"Cuộc sát hạch" thẳng thắn và trách nhiệm

- Thứ Bảy, 07/11/2020, 08:37 - Chia sẻ
Hôm qua, 6.11, Quốc hội đã hoàn thành ngày đầu tiên của Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười. Hai Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và nhiều Bộ trưởng đã "đăng đàn" trả lời các vấn đề nóng bỏng trong điều hành, quản lý và trong thực tiễn được các đại biểu Quốc hội đặt ra. Chia sẻ với PV Báo Đại biểu Nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cảm nhận, phiên chất vấn như một "cuộc sát hạch" cuối nhiệm kỳ, thẳng thắn và trách nhiệm!

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau): Ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề

Đây là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ của Quốc hội nên hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không bị giới hạn về nội dung, số lượng thành viên trả lời chất vấn trực tiếp, trừ một số bộ, ngành có sự thay đổi nhân sự sẽ tiến hành chất vấn bằng văn bản. Trong ngày đầu tiên, nội dung chất vấn rất đa dạng, phong phú. Các ĐBQH đã đưa câu hỏi về rất nhiều lĩnh vực liên quan sát sườn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiều vấn đề bức xúc như phòng, chống lụt, bão, tỷ lệ đầu tư cho các công trình trọng điểm, các chính sách về dân tộc, an sinh xã hội…

Chất vấn và trả lời chất vấn lần này như một cuộc sát hạch cuối nhiệm kỳ để trên cơ sở đó, đánh giá chất lượng cán bộ được Quốc hội bầu, phê chuẩn giữ các vị trí trụ cột của bộ máy nhà nước. Do vậy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ phản ánh được quá trình hoạt động của các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Các ĐBQH đã hỏi thẳng vào trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu. Các câu trả lời chất vấn ngắn gọn, súc tích và đi thẳng vào vấn đề, không còn tình trạng kéo dài, lan man như các kỳ họp trước. Tất nhiên, nói đến sự hài lòng thì mỗi người có tâm trạng khác nhau. Đánh giá chính xác nhất vẫn là nhân dân và cử tri cả nước. Cá nhân tôi cho rằng, về cơ bản, phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành cơ bản đáp ứng được các nội dung đại biểu đặt ra.

Ở góc độ khác, tôi muốn lưu ý một vấn đề, đó là chất vấn là quyền cá nhân của ĐBQH. Khi sử dụng quyền lực này không nên có chuyện ĐBQH này tranh luận về chất vấn của ĐBQH kia. Nội dung trả lời của Bộ trưởng, trưởng ngành đối với chất vấn của ĐBQH là vấn đề mà các ĐBQH khác có quyền tranh luận. Nguyên nhân là bởi, nội dung trả lời của Bộ trưởng, trưởng ngành có thể tác động đến chính sách chung, có thể là mối quan tâm chung của nhiều ĐBQH. Nhưng khi ĐBQH này chất vấn một trưởng ngành, Bộ trưởng thì tức là họ đại diện cho một nhóm cử tri hoặc một khu vực nào đó để tiến hành hoạt động giám sát này nên ĐBQH không thể tranh luận về nội dung chất vấn của ĐBQH khác. 

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An): Sau chất vấn sẽ có chuyển biến rõ rệt hơn

Đây là phiên chất vấn rất đặc biệt vì chúng ta thực hiện chất vấn lại việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. Nghĩa là Quốc hội tái giám sát toàn bộ quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các vấn đề đã được Quốc hội chất vấn và kết luận, giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành. Ngay trong phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh, các đại biểu phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội, làm rõ nguyên nhân, đề ra các yêu cầu cần tiếp tục thực hiện. 

Mỗi đại biểu đã chất vấn không quá một phút, nhưng vẫn rất đúng trọng tâm, trọng điểm, hỏi sâu về vấn đề chất vấn. Các Bộ trưởng trách nhiệm, trả lời thẳng thắn vào vấn đề đại biểu chất vấn. Nhiều vấn đề được đại biểu đánh giá, ghi nhận cao như trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, công tác phát triển mạng 5G với chất lượng tốt, giá rẻ hơn, tiết kiệm chi phí cho nhà mạng… Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực các đại biểu mong muốn "tư lệnh" ngành tập trung quan tâm, chỉ đạo sâu sắc hơn như trong công tác phòng, chống bão lũ, trồng rừng, giữ rừng, an ninh trật tự, an ninh mạng, giáo dục đào tạo... Tôi tin rằng, hậu chất vấn sẽ có những chuyển biến rõ rệt hơn trong thực tế.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Nhìn lại tồn tại để vạch ra chương trình hành động thời gian tới

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười mang tính chất tổng kết lại cả nhiệm kỳ 5 năm, đánh giá những vấn đề Quốc hội đã chất vấn, đã giao cho các bộ trưởng, trưởng ngành được thực hiện như thế nào. Đây không phải là phiên chất vấn dành riêng cho "tư lệnh" ngành nào mà tất cả thành viên Chính phủ, người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đều phải trả lời chất vấn của ĐBQH. Nhờ vậy, chúng ta nhìn lại được tổng thể hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với các Chính phủ, Bộ, ngành trong cả nhiệm kỳ. Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát cũng có cơ hội đánh giá lại tồn tại, hạn chế chưa thực hiện được để vạch ra chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): Phản ánh đúng thực trạng 

Là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV nên phiên chất vấn tại kỳ họp này có phạm vi rất rộng. Nội dung chất vấn rất phong phú, đa dạng và tạo sức hút, sự quan tâm lớn hơn so với phiên chất vấn tại các kỳ họp trước. Trong ngày đầu tiên đã có nhiều câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn rất chất lượng, phản ánh đúng các vấn đề, thực trạng hiện nay của đời sống xã hội. Với những vấn đề mà đại biểu đặt ra, nếu đại biểu cảm thấy chưa thỏa mãn do Bộ trưởng trả lời chưa đúng, trúng vấn đề thì vẫn có quyền tiếp tục chất vấn, tranh luận, trao đổi lại với Bộ trưởng để chia sẻ thêm thông tin và đưa ra các giải pháp nhằm giúp các bộ, ngành làm tốt hơn trong công tác quản lý nhà nước. Điều này tạo nên không khí rất dân chủ ở nghị trường.

Không biết cảm nhận của các đại biểu khác thì thế nào, nhưng cá nhân tôi vẫn thích phương thức đại biểu giơ bảng khi muốn tranh luận hơn. Mặc dù cách làm này có thể hơi thủ công, nhưng tạo không khí sôi nổi, hứng khởi và thu hút về mặt thị giác hơn. 

Với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tôi đánh giá là vừa đủ và an toàn. Tuy nhiên, tôi cũng muốn trao đổi thêm với Bộ trưởng để có góc nhìn rộng, đa dạng hơn trong công tác điều hành, quản lý báo chí, để từ đó có những giải pháp hài hòa hơn trong công tác quản lý nhà nước trên tinh thần xây dựng và phát triển. Bởi lẽ, ngoài góc nhìn của nhà quản lý, theo các điều khoản của pháp luật hiện nay thì còn những mặt khác, cách tiếp cận khác của đời sống xã hội. Cũng là vấn đề đó, quy định của pháp luật thì như thế này nhưng ở ngoài đời sống thì lại có những diễn biến khác.

H.Ngọc, T.Chi, Đ. Thủy ghi