Cuộc “hôn nhân” giữa nghệ thuật và thương mại
Nghệ thuật và thương mại tưởng chừng là hai lĩnh vực chẳng hề song hành, nhưng thực tế, chúng có mối quan hệ chặt chẽ đến mức được ví như một cuộc “hôn nhân”. Tuy nhiên, mối quan hệ này cần có đủ các điều kiện tiên quyết cũng như được soi chiếu dưới ánh sáng pháp luật để có kết quả là tác phẩm mang lại giá trị cho tác giả, nhà đầu tư và cả công chúng.
Bên có tài, bên có tiền
Vụ kiện tranh chấp quyền tác giả, quyền sở hữu với một vở diễn thực cảnh mới đây đã phần nào cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa thương mại và nghệ thuật ở nước ta. Chính bởi vậy, tọa đàm “Cuộc hôn phối giữa thương mại và nghệ thuật” tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua đã thu hút sự chú ý của nhiều nghệ sĩ hoạt động ở các lĩnh vực.
Trong thực tế, sự kết hợp giữa thương mại và nghệ thuật không phải xu hướng mới. Ở phương Tây, từ thời Phục hưng, nhờ mối giao lưu chặt chẽ giữa gia đình quý tộc với các danh họa, nhân loại đến nay vẫn còn được chiêm ngưỡng các kiệt tác của Michelangelo, Raffaello... Ngày nay, sự kết hợp ấy càng trở nên phổ biến, nhiều bộ phim bom tấn, triển lãm ấn tượng, các buổi hòa nhạc hay nhạc kịch lớn... đã được thực hiện và gây tiếng vang trên thế giới.
![]() | |
Sự hợp tác thành công giữa nghệ thuật và thương mại sẽ mang tác phẩm tốt tới công chúng | |
Ảnh: ITN |
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cái bắt tay giữa hai lĩnh vực này vẫn gây tranh luận. Không ít người đã đặt “nghệ thuật không vì thương mại” và “nghệ thuật mang tính chất thương mại” thành hai phía đối lập. Bởi vậy, trong những năm thời bao cấp và thậm chí đến cuối thế kỷ XX, việc thương mại hóa nghệ thuật vẫn được nhìn nhận ở góc độ không tích cực. Gần đây, khi văn hóa đã được coi là ngành công nghiệp, góc nhìn ấy đã thay đổi, nhưng lại đáng lo ngại ở chỗ, nếu không có thái độ đúng đắn, thương mại sẽ tác động tiêu cực, khiến nghệ sĩ chạy theo thị hiếu, theo nghệ thuật “dễ bán”, lâu dần sẽ bào mòn sáng tạo, thui chột tài năng và mai một các loại hình nghệ thuật kén khán giả.
Thời kỳ mới đòi hỏi các sản phẩm của nghệ sĩ phải được bán và khán giả phải bỏ tiền để thưởng thức là tất yếu. Nhưng thường nghệ sĩ chuyên sáng tác, còn nhà kinh doanh sẽ làm tốt hơn việc đưa tác phẩm đến thị trường, từ đó mà mối quan hệ giữa họ đã ra đời. Nhà phê bình nghệ thuật, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Sự hợp tác giữa một bên có tiền, một bên có tài về nghệ thuật là không thể phủ nhận, vì đó là xu thế phát triển của xã hội”. Tại Việt Nam, đã có những mối quan hệ như vậy được thiết lập, tạo nên các tác phẩm giá trị, mang đậm bản sắc văn hóa và được khán giả trong và ngoài nước đón nhận. Nhưng đáng tiếc, chưa có nhiều cuộc hợp tác như vậy, bởi nhiều lý do như chính sách khuyến khích đầu tư cho nghệ thuật, nhu cầu khán giả, khả năng sáng tạo của nghệ sĩ...
Mối quan hệ đang “trục trặc”
“Việt Nam cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý và rõ ràng về mặt sở hữu trí tuệ, bản quyền. Dựa trên hạ tầng đó, nghệ sĩ, nhà đầu tư, thậm chí cả khán giả hiểu và hành xử rõ ràng, tuân thủ về hạ tầng chung... thì mới có một cuộc “hôn nhân” thành công giữa thương mại và nghệ thuật. Chừng nào chưa có điều đó, chúng ta sẽ bị lấn cấn, băn khoăn, nghi ngại, thậm chí tạo tranh luận không cần thiết”. Đạo diễn Việt Tú |
Ngưỡng mộ những nghệ sĩ có tác phẩm được đông đảo công chúng đón nhận và mang lại giá trị về kinh tế cho tác giả, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng: Tuy nghệ sĩ không sáng tạo vì tiền, nhưng nếu tác phẩm làm ra không mang lại tài chính, thì nghệ sĩ không thể đi xa hơn; nếu họ cứ sáng tạo, khi chết đi tác phẩm mới được công chúng đón nhận, được trả tác quyền, thì điều đó thật bất công... Giờ đây cuộc “hôn phối” với thương mại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật. “Nhiều người khó hiểu tại sao làm nghệ thuật mà cứ nói đến tiền, nhưng sẽ không thể làm được nghệ thuật mà không có nền tảng tài chính. Ngược lại, với một thương nhân, tác phẩm của nghệ sĩ cũng là sản phẩm, nếu đầu tư sinh lời, họ hãnh diện vì tạo ra sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, nó còn tạo ra giá trị vô hình mà dù có bao nhiêu dự án bất động sản hay nguồn thu tài chính, chưa chắc họ đã được để ý bằng sở hữu các tác phẩm nghệ thuật” - đạo diễn Việt Tú nói.
Trong cuộc “hôn phối” giữa thương mại và nghệ thuật cần sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và đồng lòng của hai bên. Một bên đồng ý chi tiền đầu tư, còn bên kia thực hiện ý tưởng mà họ đã thỏa thuận. Nhưng đó là lý tưởng, theo PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái, thực tế mối quan hệ này đang gặp “trục trặc kỹ thuật”, trong tình thế của nước ta chưa quen thuộc lắm với vấn đề bản quyền, luật pháp chưa “phủ sóng” hết các lĩnh vực, nhất là nghệ thuật vốn rắc rối hơn người ta tưởng, mỗi khu vực nghệ thuật lại có quyền lực riêng về sáng tạo và được Nhà nước bảo hộ. “Hôn nhân giữa hai con người có bao nhiêu điều kiện thì hôn phối giữa một “nghệ sĩ và một thương gia cũng có ngần ấy điều kiện để “cơm lành canh ngọt”. Nếu hai bên không có những điều kiện tiên quyết và được soi chiếu dưới ánh sáng pháp luật một cách tử tế thì rất khó đi đến kết quả cuối cùng là một tác phẩm tốt phục vụ khán giả”.
Đa số nghệ sĩ làm nghệ thuật là nhu cầu tự thân, nhưng để mang lại lợi ích cho nhiều người thì nó phải được khai thác. Nghệ thuật và thương mại là hai chuyện khác nhau, nhưng “dính” với nhau, một bên là sản xuất ra sản phẩm, và bên kia là biến sản phẩm thành giá trị, có lợi cho nghệ sĩ, những người đầu tư và xã hội. Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ: “Ngày càng có thêm nhiều nghệ sĩ độc lập tài năng, sáng tạo, và bộ mặt văn hóa của Việt Nam đã cải thiện nhiều thông qua các triển lãm của người trẻ, là các họa sĩ, giới kiến trúc sư, nhạc sĩ... Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thiếu những người có tấm lòng với nghệ thuật. Hy vọng tương lai không xa, tác phẩm của nghệ sĩ sẽ được khai thác và định giá tốt hơn, nhà đầu tư cho nghệ thuật có lời và tiếp tục quan tâm đến nghệ thuật”.