Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ lan sang các nước đang phát triển ?
Vào trung tuần tháng 9.2008, một “cơn địa chấn” mang tên Lehman Brothers đã làm rung chuyển phố Wall. Ngân hàng lớn thứ 4 ở Mỹ đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tuy nhiên, Lehman Brothers không phải là phát súng đầu tiên báo hiệu cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang lan rộng. Trước đó, các tổ chức tài chính khác của Mỹ như Fannie Mae và Fredie Mac cũng đã phải viện tới sự hỗ trợ của Chính phủ để qua giai đoạn nguy kịch. Trong lúc này, một câu hỏi đặt ra là liệu cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ có lan rộng sang các nền kinh tế đang phát triển như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam không?

Khi phố Wall rung động
Sau cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn (sub-prime) xảy ra ở Mỹ vào cuối năm ngoái, nền kinh tế Mỹ một lần nữa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Đây có thể là một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng 1 thế kỷ qua. Về mức độ nghiêm trọng, tới thời điểm này, cuộc khủng hoảng này có thể chưa thể so sánh với cuộc khủng hoảng xảy ra trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày 29.10.1929, hay còn gọi là “ngày Thứ Ba đen tối”, nhưng theo ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng này vẫn chưa tới.
Do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tín dụng sub-prime, vào tháng 3/2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải tiến hành chiến dịch “chưa có trong tiền lệ” để giải cứu ngân hàng đầu tư Bear Stearns. Chưa đầy nửa năm sau cuộc giải cứu này, vào trung tuần tháng 9/2008, FED một lần nữa phải cứu hai tập đoàn đầu tư cho vay thế chấp khổng lồ Fannie Mae và Fredie Mac. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất ở Mỹ trong một thập kỷ qua chưa dừng lại ở đó. Ngày 15.9, sau nhiều nỗ lực cứu vãn không thành, ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 ở Mỹ Lehman Brothers Holding Inc. đã chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản.
Ngay sau khi thông tin về việc Lehman Brothers đệ đơn xin bảo hộ phá sản được công bố, hàng loạt tin xấu đã đến từ “đại gia” của hệ thống tài chính Mỹ. Tập đoàn tài chính Merrill Lynch đã chấp thuận bán cho Ngân hàng Mỹ, với giá trọn gói 44 tỉ USD. Chưa hết, tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Mỹ AIG cũng phải cầu cứu các khoản hỗ trợ từ FED để trụ lại trước cơn sóng gió. Trong lúc các quan chức Mỹ quay cuồng với những cuộc họp khẩn nhằm cứu AIG, nhiều người lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ có thể sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát và sẽ có thêm nhiều nạn nhân mới trong thời gian tới.
Bình luận về cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan cho rằng nền kinh tế số một thế giới đang sa lầy vào một cuộc khủng hoảng tài chính “chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ’’.
Các nước đang phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn hơn
Theo các chuyên gia phân tích, tại thời điểm hiện nay, nguy cơ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ sẽ lan rộng sang các nước đang phát triển là không lớn so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán năm 1929 tại Mỹ, cuộc khủng hoảng đã mở đầu thời kì đại suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Nguyên nhân là do các nước đã áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp nhằm ngăn ngừa cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ có thể lan rộng. Mặc dù vậy, vụ Lehman Brothers vẫn có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới các nền kinh tế đang phát triển.
Với việc FED và nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới đang bơm hàng trăm tỷ USD vào thị trường tiền tệ để cứu nguy các tổ chức tài chính và ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế, trong tương lai, lạm phát ở các nước này sẽ tăng cao bất chấp việc giá xăng dầu có thể sẽ tiếp tục giảm do tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và một số nền kinh tế chủ chốt khác giảm sẽ khiến cho nhu cầu giảm mạnh. Điều này càng làm cho vấn đề lạm phát trở nên trầm trọng hơn ở các nước đang phát triển. Lúc đó, ngân hàng trung ương ở nhiều nước đang phát triển sẽ buộc phải tăng lãi suất để chống lạm phát và hậu quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế bị giảm xuống.
Trong lĩnh vực đầu tư, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, nhiều tổ chức tài chính trên thế giới đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm tiền mặt. Do vậy, nhiều tập đoàn ở Mỹ hoặc châu âu sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn tín dụng, buộc họ phải tạm ngưng hoặc huỷ bỏ các dự án đầu tư ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư hoặc công ty tài chính ở Mỹ và châu âu có thể sẽ xem xét lại chiến lược đầu tư ở các nước đang phát triển, nhất là ở những nước đang có bất ổn chính trị-xã hội, thậm chí có thể rút bớt vốn đầu tư ra khỏi những nước này để bù đắp cho các khoản thua lỗ. Theo Standard Chartered Bank, trong năm nay, khối lượng chứng khoán bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường chứng khoán châu Á lớn hơn khối lượng mua vào. Đến thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 31 tỷ USD vốn đầu tư ra khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc, 10 tỷ USD ra khỏi Đài Loan, 8 tỷ USD ra khỏi Ấn Độ và 4 tỷ USD ra khỏi Thái Lan. Nếu các nước này không áp dụng các biện pháp phòng vệ, việc các quỹ đầu tư và công ty tài chính nước ngoài rút vốn ồ ạt có thể gây ra khủng hoảng tài chính ở nhiều nước đang phát triển giống như trường hợp Thái Lan năm 1997.
Tuy nhiên, một số nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và có môi trường kinh doanh tốt có thể sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này khi các tập đoàn lớn có xu hướng chuyển vốn vào những nơi an toàn hơn để tránh “cơn bão tài chính” ở Mỹ và châu Âu.
Một tác động khác không thể không tính tới sau sự sụp đổ của Lehman Brothers đối với các nước đang phát triển đó là nhiều ngân hàng ở những quốc gia này đã đầu tư hoặc gửi tiền vào những tổ chức tài chính Mỹ đang gặp khó khăn. Nguy cơ mất vốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong bối cảnh ngày càng nhiều ngân hàng Mỹ có thể sẽ đi theo “vết xe đổ” của Lehman Brothers. Mặt khác, nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào tình trạng suy thoái và hậu quả là nhu cầu tiêu dùng bị suy giảm, một số nước đang phát triển, nhất là những nước ở châu Á vẫn coi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Gần đây, IMF dự báo trong năm 2008, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế đang nổi chỉ có thể đạt khoảng 7%, giảm 1% so với năm ngoái.