Sau 6 năm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lại có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chuyến thăm không chỉ nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam với tư cách là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa thân thiện mà còn nhằm thúc đẩy xây dựng một tương lai chung ở khu vực.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ tạo thêm động lực mới cho sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời mang lại sự chắc chắn và ổn định hơn cho một thế giới đầy biến động và đan xen. Đó thực sự là một cuộc hành trình về quá khứ và đến tương lai.
Chia sẻ tương lai
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng Xã hội Chủ nghĩa thân thiện, có chung lý tưởng, cùng chế độ chính trị và con đường phát triển giống nhau. Tương lai chung của hai Đảng, hai đất nước và hai dân tộc gắn bó chặt chẽ với nhau bởi cùng một hệ thống xã hội và mục tiêu phát triển.
Trong năm 2015 và 2017, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam hai lần với tư cách là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Nước Trung Quốc.
Những chuyến thăm đó đã làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của Chủ nghĩa Xã hội, tạo động lực mạnh mẽ cho hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
Vào tháng 10.2022, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đón tiếp và có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh, cùng nhau vạch ra đường hướng phát triển cho quan hệ Trung Quốc-Việt Nam và thiết lập tầm nhìn mới cho hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Trung Quốc và Việt Nam đã ra Tuyên bố chung về tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện, thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và kế hoạch “Hai hành lang và một vòng tròn kinh tế”.
Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam đã hỗ trợ lẫn nhau đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và tạo nên một mối quan hệ sâu sắc về “tình đồng chí và tình anh em”. Tình hữu nghị truyền thống được các thế hệ lãnh đạo cũ của hai nước vun đắp vẫn là tài sản quý giá để phát triển quan hệ giữa hai bên.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 15 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam. Chuyến lần này của ông Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn hơn vào việc củng cố nền tảng cho sự phát triển quan hệ song phương, hiện thực hóa sự ổn định và phát triển của cả hai nước, đồng thời đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Ông Nguyễn Văn Thọ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cho rằng việc phát triển không ngừng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước và xu thế chung của thời đại. Ông mong chờ chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam và bày tỏ hy vọng hai nhà lãnh đạo cùng nhau vạch ra kế hoạch chi tiết để phát triển quan hệ Việt-Trung và khởi đầu một giai đoạn tin cậy chính trị cao hơn.
Vạch ra con đường phát triển
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Nước Việt Nam Võ Văn Thưởng bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ 3 ngày 20.10 tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc và Việt Nam đều đang thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa Xã hội Chủ nghĩa, đều coi mối quan hệ song phương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và cả hai đều coi sự phát triển của nhau là cơ hội cho sự phát triển của chính mình.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, với kim ngạch thương mại song phương vượt 200 tỷ USD trong hai năm liên tiếp. Trong 10 tháng đầu năm nay, thương mại song phương đạt 185,1 tỷ USD.
Năm 2017, Trung Quốc và Việt Nam đã ký một Biên bản ghi nhớ về việc cùng thực hiện BRI do Trung Quốc đề xuất và kế hoạch “Hai hành lang và một vòng tròn kinh tế” của Việt Nam nhằm đẩy nhanh hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Từ thương mại biên giới bùng nổ đến kết nối cơ sở hạ tầng, từ hợp tác trong chuỗi công nghiệp và cung ứng đến phát triển xanh, hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng mở rộng.
Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân của Việt Nam, một trong những dự án đầu tiên trong khuôn khổ BRI, đã vận hành an toàn trong hơn 5 năm, giúp giảm bớt đáng kể tình trạng thiếu điện ở miền Nam Việt Nam, với sản lượng điện tích lũy vượt quá 41 tỷ kWh. Nhà máy đã thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật, công nghệ và thiết bị trong nước hơn một tỷ USD.
Một ví dụ khác về hợp tác song phương là tuyến đường sắt đô thị hạng nhẹ đầu tiên của Việt Nam do China Railway Sixth Group Co., Ltd. xây dựng và đã hoạt động được hai năm. Là một dự án mang tính bước ngoặt phù hợp với BRI và kế hoạch "Hai hành lang và một vòng tròn kinh tế", tuyến đường là minh chứng cho cam kết của cả hai nước đối với triết lý phát triển lấy con người làm trung tâm.
Thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng của khu vực
Trong cuộc hội đàm với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10.2022, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc coi ASEAN là một ưu tiên trong ngoại giao láng giềng và là khu vực quan trọng cho hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc coi trọng vị trí và vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
Ông nói: “Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Việt Nam để đẩy nhanh việc xây dựng một ngôi nhà hòa bình, an toàn, thịnh vượng, tươi đẹp và thân thiện, đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực”.
Những nỗ lực không ngừng đang được thực hiện nhằm xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-ASEAN gần gũi hơn với một tương lai chung. Hợp tác khu vực đã được tăng cường nhờ đầu tư hai chiều vượt quá 380 tỷ USD. Đây là một ví dụ đáng chú ý về sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Với việc các cuộc đàm phán liên quan đến Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 đang được đẩy nhanh, lợi ích thu được từ việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực đang trở nên rõ ràng.
Trung Quốc cũng đã tổ chức thành công Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN, Hội chợ triển lãm Trung Quốc-Nam Á, Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc, CIIE và Hội chợ triển lãm chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc.
"Chúng ta phải kiên định với cam kết của mình đối với sứ mệnh sáng lập APEC. Chúng ta phải đáp lại lời kêu gọi của thời đại một cách có trách nhiệm và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu. Chúng ta phải hiện thực hóa một cách đầy đủ Tầm nhìn Putrajaya về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”, ông Tập phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 30 tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ vừa qua.
Chuyên gia Thong Mengdavid tại Viện Tầm nhìn Châu Á, cơ quan tư vấn độc lập có trụ sở tại Phnom Penh, cho biết hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN - được xác định bằng việc xây dựng các khu vực thương mại tự do, hợp tác BRI, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu - sẽ mang lại sự phát triển chất lượng cao trong khu vực và một tương lai chung thịnh vượng.
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Châu Á Bambang Suryono thì nhận định, việc xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương với tương lai chung là cần thiết cho hòa bình và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày nay, đồng thời mang lại những hiểu biết mới về sự thịnh vượng và tăng trưởng chung.