, bởi sự giành giật ngôi chúa nên họ chẳng hề nương tha gì nhau. Rốt cuộc, nhờ khôn khéo nhún mình khi cần thiết phải nhún mình, Côn Quận Công Trịnh Bồng đã giành được ngôi, đó là chúa Yến Đô Vương. Trong tất cả các đời chúa Trịnh, có lẽ Yến Đô Vương Trịnh Bồng là người chịu nhiều khốn khổ hơn cả. Tiếng là chúa nhưng Yến Đô Vương chưa một ngày được bình yên. Diễn biến phức tạp của cuộc tranh đoạt quyền hành đã đẩy Yến Đô Vương ra khỏi phủ chúa, ra khỏi kinh thành Thăng Long và sau cùng là ra khỏi vũ đài chính trị. Sách HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ (hồi thứ mười) chép về đoạn chót cuộc đời Yến Đô Vương Trịnh Bồng như sau:
“Lúc bấy giờ, chẳng còn ai hầu cận nên chúa phải chịu cô độc và sống lẩn lút ở quanh vùng duyên hải, tình cảnh của chúa thật là điêu đứng. Chúa nghĩ, trong cõi phù sinh, sự giàu sang bất quá cũng như chuyện trong giấc mộng, bởi thế xưa mới có người thề rằng, xin chớ đầu thai vào nhà Đế Vương. Chỉ còn có đức Phật lượng cả, thương hết mọi chúng sinh bị chìm đắm nơi bể khổ. Người quả đúng là bậc thông tuệ, tâm như gương sáng đời đời. Từ khi ẩn náu ở đất Chương Đức(1) ta từng có lúc nghĩ như thế. Giờ đây, có lẽ nên nghĩ như ngày đó thì hơn.
Nghĩ là làm, Trịnh Bồng gạt bỏ hết ưu tư và nghiệp chướng, xưng là Hải Đạt Thiền Sư, chu du khắp mạn Cao Bằng và Lạng Sơn. Tại Lạng Sơn, có người học trò xứ Kinh Bắc(2) tên là Vũ Kiền chạy loạn đến. Một hôm, anh ta gặp Hải Đạt Thiền Sư ở chùa Tam Giáo và cùng đàm luận về kinh sách nhà Phật. Vũ Kiền biết Hải Đạt Thiền Sư chính là chúa, bèn mật báo với bọn phiên thần ở đó là Hà Quốc Ký và Nguyễn Khắc Trần. Hai người vờ nói là nhà có lập trai đàn, vậy xin đón Hải Đạt Thiền Sư về. Đến nơi, họ đuổi hết người nhà ra ngoài rồi nói:
- Chúng tôi đều nối đời làm quan nơi biên ải, dẫu xa xôi vẫn mến oai đức của triều đình, nhưng chưa một lần được thấy Hoàng Đế và chúa, chỉ nghe như là nghe chuyện trên trời vậy thôi. Nay, nếu thiên hạ thái bình thì chúng tôi làm gì có cơ hội gặp gỡ này. Nước chẳng may gặp nguy nan nên xe chúa phải chạy ra nơi biên ải, thần dân ai cũng đều đau lòng. Đây chính là lúc trổ tài kinh luân của hết thảy trung thần và nghĩa sĩ. Vậy, chúng tôi xin rước chúa về thành Lạng Sơn, cùng nhau xướng nghĩa để lo việc hưng phục. Nếu việc lớn mà thành thì đám tù trưởng nhỏ mọn là chúng tôi đây cũng hy vọng được dự phần công lao. Đó là nguyện ý chân thành của chúng tôi.
Chúa khoan thai, nhắm mắt rồi chắp tay mà nói rằng:
- Sư già này xuất gia tu hành, không hề can dự gì đến việc của thế tục, xin các ông chớ nhận lầm khiến đang không lại gặp sự chẳng lành. Ai là vua chúa thiên hạ, tất cả là do ở mệnh trời, sư già này chỉ biết có cửa thiền, làm môn đồ của Đức Phật thôi.
Vũ Kiền nói:
- Thần đây tuy chưa một lần được vào chầu hầu ở phủ chúa nhưng vì từng du học ở kinh sư nên cũng đã trộm nhìn thấy dung nhan chúa rồi. Người trong khắp cõi đã có lòng, xin chúa nhớ nên chối từ nữa. Thần từng nghe, phải khó nhọc mới làm nên nghiệp chúa, cho nên, Quang Võ(3) phải bạc hết cả tóc còn Tiên Chúa(4) phải mòn cả thịt ở đùi. Nhưng chuyện không may ở Quế Ổ và Bái Hạ chẳng khác gì chuyện ở Tuy Thủy và Hồ Đà thời Hán(5) thôi. Người xưa vì không nản chí ngả lòng nên mới làm nên cơ nghiệp. Thần chưa bao giờ nghe chuyện một người đường đường là đấng vương giả mà lại cam phận về làm kẻ tu hành. Xin chúa hãy nghĩ lại.
Chúa vừa khóc vừa nói:
- Cảnh nước mất nhà tan, thời nào mà chẳng đau buồn. Ta nào phải là gỗ đá, sao lại không biết căm giận. Nhưng, ta đã cố đem hết sức người mà vẫn không thắng nổi mệnh trời nên đành cam chịu nhún nhường để giữ lấy thân, không dám làm điều gì để dẫn đến sự lầm lẫn thêm một lần nữa.
Lời ấy khiến chúa lộ hết bản tướng của mình, lập tức, bọn họ vin lấy để ép chúa phải truyền lệnh chiêu mộ quân sĩ và tích trữ lương thực. Bọn Hà Quốc Ký và Nguyễn Khắc Trần đều là tầm thường, để thủ hạ làm nhiều điều phi pháp, nhũng nhiễu dân lành, khiến cho thiên hạ không chịu nổi, giết chết cả Hà Quốc Ký và Nguyễn Khắc Trần rồi đuổi chúa đi. Chúa chạy về vùng Hữu Lũng(6), ẩn náu trong chốn núi rừng, không ai còn thấy mặt chúa ở đâu nữa”.
Lời bàn: Khi làm chúa, quanh chúa là bá quan văn võ, chức lớn tước cao… đủ cả. Họ xum xoe bởi vì sự xum xoe đem lại cho họ những món lợi rất cụ thể. Một người làm quan cả họ được nhờ, dại gì mà không xum xoe.
Khi chúa không còn được ngồi yên trong phủ chúa, quanh chúa chẳng còn ai, bá quan văn võ mạnh ai nấy chạy. Họ chạy bởi vì họ khôn lanh. Lúc ấy, chúa có còn gì để ban phát đâu mà theo chúa. Nhân tình thế thái đen bạc và chua chát làm sao.
Trịnh Bồng mượn áo cà sa để che mạng, nhưng, cửa chùa dẫu có luôn mở rộng, nhà Phật dẫu có từ bi, thì chuyện xuất gia tu hành cũng đâu đến nỗi dễ dãi như thế. Đi tu vì mộ đạo khác hẳn với đi tu vì trốn tránh đời thường. Bậc chân tu thì Phật luôn ngự tọa trong tâm thành của họ, còn kẻ mượn áo cà sa để che mắt thế tục và lánh thân nơi cửa thiền thì sẵn sàng trèo lên cả trên mình Phật để thực hiện ý nguyện riêng tư của mình. Như Trịnh Bồng, con mắt thế tục tầm thường vẫn biết được là không phải sư, làm sao mong có thể được trộn lẫn thật sự với các bậc tu hành khác.
Dân vì căm ghét mà giết chết bọn Hà Quốc Ký và Nguyễn Khắc Trần, nhưng dân cũng độ lượng mà đuổi chúa đi chớ không nỡ giết. Thế là Trịnh Bồng được sống chăng? Đúng ra phải nói là chưa chết, song, tham vọng chính trị đã bị giết, nỗi mong che giấu mọi hình tích để được sống như một người thường cũng đã bị giết rồi, chỉ còn cái xác phàm là chưa bị giết chết nữa thôi. Họ Trịnh từ cõi rừng rú, nhờ tàn bạo và xảo quyệt mới len lỏi vào được với vũ đài chính trị, sau hơn 200 năm, lại bị những kẻ tàn bạo và xảo quyệt khác đuổi khỏi vũ đài chính trị để về với rừng rú.
Đời không thiếu những kẻ là nạn nhân của chính mình. Hình như văng vẳng đâu đó trong cõi thâm u của núi rừng, Trịnh Bồng đang chua chát nói lên điều ấy.
_______________
1. Đất này nay thuộc Hà Tây, khi Tây Sơn tấn công ra Bắc, Trịnh Bồng lánh về vùng này
2. Nay là vùng Bắc Ninh
3. Tức Lưu Tú, người lập ra nhà Đông Hán ở Trung Quốc
4. Chỉ Lưu Bị, người lập ra nhà Thục ở Trung Quốc thời Tam Quốc
5. Chuyện lâm nguy của Lưu Bang ở Tuy Thủy và chuyện Lưu Tú mắc nạn ở Hồ Đà, nhưng cả hai đều quyết chí nên đã thoát được
6. Đất này nay cũng thuộc tỉnh Lạng Sơn