Cuộc đua Đông Nam Á

Huỳnh Vũ 15/03/2015 08:42

Trong lộ trình thúc đẩy chính sách Hành động phía Đông, Ấn Độ đặc biệt chú trọng tới phát triển quan hệ thương mại cũng như xây dựng quan hệ chiến lược với các nước Nam Á và Đông Nam Á. Giới phân tích nhận định mục đích của New Delhi là cạnh tranh ảnh hưởng với đối thủ Trung Quốc.

Tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ - ASEAN hồi tháng 12.2012 ở New Delhi, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược. Hiện Ấn Độ có 26 cơ chế đối thoại thường niên với ASEAN, trong đó có một cơ chế hội nghị cấp cao và 7 cơ chế hội nghị cấp bộ trưởng trong những lĩnh vực chủ chốt. Ấn Độ coi ASEAN là cầu nối tới châu Á - Thái Bình Dương. Tăng cường kết nối toàn diện với các nước châu Á là một trong những ưu tiên chiến lược của Ấn Độ và rõ ràng sự kết nối được đẩy mạnh sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực. Ấn Độ đặc biệt coi trọng các nước ASEAN có tiềm năng lớn, tác động tích cực tới sự phát triển của khu vực Đông - Bắc nước này.    

Kể từ khi lên cầm quyền tháng 5.2014, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã hướng trọng tâm tới các nước láng giềng phía Đông và xa hơn nữa dành ưu tiên lớn và thúc đẩy việc chuyển đổi chính sách Hướng Đông thành chính sách Hành động phía Đông. Tiềm năng và phạm vi quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN phát triển ngày càng mạnh mẽ, trong đó Hội nghị cấp cao Đông Á do ASEAN dẫn đầu, cũng là trụ cột quan trọng trong chính sách này của New Delhi.

Ấn Độ đã thiết lập cơ chế đối thoại thường niên với ASEAN theo hình thức hội nghị với Ủy ban điều phối kết nối ASEAN (ACCC). Cho đến nay ACCC và Ấn Độ đã tiến hành hai hội nghị để bàn biện pháp tăng cường kết nối theo ba hướng: địa lý, thể chế và giao lưu nhân dân. Hai bên đang triển khai dự án xây dựng đường cao tốc ba bên, nhằm tạo kết nối liên tục từ Manipur của Ấn Độ tới Mae Sot của Thái Lan đi qua Myanmar. Nhiều dự án kết nối như xây dựng tuyến đường bộ Rhi -Tiddim và tuyến dịch vụ xe buýt Imphal - Mandalay đang được triển khai. Ấn Độ và ASEAN cũng đang nỗ lực tăng cường kết nối hàng hải và hàng không nhằm chuyển các hành lang kết nối thành những hành lang hợp tác kinh tế. Ấn Độ thành lập 3 Quỹ để hỗ trợ các hoạt động hợp tác với ASEAN, gồm: Quỹ hợp tác ASEAN - Ấn Độ, Quỹ Khoa học và Công nghệ ASEAN - Ấn Độ và Quỹ Xanh ASEAN - Ấn Độ. Theo đó, nhiều dự án liên quan đang được triển khai.    

Từ góc nhìn bao quát hơn, giới phân tích nhận định một mối quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN là nhằm phục vụ lợi ích to lớn của Ấn Độ trong cuộc ganh đua giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực đang lên của châu lục này. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi Bắc Kinh dường như đã đi trước New Delhi một bước do lợi thế về địa lý và sự tương đồng văn hóa với các nước Đông Nam Á.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 176,6 tỷ USD năm 1979, khi nước này bắt đầu mở cửa nền kinh tế và đạt mức hơn 10.000 tỷ USD năm 2015. Sự tăng trưởng này gắn chặt với thương mại bởi năm 1979 Trung Quốc chỉ chiếm 0,7% thương mại hàng hóa thế giới nhưng đến nay đã là hơn 10%. Mở cửa nền kinh tế đã đem đến cho Trung Quốc nhiều lợi ích như tỷ lệ tăng trưởng hàng năm hơn 10% GDP trong 30 năm qua, tiếp cận với thị trường toàn cầu, vị trí thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sẵn sàng tiếp cận nguồn năng lượng từ các đối tác thương mại như Indonesia, Malaysia và Myanmar.   

Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc rất quan trọng trong khu vực đang phát triển nhanh chóng này vì đây là hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba khu vực. Thương mại song phương dự đoán sẽ đạt 500 tỷ USD vào năm 2015, và đang đặt mục tiêu 1.000 tỷ USD năm 2020. Đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN cũng sẽ tăng gấp đôi cùng với một sự gia tăng đáng kể trong ngành du lịch. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2014 sẽ giảm xuống mức 7,5% so với năm trước, và tiếp tục giảm nhẹ còn 7,4% trong năm 2015. Tăng trưởng kinh tế của nhóm nước ASEAN 5 dự kiến sẽ ổn định ở mức trên 5%, trong khi 5 nước ASEAN còn lại tăng trưởng với tốc độ cao hơn một chút.

Ngược lại, Ấn Độ bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1989 khi tổng GDP khoảng 300 tỷ USD. Mặc dù hiện nay, GDP của Ấn Độ khoảng 2.000 tỷ USD và chiếm 2% thương mại hàng hóa toàn cầu, những con số này tương đối thấp và phản ánh sự thiếu chủ động của New Delhi trong việc thúc đẩy thương mại. Để cải thiện điều này, Ấn Độ đang được chào đón vào mạng lưới thương mại khu vực phía Đông. Ngoài thỏa thuận chung với ASEAN, Ấn Độ đã ký các thỏa thuận riêng với Thái Lan, Malaysia và Singapore. Ấn Độ cũng đã ký các thỏa thuận thương mại với Sri Lanka, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các thỏa thuận này đã đưa mối quan hệ thương mại của Ấn Độ từ 3,15 tỷ USD năm 1990 lên 80 tỷ USD năm 2012, chiếm khoảng 3% tổng thương mại của ASEAN.   

Theo giới chuyên gia, mặc dù theo đuổi nguyên tắc Panchsheel (không liên kết), nghĩa là có chính sách nghiêm ngặt về việc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia khác, song cả Ấn Độ nhận thấy sự cần thiết phải bảo vệ các lợi ích của họ trong khu vực ASEAN. Ấn Độ đã thực hiện chính sách Hướng Đông nhằm xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn không chỉ với các quốc gia ASEAN, mà còn với các quốc gia ở phía Bắc vùng biển xung quanh Trung Quốc như Nhật Bản hoặc hai miền Triều Tiên. Một số người có lẽ cũng tuyên bố rằng chính sách Hướng Đông là một chính sách bắt nguồn từ hoạt động chính trị quyền lực quốc tế trong việc kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cuộc đua Đông Nam Á
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO