Cuộc đời đặc biệt của em gái cố hiệp sỹ Nguyễn Công Hùng
(ĐBNDO)- Tự tin, lạc quan và trách nhiệm là cảm nhận của người đối diện khi đã được làm việc và tiếp xúc với chị – một cô gái khuyết tật nhưng đã cống hiến hết mình vì sự phát triển chung của cộng đồng người khuyết tật. Nghị lực phi thường của chị đã vươn ra khỏi dải đất hình chữ S để đến với cộng đồng người khuyết tật trên thế giới trong đó có nước Úc xa xôi – nơi chị cho rằng mình đã được “nhận” nhiều thứ và được trang bị rất nhiều kỹ năng sống để có được sự tự tin như ngày hôm nay. Chị là Nguyễn Thảo Vân – Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống.
Lớn lên cùng những nỗi sợ hãi
Sinh ra trên cuộc đời này, ai cũng muốn mình có được sự phát triển bình thường như bao người bình thường khác. Nhưng với Vân thì dường như đó là một mong ước xa vời. Vân sinh ra trong một gia đình có ba người con, có đến 2 người bị khuyết tật. Anh trai chị là hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng cũng là người khuyết tật và mất cách đây gần 3 năm. Còn chị, từ khi sinh ra chưa có được bước đi chập chững đầu tiên… Người bạn đồng hành cùng rong ruổi với chị trong những chuyến công tác trong và ngoài nước chính là chiếc xe lăn quen thuộc.
![]() Những người tham gia show thời trang "Tôi đẹp. Bạn cũng thế" tại Hội An |
Với chị, người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, từ việc đi lại cho đến tiếp cận thông tin để phục vụ cho cuộc sống. Chị nhớ về tuổi thơ của mình với những nỗi sợ hãi. Chị sợ đi học, chị sợ đến trường bởi những bạn bè đồng trang lứa lúc ấy nhìn chị như là một kẻ khác biệt. Chị thường bị trêu chọc trước lũ bạn, sợ ra ngoài và sợ tiếp xúc với mọi người và rồi, chị bắt đầu sống thu mình lại, chị bị cô lập giữa cộng đồng. Chị bị cô lập bởi chính bạn bè và bởi sự tự ti của chính mình. Chị cho rằng, người khuyết tật đặc biệt là trẻ em thường rất nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương bởi cách ứng xử thiếu tinh tế của những người xung quanh, bởi những định kiến của xã hội khi cho rằng người khuyết tật là gánh nặng của gia đình và xã hội.
Nghị lực đã chiến thắng
Cuộc sống giúp chị hiểu ra rằng, sự tự ti đó sẽ kéo lùi mình lại, chị buộc tiếp tục vươn lên bởi sự cố gắng, nỗ lực của chính mình. Năm lớp 10 chị đã chủ động cuộc sống của mình. Nhưng rồi biến cố lại xảy ra khi Nguyễn Công Hùng - anh trai chị đột ngột qua đời. Chị không muốn mất đi những thành quả mà anh trai mình đã dày công xây dựng, chị đã cố gắng chèo lái để Trung tâm Nghị lực sống tiếp tục hoạt động, tiếp tục trở thành nơi tin cậy để tạo hành trang vào đời cho người khuyết tật vững tin bước tiếp, mà như cách nói lạc quan của chị, “cứ bước rồi đường sẽ thẳng”.
Hiện các lĩnh vực mà Trung tâm Nghị lực sống đào tạo gồm có: thiết kế đồ họa, SEO, tiếng Anh và kỹ năng sống tự lập. Khi được hỏi về tình hình hoạt động của Trung tâm, mắt Vân ánh lên niềm vui khi cho rằng, Trung tâm là ngôi nhà chung, ngôi nhà hạnh phúc cho những người khuyết tật đã từng học tập và làm việc tại đây. Số học viên mà Trung tâm đã đào tạo là 750 em, 80% số học viên có việc làm ổn định, thu nhập trung bình khoảng 7 triệu/người/tháng.
Đến với trung tâm có người chỉ biết chữ, có người chưa từng rời gia đình và ở nhiều dạng khuyết tật khác nhau nhưng họ cùng có một nguyện vọng, ước mơ là được học tập, tự nuôi dưỡng bản thân và cống hiến cho cộng đồng. Điều đó làm cho chị càng phải cố gắng nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn với những người trong ngôi nhà chung của mình.
Chị cho rằng, nếu nói là đào tạo chuyên môn thì nhiều nơi đào tạo còn tốt hơn trung tâm. Nhưng phương châm của chị là mang đến cho học viên những kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập. Và điều quan trọng là làm sao để cho người khuyết tật cảm thấy trân trọng bản thân mình.
Có một điều rất đặc biệt tạo nên thành công của Trung tâm nghị lực sống theo chị là thực hiện theo “quy trình ngược”. Vì thông thường, ở các trung tâm đào tạo khác, học viên sau khi học xong thì mới đi tìm việc. Nhưng tại Trung tâm Nghị lực sống thì mô hình lại có tính đảo chiều, tìm việc trước rồi mới kiếm người phù hợp cho vị trí việc làm đó và triển khai đào tạo để sau khi học xong học viên không phải chịu rủi ro thất nghiệp.
Chị cho biết, vẫn có nhiều công ty sẵn sàng nhận người khuyết tật vào làm việc với lượng nhân sự tuyển dụng hàng năm khá cao, thậm chí lên tới 20 – 30 người. Ví dụ như Công ty của Đan Mạch Esoftflow – doanh nghiệp chuyên cung cấp đồ họa cho công ty bất động sản quốc tế, Trung tâm Nghị lực sống tìm đến những doanh nghiệp này để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng cũng như những yêu cầu cụ thể về kỹ năng công việc, sau đó mới có chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
![]() Ngài Đại sứ Úc Hugh Borrowmen chúc mừng chị Nguyễn Thảo Vân – Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống tại show diễn thời trang "Tôi đẹp. Bạn cũng thế" ![]() Chị Nguyễn Thảo Vân tại show diễn thời trang |
Năm 2008, chị được nhận Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” Năm 2009, chị nhận giải thưởng 20 cá nhân xuất sắc - Cuộc thi Chim én 2009 Năm 2011: chị nhận Nhận giải thưởng “Giải Băng Xanh” do Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), và Ủy ban Điều phối các Hoạt động về Người khuyết tật (NCCD) trao tặng. Năm 2012, chị nhận giải thưởng “Tầm nhìn phụ nữ” do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế tại Hà Nội trao tặng. Năm 2013, chị nhận giải thưởng 20 cá nhân xuất sắc - Cuộc thi Chim én 2013 và Giải thưởng “Tài năng – Nghị Lực Việt Nam” do Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trao tặng. Năm 2014, chị nhận Giải thưởng Tâm Tài Nghệ An và Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu Nghệ An Năm 2015, chị được Biểu dương gương điển hình phụ nữ thi đua yêu nước do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Ngày 08.03.2016, chị được nhận Giải thưởng Phụ nữ tự tin tiến bước do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng. |
Không chỉ có trách nhiệm với cộng đồng người khuyết tật, chị là người rất tích cực trong các chương trình hoạt động từ thiện. Chị lập nhóm “Nối vòng tay lớn” ở xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An và mở lớp đào tạo tin học miễn phí cho người khuyết tật và học sinh nghèo như “Bánh chưng xanh”; “Mang trung thu đến vùng lũ quét” cho 1.000 trẻ em nghèo xã Minh Quân (Chấn Yên, Yên Bái); tổ chức Giáng sinh cho những mảnh đời bất hạnh ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An và gần đây chị tổ chức chương trình Xuân Yêu Thương 2016 tặng quà cho 100 hộ nghèo, người già neo đơn, bệnh nhân và người khuyết tật tại vùng núi Nghệ An.… Ở những nơi chị đến, mọi người đều thể hiện sự yêu thương, cảm kích tấm lòng thiện nguyện chân thành của chị.
Ngoài ra, chị cũng muốn mang đến cho cộng đồng một góc nhìn sâu hơn về người khuyết tật về khát khao được sống, được thể hiện bản thân, khát khao vươn lên trong hòa nhập cộng đồng thông qua những show diễn thời trang dành cho người khuyết tật.
Vân hào hứng kể cho tôi nghe về thành công của show diễn “Tôi đẹp. Bạn cũng thế” vừa thực hiện tại Hội An. Đây là sự kiện tiếp nối của các chương trình diễn thời trang trước đó mà chị là người lên ý tưởng sáng tạo. Lần đầu tiên chị tổ chức show diễn ở Úc vào ngày 21.11.2014 – khi chị kết thúc chương trình du học do Chính phủ Úc tài trợ. Tại chương trình đó, người mẫu tham gia là những người khuyết tật Úc. Chị coi đó là món quà tri ân của mình dành cho thầy, cô giáo, cho Chính phủ Úc trong quá trình chị theo học. Qua đó, chị muốn khơi dậy sự tự tin của người khuyết tật nói chung và người khuyết tật Úc nói riêng.
Tiếp đó, chị tổ chức show diễn tại Hà Nội vào cuối năm 2015, ngày 16.4 vừa qua show diễn tại Hội An là show diễn thứ ba của chị. Chị từng chia sẻ, nỗi sợ hãi của chị là sinh ra không lành lặn như những bạn bè cùng trang lứa. Chị đã trải qua những giai đoạn khủng hoảng nhất. Chị đã từng đối diện với ca phẫu thuật để mình trông được đẹp hơn và khỏe hơn với tỷ lệ 50/50 giữa sự sống và cái chết… Tất cả mọi áp lực mà chị và những người đồng cảnh ngộ từng trải qua đều bắt nguồn từ những định kiến xã hội. Những định kiến xã hội càng làm cho người khuyết tật có tâm lý tự ti và sợ hãi.
Chị chọn làm chương trình thời trang vì muốn truyền tải đến xã hội một thông điệp rằng, những người khuyết tật cũng có những vẻ đẹp, có tài năng. Mỗi phụ nữ khuyết tật, khi bước ra sân khấu thời trang là những người mẫu, họ giống nhau về những thiệt thòi trong ngoại hình nhưng cùng chung một suy nghĩ, nghị lực để cùng vượt qua mặc cảm cá nhân... Và điều chị mong muốn là cộng đồng hãy ghi nhận vẻ đẹp trong sự đa dạng, tôn trọng sự khác biệt ấy.
Tuy nhiên, trong câu chuyện của chị có lúc như chùng xuống khi chị đang đau đáu với mong muốn phát triển Trung tâm Nghị lực sống thành một tổ chức phi lợi nhuận có pháp nhân để thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động. Với chị, các quy định của pháp luật hiện hành đối với người khuyết tật rất “hoàn hảo”, nhưng chị muốn rằng, những chính sách này được thực thi nghiêm để người khuyết tật thực sự hưởng thụ những điều tốt đẹp từ các chính sách pháp luật mang lại.
Cho rằng mình là người sống có lương tâm và trách nhiệm, trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với cộng đồng. Vân chia sẻ rằng, chị sẽ tiếp tục thổi lên ngọn lửa tự tin cho những người kém may mắn với việc thực hiện show diễn thời trang ở Sài Gòn dành cho người khuyết tật vào cuối năm nay. Và thời gian tới chị lại lên đường đi du học. Với một người khuyết tật như chị, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với nghị lực và ước mơ về một Tổ chức Nghị lực sống không cho phép chị dừng lại. Bởi với chị, dù là người khuyết tật nhưng chị vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người cùng cảnh ngộ. Chị sẽ tiếp tục tiến lên phía trước bởi rất nhiều người khuyết tật cần đến sự sẻ chia, sự truyền tải sức mạnh vươn lên từ chị như cách mà chị vẫn nói với chính mình và các bạn khuyết tật rằng, “cứ bước tiếp, đường sẽ thẳng”.