EU cân nhắc sử dụng vaccine Sputnik V

Cuộc chiến quyền lực mềm

- Thứ Hai, 19/04/2021, 05:54 - Chia sẻ
Chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 tại lục địa già đang diễn ra chậm trễ và gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung. Đối với nhiều nguyên thủ Liên minh châu Âu (EU) đang cảm thấy tuyệt vọng, một con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này có thể đến từ Nga. Tuy nhiên, những tranh cãi liên quan đến sử dụng vaccine của Nga đang khiến EU chia rẽ trong khi có thể mang lại chiến thắng ngoại giao cho nước này.

Yếu tố gây chia rẽ

Đầu tháng 4, Điện Kremlin đã công bố thông tin từ cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Điện Kremlin, mục đầu tiên trong chương trình nghị sự là cuộc thảo luận về triển vọng “cấp phép vaccine Sputnik V của Nga và khả năng cung cấp cũng như đồng sản xuất vaccine ở các nước EU”.

Các báo cáo đầu tháng 4 cho thấy các quan chức EU đang xem xét khởi động các cuộc đàm phán để mua loại vaccine này từ Nga. Tuy nhiên, theo thông báo của phía Đức, vaccine Sputnik chỉ có thể được tiêm chủng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu.

		Vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga đã được đặt hàng hoặc được sử dụng ở một số nước EU. Ảnh: EPA Vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga đã được đặt hàng hoặc được sử dụng ở một số nước EU
Vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga đã được đặt hàng hoặc được sử dụng ở một số nước EU. Ảnh: EPA Vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga đã được đặt hàng hoặc được sử dụng ở một số nước EU

Điện Kremlin đã hứng chịu những chỉ trích nặng nề vào mùa hè năm ngoái vì đã phê duyệt vaccine Sputnik trước khi bắt đầu các thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn, nhưng phân tích gần đây được công bố trên tạp chí danh tiếng The Lancet cho thấy loại vaccine này có hiệu quả cao và an toàn. Sputnik V là loại vaccine tiêm 2 mũi được đánh giá có hiệu quả lên đến 92% trong phòng ngừa Covid-19. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) hy vọng một số quốc gia thành viên EU sẽ cấp phép lưu hành vaccine Sputnik V trong tháng này và Nga có thể cung cấp khoảng 50 triệu liều vaccine cho EU, bắt đầu từ tháng 6 tới, sau khi được EMA phê duyệt. Việc EU phê duyệt Sputnik V sẽ đánh dấu bước ngoặt thay đổi quan điểm đối với loại vaccine của Nga.

EU đang chịu nhiều chỉ trích do chậm trễ trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng. Đến nay, EU đã cấp phép cho 4 loại vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford, Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, những vấn đề trong sản xuất đã khiến kế hoạch tiêm chủng của EU diễn ra chậm chạp, điển hình là việc AstraZeneca mới đây thông báo sẽ giảm lượng vaccine cấp cho các nước EU hay Mỹ phải đình chỉ lưu hành vaccine Johnson & Johnson liên quan đến một số trường hợp gặp biến chứng. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu đang tiếp tục phải căng mình đối phó với dịch bệnh, như Italy tăng cường biện pháp phong tỏa, Pháp phải giải quyết tình trạng hệ thống y tế quá tải tại Paris, hay Đức chuẩn bị cho làn sóng bùng phát mới.

Trước sự chậm trễ này, nhiều quốc gia đã quyết định không phụ thuộc vào EU mà tự tìm giải pháp riêng cho mình, trong đó một số quốc gia đã giao dịch trực tiếp với Moscow hy vọng được cung cấp các liều vaccine Sputnik V, cho dù chúng chưa được EMA phê duyệt và không nằm trong chương trình vaccine tập trung của khối.

Cả chính phủ Hungary và Slovakia cũng đều đã phê duyệt và đặt mua 4 triệu liều vaccine của Nga, trong khi các quốc gia khác, bao gồm cả Áo đang chuẩn bị đặt hàng và tiêm vaccine Spunik V cho người dân. Italy và một số nước đang đàm phán để sản xuất vaccine của Nga ở châu Âu.

Việc Áo phê chuẩn sử dụng vaccine Sputnik V thực sự là cú đánh mạnh vào EU, sau khi Thủ tướng Áo Sebastian Kurz công khai cáo buộc Ủy ban châu Âu phân phối vaccine giữa các quốc gia thành viên không công bằng. Ông Kurz còn đăng tweet bức ảnh về cuộc gặp với Đại sứ Nga tại Áo, nói rằng ông “rất vui” khi sớm có thể đặt mua vaccine.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với cuộc gặp giữa Macron, Merkel và Putin, bởi hoài nghi về động cơ của Nga. Các nhà ngoại giao một số nước từng thuộc Liên Xô nhấn mạnh họ không có ý định sử dụng bất cứ vaccine nào "ngoài những loại được EMA mua", đồng thời suy đoán Sputnik V "có thể trở thành công cụ để chia rẽ EU và các đồng minh", hoặc lo ngại Moscow có thể sử dụng nó để thực hiện cho các mục tiêu khác.

Thủ tướng Lítva Ingrida Simonyte cho rằng, Nga không quan tâm đến việc sử dụng Spunik V như một phương thức chữa trị mà như một vũ khí để gây chia rẽ.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Simonyte chỉ là thiểu số trong giới lãnh đạo EU. Ngoài một số quốc gia Đông Âu, các nước thành viên khác cho rằng nỗi lo ngại về Nga đang bị thổi phồng. “Ngay cả khi EMA phê duyệt Sputnik V, Ủy ban châu Âu rất khó có thêm loại vaccine này vào danh mục”, một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nhận định. Bên cạnh đó, các vaccine sử dụng trong chương trình của EU phải được sản xuất trong những phòng thí nghiệm tuân thủ theo tiêu chuẩn của EMA.

Công cụ ngoại giao

Bình luận viên McGee đánh giá, còn rất lâu nữa Sputnik V mới được sản xuất trong các phòng thí nghiệm của EU, nhưng việc một số quốc gia thành viên lo lắng, trong khi những nước còn lại bác bỏ nỗi lo, hoặc thậm chí tỏ ra nhiệt tình với Sputnik V, cho thấy vấn đề vaccine Nga dễ dàng gây chia rẽ cả trong và ngoài EU đến mức nào.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh Tom Tugendhat, cho rằng, EU “vô cùng ngây thơ” khi thảo luận về Sputnik V. “Chúng ta đều biết Nga đang sử dụng vaccine làm công cụ ngoại giao. Họ dùng nó để gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa Anh và EU, giữa các nước EU vốn biết quá rõ về Nga, như Lítva, với phần còn lại”.

Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tin rằng mục tiêu chính của Moscow là “thắng cuộc chiến quyền lực mềm bằng việc thúc đẩy châu Âu công nhận vaccine của họ, đồng thời khiến người dân tại đây có cảm tình hơn”. Tuy nhiên, “tác dụng phụ” của nỗ lực này là khiến phương Tây chia rẽ.

Theo bình luận viên McGee, đại dịch Covid-19 đã gây ra những hệ quả khủng khiếp với nội bộ châu Âu. Những vấn đề không lường trước về nguồn cung vaccine, những cuộc gặp trực tiếp bị hạn chế và lợi ích riêng của mỗi quốc gia đã tạo ra xung đột tại khu vực mà các nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Đối với các đồng minh, đây có thể chỉ đơn thuần là xích mích nội bộ. Tuy nhiên, trong mắt đối thủ, đây có thể là điểm yếu, giúp tạo ra “cơ hội vàng” để có chiến thắng ngoại giao ngoạn mục, McGee nhận xét thêm.

Đạt Quốc