Cuộc chiến ý thức hệ - ngòi nổ trên chính trường Mỹ

- Thứ Tư, 09/10/2013, 08:32 - Chia sẻ
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa đã đưa đến những hậu quả to lớn, khiến gần một triệu nhân viên phải nghỉ việc, nhiều công viên và các dịch vụ xã hội phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí Tổng thống Barack Obama hủy chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao APEC. Tuy nhiên, những gì tồi tệ nhất có thể không chỉ dừng lại ở đó khi cuộc chiến ý thức hệ vẫn tiếp diễn.

 Biếm họa của Christopher Weyant                                                               Nguồn: The Hill

Mặc dù việc đóng cửa các cơ quan của chính phủ liên bang có thể ảnh hưởng đến khả năng chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2014 hay bầu cử Tổng thống vào năm 2016, song đó không phải là mối quan ngại của các thành viên đảng này trong Hạ viện - những người chủ trương sử dụng việc thông qua dự luật ngân sách của chính phủ để trì hoãn chương trình chăm sóc sức khỏe của chính quyền - được biết với tên Obamacare. Sarah Binder, chuyên gia về Quốc hội Mỹ tại Viện Brookings, cho rằng hiện có một số lượng lớn thành viên đảng Cộng hòa không cảm thấy bị tổn hại bởi danh tiếng xấu của đảng này”. Thay vào đó, mối nguy hiểm xuất phát từ việc họ lo ngại bị đánh giá là quá mềm dẻo so với truyền thống bảo thủ của đảng này. Chính vì tâm lý trên, nghị trường nước Mỹ sắp tới sẽ hứa hẹn tiếp tục là chảo lửa của các cuộc tranh cãi liên quan tới các vấn đề quốc gia đại sự và ít nhiều tác động tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm sau.

Báo cáo Chính trị Cook, một ấn phẩm của Washington, ước tính rằng 205 trong số 232 thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện có thể hy vọng giành chiến thắng trong năm tới. Chỉ có 11 ghế của đảng Cộng hòa được xem là phải cạnh tranh. Mặc dù hầu như không chịu sức ép phải tranh thủ các lá phiếu của các cử tri ôn hòa, song phe Cộng hòa liên minh với đảng Trà lại phải đối mặt với áp lực lớn hơn để thể hiện với các nhà hoạt động bảo thủ rằng họ đang trung thành với cội nguồn ý thức hệ của họ thay vì hành động để giữ cho chính phủ hoạt động hiệu quả. Do đó, có lẽ việc để chính phủ cạn kiệt ngân sách còn dễ dàng hơn là việc đối mặt với cáo buộc rằng họ không đấu tranh mạnh mẽ để chống lại Obamacare.

Kevin Madden, người trước đây là cố vấn cấp cao của đảng Cộng hòa, cho rằng sẽ dễ dàng hơn khi các nghị sỹ Cộng hòa giải thích về phiếu “chống” mà họ đưa ra như là sự bỏ phiếu bất tín nhiệm Nhà Trắng, thay vì bỏ phiếu “thuận” để rồi họ phải giải thích về việc họ đã tán thành. Thăm dò mới nhất của Quinnipiac University cho biết có tới 72% người Mỹ được hỏi ý kiến bày tỏ sự phản đối việc đóng cửa công sở liên bang chỉ với mục đích ngăn chặn việc thực hiện Đạo luật Obamacare và 46% người được hỏi cho rằng trách nhiệm để chính phủ phải đóng cửa thuộc về đảng Cộng hòa.

Đánh giá những nguy cơ liên quan tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm sau, các thành viên kỳ cựu của đảng Cộng hòa cho rằng thế bất phân thắng bại giữa Hạ viện do Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do Dân chủ kiểm soát trong vấn đề ngân sách 2014 có thể cản trở nỗ lực của đảng này nhằm thu hút số phiếu bầu lớn hơn của cử tri Mỹ sau hai lần thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống. Steve LaTourette, nghị sỹ ôn hòa của đảng Cộng hòa đã nghỉ hưu năm 2012, nói: “Đây là một động thái rõ ràng để giúp đảm bảo chắc chắn rằng đảng Cộng hòa là đảng có thể kiểm soát Hạ viện trong tương lai, nhưng nó lại ảnh hưởng đến khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2014 và bầu cử Tổng thống vào năm 2016”.

Đảng Cộng hòa đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi năm 2010 với sự giúp đỡ của đảng Trà - phong trào kết hợp chủ nghĩa bảo thủ đối lập với sự hoài nghi về khả năng giải quyết vấn đề của chính quyền Washington. Theo cuộc điều tra toàn quốc gần đây của Viện Gallup, chỗ đứng của phong trào này đã có phần giảm sút kể từ đó.

Chính yếu tố bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014 và tổng tuyển cử vào năm 2016 đã càng làm cho các bên quả quyết hơn với quan điểm của mình. Người ta cho rằng, phe Cộng hòa hiện đang đặt cược vào việc giành lại quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử năm tới nhằm khống chế lưỡng viện Quốc hội trong khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng quyết không chịu lùi bước. Song dù thế nào đi chăng nữa, chính quyền Mỹ vẫn phải đối mặt với một thực tế rất gần, đó là vào ngày 17.10 tới sẽ là hạn cuối cho việc nâng trần nợ của Chính phủ đang ở mức 16.700 tỷ USD. Nếu Quốc hội không thông qua việc nâng trần nợ, Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử bị vỡ nợ về mặt lý thuyết. Nhiều nhà đầu tư lo ngại Chính phủ đóng cửa hoặc vỡ nợ có thể phá hủy nền kinh tế Mỹ. Mối đe dọa vỡ nợ đang treo lơ lửng trên đầu chính quyền của Tổng thống Barack Obama khi “cuộc đấu ý thức hệ trên chính trường” vẫn chưa thấy hồi kết.

Huỳnh Vũ