Không để bị lôi kéo vào cuộc chiến
Lo ngại trở thành lực lượng bị kẹt giữa hai làn đạn, các quốc gia vùng Vịnh bao gồm Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Qatar đã từ chối mọi khả năng cho Israel mượn không phận của họ để tấn công Iran. Họ cũng truyền đạt điều này tới Washington, ba nguồn tin thân cận với chính phủ cho biết.
"Các quốc gia vùng Vịnh không cho Israel sử dụng không phận của họ. Họ sẽ không cho tên lửa của Israel bay qua, và cũng có hy vọng rằng họ sẽ không tấn công các cơ sở dầu mỏ", nguồn tin vùng Vịnh cho biết.
Động thái của các quốc gia vùng Vịnh diễn ra sau nỗ lực ngoại giao của Iran, quốc gia Hồi giáo theo dòng Shiite, nhằm thuyết phục các nước láng giềng Hồi giáo theo dòng Sunni ở vùng Vịnh sử dụng ảnh hưởng của họ để tác động đến Washington trong bối cảnh có nhiều lo ngại khả năng Israel sẽ tấn công các cơ sở sản xuất dầu của Iran.
Trong các cuộc họp giữa các quan chức của hai quốc gia sản xuất dầu mỏ diễn ra tuần này, Iran đã cảnh báo Ảrập Xêút rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho các cơ sở dầu mỏ của vương quốc vùng Vịnh này nếu Israel được nước này hỗ trợ thực hiện cuộc tấn công, một quan chức cấp cao của Iran và một nhà ngoại giao Iran nói với Reuters.
Ali Shihabi, một nhà ngoại giao Ảrập Xêút thân cận với hoàng gia, cho biết: "Người Iran đã tuyên bố nếu các quốc gia vùng Vịnh mở không phận của họ cho Israel, đó sẽ là một hành động chiến tranh. Nhưng Ảrập Xêút không cho phép bất kỳ ai sử dụng không phận của họ”. Nhà ngoại giao cho biết, Tehran đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Riyadh rằng các đồng minh của nước này ở các quốc gia như Iraq hoặc Yemen có thể đáp trả nếu có bất kỳ sự ủng hộ nào của khu vực dành cho Israel chống lại Iran.
Trước đó, sau vụ Iran tiến hành cuộc tấn công Israel bằng gần 200 quả tên lửa, Israel đã tuyên bố Iran sẽ phải trả giá. Theo hai quan chức cấp cao của Israel, Israel sẽ điều chỉnh phản ứng của mình và đến nay, họ vẫn chưa quyết định liệu có tấn công các mỏ dầu của Iran hay không. Lựa chọn này là một trong số nhiều giải pháp mà cơ quan quốc phòng đưa ra cho lãnh đạo Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant phát biểu hôm 9.10: "Cuộc tấn công của chúng tôi sẽ gây chết người, chính xác và trên hết là gây bất ngờ. Họ sẽ không hiểu chuyện gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào. Họ sẽ thấy kết quả”.
Một cuộc tấn công tiềm tàng của Israel là trọng tâm trong các cuộc đàm phán diễn ra giữa Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman, và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, người đang có chuyến công du vùng Vịnh để vận động sự ủng hộ.
Một nguồn tin từ vùng Vịnh cho biết, chuyến thăm của Bộ trưởng Iran, cùng với hoạt động trao đổi thông tin giữa Ảrập Xêút và Mỹ ở cấp bộ quốc phòng, là một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Các quan chức vùng Vịnh đã liên lạc với phía Hoa Kỳ để bày tỏ quan ngại về phạm vi trả đũa tiềm tàng của Israel.
Tuy nhiên, Nhà Trắng từ chối bình luận khi được hỏi liệu các chính phủ vùng Vịnh có yêu cầu Washington đảm bảo sẽ thuyết phục Israel cân nhắc kế hoạch của mình hay không. Trước đó, ngày 9.10, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc thảo luận đầu tiên về khả năng trả đũa của Israel trong một cuộc gọi mà cả hai bên đều mô tả là tích cực.
Chiến tranh và dầu mỏ
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), do Ảrập Xêút đứng đầu, có đủ công suất dầu dự phòng để bù đắp cho bất kỳ tổn thất nào về nguồn cung từ Iran nếu Israel phá hủy một số cơ sở của nước này. Nhưng phần lớn công suất dự phòng đó nằm ở khu vực Vịnh, vì vậy nếu các cơ sở dầu mỏ ở Ảrập Xêút hoặc UAE cũng bị nhắm mục tiêu, thế giới có thể phải đối mặt với nguy cơ về nguồn cung và cùng với đó có thể là vũ điệu của giá dầu.
Ảrập Xêút đã cảnh giác về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công vào các nhà máy dầu của mình kể từ cuộc tấn công năm 2019 vào mỏ dầu Aramco, làm gián đoạn hơn 5% nguồn cung dầu toàn cầu, một sự kiện mà Iran phủ nhận sự liên quan.
Mặc dù trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Riyadh và Tehran đã được cải thiện đáng kể, cùng với nỗ lực trung gian hòa giải của Trung Quốc, song lòng tin vẫn là một vấn đề. Bahrain, Kuwait, Qatar, Ảrập Xêút và UAE đều là nơi có các cơ sở quân sự hoặc quân đội Hoa Kỳ.
Ba nguồn tin từ vùng Vịnh cho biết Ảrập Xêút, với tư cách là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu cùng với các nước láng giềng sản xuất dầu mỏ - UAE, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain - rất quan tâm đến việc hạ nhiệt tình hình.
"Chúng ta sẽ ở giữa một cuộc chiến tranh tên lửa. Có mối lo ngại nghiêm trọng, đặc biệt là nếu cuộc tấn công của Israel nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Iran", một nguồn tin thứ hai từ vùng Vịnh cho biết.
Ba nguồn tin từ vùng Vịnh cho biết một cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran sẽ có tác động toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Quốc - khách hàng dầu mỏ hàng đầu của Iran - cũng như đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5.11.
"Nếu giá dầu tăng vọt lên 120 USD/thùng, điều này sẽ gây tổn hại đến cả nền kinh tế Hoa Kỳ và cơ hội của bà Harris trong cuộc bầu cử. Vì vậy, họ (người Mỹ) sẽ không cho phép cuộc chiến dầu mỏ mở rộng", nguồn tin đầu tiên từ vùng Vịnh cho biết.
Các nguồn tin vùng Vịnh cho biết, việc bảo vệ tất cả các cơ sở dầu mỏ vẫn là một thách thức, mặc dù có hệ thống phòng thủ tên lửa và Patriot tiên tiến, do đó, cách tiếp cận chính vẫn là ngoại giao: báo hiệu với Iran rằng các quốc gia vùng Vịnh không gây ra mối đe dọa nào.
Bernard Haykel, giáo sư nghiên cứu Cận Đông tại Đại học Princeton, lưu ý rằng Riyadh dễ bị tổn thương "vì người Iran có thể tấn công các cơ sở này vì khoảng cách gần với đất liền".