Cuộc chiến tìm “vàng đen” ở Bắc Cực

Diệu Minh 30/01/2011 08:24

Bước sang đầu năm 2011, thế giới lại đứng trước nguy cơ phải đối mặt với một “cơn sốt” dầu mỏ mới, sau hai năm tạm lắng. Trong bối cảnh các vựa dầu ở Trung Đông, Tây Bán cầu và cả lục địa Đen có hạn, các tập đoàn dầu mỏ lớn là British Petroleum (BP) của Anh và Rosneft của Nga đã nhanh chân tìm ra hướng đi mới, khi vừa ký bản “hợp đồng khổng lồ” để cùng khai thác dầu khí tại khu vực thềm lục địa Bắc Cực của Nga - “điềm” báo hiệu một cuộc chiến “nóng bỏng” ở vùng đất băng giá.

Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng giám đốc BP Bob Dudley và Chủ tịch Rosneft Eduard Khudainatov đã gây chấn động ngành dầu khí toàn cầu, và khiến các tổ chức bảo vệ môi trường sục sôi... vì tức giận. Nói cách khác, thỏa thuận hợp tác khai thác trữ lượng dầu mỏ và khí đốt giữa BP và Rosneft (ký ngày 14.1) đã tạo ra một mặt trận mới trong cuộc đua giành tài nguyên, nhưng đồng thời cũng dẫn tới những mối quan ngại về kỹ thuật và môi trường. Nhà phân tích Manouchehr Takin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Toàn cầu ở London (Anh) cho rằng tuy nhiều tiềm năng, việc khai thác dầu và khí đốt ở đây cũng chứa nhiều rủi ro, bởi chi phí đắt và nhiệt độ băng giá khiến thời gian khoan thăm dò phải kéo dài, chưa kể những thảm họa về môi trường và cả chính trị.

Thỏa thuận mang tính “chiến lược toàn cầu” này là hợp đồng thương mại đầu tiên của BP, kể từ vụ nổ dàn khoan Deepwater Horizon năm 2010 - sự cố đã khiến BP tiêu tốn hàng tỷ USD để bồi thường và dọn dẹp. BP hy vọng đảm bảo tương lai bằng cái bắt tay với Rosneft, qua đó BP có thể tiếp cận mỏ dầu “khổng lồ” rộng 125.000 km2, nằm ở phía nam biển Kara thuộc thềm lục địa Bắc Cực của Nga. Sự hỗ trợ của Rosneft đã đến rất kịp thời, không chỉ như chiếc phao cứu sinh mà còn giúp củng cố vị thế của BP trên thị trường quốc tế. Về phần mình, Rosneft có khả năng tiếp cận vốn và công nghệ cao của BP. Thềm lục địa Bắc Cực chính là mỏ vàng đen giàu hứa hẹn nhất, nhưng Rosneft không đủ trình độ kỹ thuật - công nghệ và sức mạnh tài chính để mở cửa kho vàng này. Ước tính chi phí khoan giếng dầu qua các tảng băng dày ở độ sâu 100m-200m có thể lên đến 200 triệu USD/giếng, chưa kể chi phí trước khi khoan giếng cũng lên tới hàng tỷ USD (để khảo sát địa chất, xây dựng hạ tầng khoan và bơm dầu). Nếu nói về độ phức tạp về kỹ thuật và quy mô rộng lớn, đây là dự án “độc nhất vô nhị” đối với công nghệ dầu khí toàn cầu. Quan trọng hơn, ngoài nhu cầu khai thác dầu khí ở Bắc Cực, Moscow cũng muốn tạo ưu thế cho cuộc tranh giành chủ quyền lãnh thổ ở “khu vực nhạy cảm” này với một số đối tác khác.

Đối với các công ty phương Tây đang cố gắng tiếp cận các mỏ dầu đã được phát hiện và kiểm chứng, đặc biệt là Trung Đông, động thái của BP cho thấy tiềm năng của “mặt trận mới” hầu như chưa được khai thác. Theo Cơ quan Điều tra địa lý Mỹ (USGS), hơn 1/5 trữ lượng “vàng đen” của thế giới vẫn chưa được phát hiện, trong đó trữ lượng có thể phục hồi về mặt kỹ thuật nằm ở Vòng tròn Bắc Cực - khu vực được đánh giá là chiếm khoảng 13% lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt của thế giới chưa được phát hiện.

BP dự báo liên doanh với Rosneft sẽ chưa thể sản xuất được thùng dầu đầu tiên trước năm 2020. Điều này chứng tỏ đây là một cuộc chơi dài hơi, song không vì thế mà sự cạnh tranh giảm sút. Khi Greenland mở thầu vòng cuối cấp giấy phép thăm dò dầu và khí đốt hồi năm ngoái, đã có 12 công ty quốc tế xin dự thầu, trong đó có những “đại gia” như ConocoPhillips (Mỹ), Shell (Anh - Hà Lan) và GDF Suez (Pháp). Việc thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Greenland tuy chưa mang lại trữ lượng có thể khai thác thương mại, nhưng điều này không ngăn cản công ty Cairn của Anh “rót” thêm 1 tỷ USD vào đây bởi những kết quả đầu tiên rất đáng khích lệ.

Theo ước tính của Nga, khu vực biển Nam Kara có thể chứa tới 35 tỷ thùng dầu và 10.000 tỷ m3 khí đốt. Một nghiên cứu khác cho rằng con số thực tế có thể lên đến 51 tỷ thùng dầu và 87.000 tỷ m3 khí đốt. Tờ “Wall Street Journal” mô tả các đối thủ của BP như Exxon, Shell hay Conoco-Phillips sẽ “phát điên lên vì ghen tị” với tập đoàn dầu khí Anh. Nhiều năm qua, tất cả từng vận động để có cơ hội tiếp cận vùng biển Bắc Cực giàu “vàng đen” của Nga. “Đó là phần thưởng mà bất cứ ông trùm dầu khí nào cũng sẵn sàng bán cả bà ngoại mình để sở hữu” - nhà phân tích năng lượng James Herron Herron nhận định.

Alaska, nơi có mỏ dầu Prudhoe Bay hoạt động từ năm 1977, hiện là khu vực có thể khai thác thương mại được nhiều nhất ở Bắc Cực và những giếng dầu này chiếm trên 1/10 sản lượng tại Mỹ. Tuy nhiên, việc khoan dầu ở khu vực này đặc biệt gây nhiều tranh cãi. Các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại một “vịnh Mexico” mới xảy ra ở Bắc Cực và việc giải quyết hậu quả sẽ rất phức tạp. Hiện chưa có công nghệ xử lý dầu loang trên băng, do đó nếu tràn dầu xảy ra, nhìn từ vũ trụ chúng ta sẽ thấy “biển băng đen”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cuộc chiến tìm “vàng đen” ở Bắc Cực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO