Cuộc gặp gỡ Tháng Chạp

- Thứ Tư, 02/12/2020, 17:26 - Chia sẻ
6 tác giả với những phong cách và chất liệu khác nhau, song đều thể hiện cái nhìn ra thế giới trung thành với bản ngã nhất: Tinh thần yêu vẻ đẹp tự nhiên, những gì gần gũi với tâm hồn. Đó là nét chủ đạo của triển lãm mỹ thuật “Tháng Chạp”.

Thế giới của cái đẹp

Sáng 2.12, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội đã khai mạc triển lãm mỹ thuật “Tháng Chạp”, tập hợp các bức tranh của 6 tác giả: Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Quý Dương, Thái Phạm, Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Ngọc Phương và Lương Hiện. 6 người gặp nhau trong Tháng Chạp, 6 người như 6 mặt khối rubik, mỗi mặt một cách nhìn thế giới. Tranh sơn dầu, màu nước hay tranh lụa đều là phương tiện biểu đạt cách nhìn riêng, nhưng đều giúp họ thể hiện cách nhìn cái đẹp của thế giới đúng với mình nhất.

Trong đó, Thái Phạm sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc và đam mê hội họa như một chốn trước hết đem lại niềm hạnh phúc đặc biệt trong đời sống. Anh bình tĩnh chọn góc nhìn tươi tắn và đầy năng lượng khi ghi lại khung cảnh thiên nhiên của phố phường, mặt nước, nắng gió. Ở anh là một Hà Nội của ngày hôm nay, vẫn có những khoảng lắng giữa khung cảnh biến đổi gấp gáp. Sự dịu dàng và bình dị của cảnh thiên nhiên dường như tìm thấy người tri kỷ trong tranh Thái Phạm.

Những góc phố bình yên...
Những góc phố bình yên thu hút người xem triển lãm

Các bức tranh màu nước của tác giả Nguyễn Ngọc Phương mang lại sự mơ màng, cảm giác nhẹ nhõm cho người thưởng lãm. Là một kiến trúc sư, nhưng khi anh vẽ, anh không nệ vào đường nét kiến trúc của công trình mà tìm thấy vẻ đẹp của những bông hoa ven đường hay những bông quỳnh nở về đêm. Sự mềm mại của thiên nhiên quyến rũ anh, bởi “tôi yêu tất cả những thứ bình dị, cũ kỹ bên mình và lưu giữ ký ức đó qua những mảng màu trên giấy... Hội họa là sự trải nghiệm tuyệt vời đối với tôi, thiên nhiên là người thầy mà tôi học mãi không bao giờ hết được. Có niềm đam mê và nhiệt huyết sẽ đi tới con đường thành công”.

Nguyễn Quý Dương từng khoác áo lính đảo Trường Sa. Tác phẩm của anh là một góc nhìn hiện thực khỏe khoắn và đầy chất lãng mạn của một tâm hồn mở rộng với thiên nhiên, dù là cảnh biển cả nơi anh đã trải qua thời tuổi trẻ hay những ngõ phố Hà Nội, nơi anh tìm thấy vẻ đẹp mộc mạc gợi niềm hoài cổ. Anh chọn cái nhìn trong sáng và lạc quan, vẫn rực rỡ ngay cả khi vẽ những dáng người cần lao của đời sống thường nhật.

Các tác phẩm về biển của tác giả Nguyễn Quý Dương
Các bức tranh gửi gắm tình cảm với biển của tác giả Nguyễn Quý Dương

“Từng một thời gian đóng quân ở đảo Sinh Tồn Lớn, quần đảo Trường Sa hơn 3 năm, tình yêu biển đã ngấm vào máu, ở đâu tôi cũng có thể hình dung ra màu biển xanh, từng con sóng vỗ, bờ cát như thế nào. Tưởng tượng là vậy, nhưng để có thể vẽ được các tác phẩm của mình, tôi đến vẽ trực tiếp tại biển Nha Trang, Phú Yên... hòa cùng màu biển xanh của Trường Sa vẫn luôn trong suy nghĩ. Tôi yêu biển và muốn cho mọi người biết biển Việt Nam đẹp như thế nào, để mọi người thêm trân trọng biển đảo quê hương” - tác giả Nguyễn Quý Dương giới thiệu về những tác phẩm vẽ biển vô cùng sống động.

Kết nối sáng tạo và suy tưởng

Là một người viết văn, Nguyễn Trương Quý vẽ với một tâm thế đồng hiện không gian sáng tạo thứ hai của mình trên mặt toan tranh sơn dầu. Tham gia triển lãm nhóm, với phong cách mới, khác với những bức tranh về thiên nhiên hay vẽ, tác giả Nguyễn Trương Quý bày tỏ: “Là người viết văn, cầm bút vẽ, tôi nghĩ tranh không đơn thuần là sự ghi chép hiện thực, mà là sự hình dung, góc nhìn của mình với thế giới. Trong các tác phẩm của tôi giới thiệu lần này xuất phát từ ý niệm diễn tả cuộc đối thoại tưởng tượng giữa con người với những mảnh vỡ của quá khứ”.

Tác phẩm đậm chất suy tưởng của tác giả Nguyễn Trương Quý
Tác phẩm đậm chất suy tưởng của tác giả Nguyễn Trương Quý

Từng đi qua các bảo tàng lớn trên thế giới, Nguyễn Trương Quý ấn tượng với những bức tượng kinh điển của điêu khắc Hy Lạp - La Mã cổ đại, mà đến nay vẫn được thế hệ sau ngưỡng mộ và ảnh hưởng đến nền văn hóa toàn cầu. Anh chia sẻ: “Những mảnh vỡ ấy có cái đẹp của tàn tích để lại, nhưng cũng tạo nên khoảng trống, như khoảng trống giữa các dòng thơ, khoảng lặng giữa các nốt nhạc. Khoảng trống ấy thêm lung linh, tỏa sáng bởi mức độ đi xa của trí tưởng tượng. Là người vẽ thế hệ sau, tôi hình dung ra để lấp đầy khoảng trống đó. Đưa ra không gian giả định, tác phẩm của tôi kết nối các bức tượng, tôn vinh di sản của quá khứ với sự có mặt của con người hiện đại, gắn kết thẩm mỹ con người hiện đại với quá khứ, không phân biệt vùng địa lý văn hóa..”

Họa sĩ Nguyễn Bá Kiên góp mặt với các tác phẩm mang không khí thanh bình nơi ngõ nhỏ ven đô hay nơi góc phố, vùng biển yên bình trên quê hương Việt Nam. Bằng thể loại tranh lụa, họa sĩ Lương Hiện vừa diễn tả vẻ đẹp mềm mại của cơ thể phụ nữ, vừa phô bày một cá tính táo bạo...

6 tiếng nói hòa cùng nhau trong triển lãm "Tháng Chạp"
6 tiếng nói, phong cách cùng tạo nên triển lãm "Tháng Chạp"

Là họa sĩ, nhà văn, kiến trúc sư... với những trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống, có phong cách vẽ, góc nhìn khác nhau, 6 tiếng nói hòa cùng nhau trong một triển lãm thú vị. “Tháng Chạp được tổ chức vào thời điểm cuối năm, hướng mọi người tới sự sum họp. Triển lãm (diễn ra đến ngày 8.12) như một sự khép lại hành trình sáng tạo trong một năm nhiều biến động và mở ra những màu sắc tươi sáng, niềm hy vọng mới cho năm 2021 sắp đến” - tác giả Nguyễn Trương Quý nói.

Ngọc Phương