Cuộc đua chuyển giao công nghệ vaccine cho ASEAN

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 06:35 - Chia sẻ
Chiến lược ngoại giao vaccine Covid-19 của một số nước lớn ở khu vực Đông Nam Á như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản hiện đang bước vào giai đoạn mới khi các nước này bắt đầu chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho các nước đối tác và đồng minh trong khu vực nhằm khởi động quá trình sản xuất tại địa phương.
Vaccine Trung Quốc sẽ được sản xuất tại Indonesia
Nguồn: Reuters

Cuộc đua tam mã

Nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đông Nam Á thu hút rất nhiều sự quan tâm trong chiến lược ngoại giao vaccine Covid-19 của các nước lớn. Trung Quốc đã cung cấp khoảng 190 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước thành viên ASEAN tính đến giữa tháng 9.2021. Gần đây, chiến lược ngoại giao vaccine đã được thúc đẩy sang một trang mới khi các nước thay vì chỉ đơn thuần cung cấp vaccine, đang tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất cho các nước trong khu vực. Nỗ lực này được đặc biệt hoan nghênh ở Đông Nam Á bởi chúng tạo ra “cú huých” phát triển quan trọng cho ngành dược phẩm các nước trong khu vực, đồng thời nó tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Nhiều công ty địa phương đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine để chờ cấp phép tại địa điểm sản xuất.

Cụ thể, vào tháng 8.2021, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan thông báo Công ty Etana Biotechnologies Indonesia sẽ bắt đầu sản xuất các loại vaccine mRNA (tương tự công nghệ sản xuất vaccine Pfizer và Moderna) từ tháng 7.2022.

Hãng dược này nhận được sự hỗ trợ công nghệ từ công ty dược phẩm Walvax Biotechnology của Trung Quốc và hiện đang thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 giai đoạn 3 với kế hoạch sản xuất 70 triệu liều vaccine mỗi năm.

Trong quá trình chuyển giao công nghệ, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến chương trình sản xuất vaccine Covid-19 của Indonesia, nước có dân số và quy mô kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thể hiện hy vọng rằng Indonesia sẽ trở thành trung tâm sản xuất vaccine Covid-19 của khu vực.

Cho đến nay, Trung Quốc cũng là nước cung cấp vaccine lớn nhất cho Indonesia với khoảng 80% vaccine tại Indonesia đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm Sinovac Biotech hay Sinopharm. Mới đây, Chính phủ Indonesia đã phê duyệt loại vaccine thứ 4 của Trung Quốc sản xuất trên nền tảng tiểu đơn vị tái tổ hợp protein có tên là Zifivax jab do công ty dược phẩm Trung Quốc An Huy sản xuất. Tuy nhiên các loại vaccine này được cho là không mang lại hiệu quả cao như vaccine sản xuất bằng công nghệ mRNA và chính phủ Indonesia hiện đang cố gắng mua thêm vaccine Pfizer và Moderna. Vaccine Sinovac và Sinopharm hiện đang là các lựa chọn phổ biến nhất tại Trung Quốc đại lục. Walvax hiện đang chờ được cấp phép cho vaccine mRNA.

Tại Thái Lan, hãng dược Siam Bioscience thuộc sở hữu của Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca vào tháng 6. Khoảng 50% vaccine của Thái Lan được sản xuất ở Trung Quốc và chính phủ nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm kết hợp AstraZeneca - Sinovac.

Trong khi đó, Mỹ cũng không chậm chân so với Trung Quốc trong việc hỗ trợ các đối tác trong khu vực. Trong tháng 9, công ty dược phẩm Dynavax Technologies của Mỹ đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc phát triển vaccine Covid-19 với công ty nhà nước BioFarma của Indonesia. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Thỏa thuận này cho phép Dynavax Technologies và Bio Farma hợp tác phát triển vaccine sử dụng protein tái tổ hợp.

Trong khi đó, công ty dược phẩm Arkturus Therapeutics cũng chuẩn bị sản xuất vaccine mRNA hợp tác với Tập đoàn Vingroup của Việt Nam. Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên đã kết thúc, quá trình thử nghiệm giai đoạn 2 trên người dự kiến sẽ được khởi động sớm. Nhà máy đầu tiên tại Hà Nội dự kiến bắt đầu sản xuất vaccine từ đầu năm 2022 và công suất ước tính lên đến 200 triệu liều/năm.

Nhật Bản cũng không nằm ngoài cuộc đua này. Công ty dược phẩm Shionogi của Nhật dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với hàng nghìn người trước khi vaccine Covid-19 của công ty này được cung cấp cho Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác. Công ty đồng thời cũng đang muốn chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho các nước này.

 

Đông Nam Á tăng tốc chiến dịch tiêm chủng

Là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất vì Covid-19, đặc biệt là do biến thể Delta, Đông Nam Á đang tăng tốc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân. Tính đến ngày 20.9, Indonesia đã tiêm gần 125 triệu liều vaccine, Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng cho 80% dân số trên 18 tuổi, trong khi Singapore cũng đã đạt tỷ lệ tiêm 82% dân số.

Ngày 21.9, Indonesia đã tiếp nhận hai lô vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Sinovac và Sinopharm với tổng cộng 5,2 triệu liều. Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Johnny G. Plate cho biết số vaccine nói trên do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc viện trợ, trong đó lô thứ 71 gồm 5 triệu liều Sinovac và lô thứ 72 gồm 200.000 liều Sinopharm. Theo ông, tính đến nay Indonesia đã có tổng cộng 267.550.400 liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó có 58.776.000 liều vaccine thành phẩm của Sinovac. Ông nhấn mạnh rằng việc tiếp nhận hai lô vaccine trên là kết quả các nỗ lực ngoại giao của Chính phủ Indonesia nhằm mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay.

Indonesia phát động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa Covid-19 từ ngày 13.1. Tính đến ngày 20.9, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã tiêm gần 125 triệu liều vaccine, trong đó hơn 45 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai liều.

Singapore cũng trở thành một hình mẫu chống dịch Covid-19 thành công trên thế giới. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Singapore đạt 82% dân số. Trong số những người đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc Covid-19 ghi nhận trong giai đoạn từ ngày 1.5-16.9, chỉ có 0,09% phải chuyển sang khu điều trị tích cực hoặc tử vong. Tỷ lệ này ở những người chưa tiêm phòng là 1,7%.

Tại Malaysia, 80% dân số trên 18 tuổi đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, theo Bộ Y tế nước này. Ủy ban Đặc biệt bảo đảm nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 (JKJAV) của Malaysia sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm bảo đảm 20% người trưởng thành còn lại hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Cùng với nỗ lực nhập thêm vaccine và nội địa hóa vaccine nhờ chiến lược chuyển giao công nghệ đang được xúc tiến, khả năng phủ sóng tiêm chủng của các nước trong khu vực được kỳ vọng sẽ có những tiến bộ lớn trong thời gian tới.

Đạt Quốc (Theo Nikkei Asia)