Cuộc chiến không có người chiến thắng

- Thứ Hai, 22/02/2021, 06:20 - Chia sẻ
Những căng thẳng giữa Australia và Facebook xung quanh vấn đề trả phí tin tức mới đây đã trở thành tâm điểm chú ý nhất của thế giới. Cuối tuần qua, giới chức xứ sở chuột túi cho biết, Facebook đã đồng ý đàm phán để hai bên có thể đạt được kết quả hợp lý, cùng có lợi, một tín hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nhiều khả năng giảm nhiệt, trước khi nó có cơ hội lan rộng ra những nơi khác.

Khởi nguồn từ dự luật truyền thông

Mọi chuyện bắt đầu từ thứ Tư tuần trước, Hạ viện Australia lúc đó thông qua dự luật truyền thông mới, trong đó yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook hay Google phải đạt được thỏa thuận thương mại với các hãng tin tức của nước này để có đặc quyền liên kết đến tin bài của họ, nếu không sẽ phải tuân theo quy định bắt buộc của chính quyền về việc chi trả tiền để sử dụng nội dung tin tức trên nền tảng của họ. Được biết, dự luật trên dự kiến sẽ được thông qua tại Thượng viện Australia trong tuần này.

Nguồn: Reuters

Google ban đầu đe dọa đóng công cụ tìm kiếm của mình ở Australia, nhưng sau đó đã công bố một loạt thỏa thuận trong tuần qua, bao gồm thỏa thuận toàn cầu với News Corp và các giao dịch với những công ty lớn như Nine Entertainment hay Seven West Media. Ngược lại, Facebook chọn đi theo con đường khác, gây sốc cho đất nước chuột túi khi từ chối mua, đồng thời “rút phích cắm”, chính thức xóa bỏ các trang tin tức của các đơn vị báo chí, truyền thông trong và ngoài nước ở Australia, cũng như ngăn không cho người dùng Australia đăng hoặc chia sẻ nội dung tin tức trên nền tảng này vào hôm 18.2. Dữ liệu từ hãng nghiên cứu Statista cho thấy 62% người dân Australia cập nhật tin tức từ truyền hình, 52% từ mạng xã hội.

Chưa hết, không chỉ xóa bỏ nội dung tin tức, Facebook còn xóa bỏ nhiều trang cung cấp thông tin, chính sách của các cơ quan ban, ngành thuộc Chính phủ Australia, các trang của những tổ chức phi lợi nhuận, thiện nguyện, gây ra bức xúc lớn trong dư luận Australia. Thủ tướng Scott Morrison thậm chí đã gọi hành động của Facebook là “kiêu ngạo”, “đáng thất vọng”, trong khi nhiều người dân Australia kêu gọi tẩy chay Facebook, đưa từ khóa #deletefacebook lọt vào top xu hướng Twitter tại đây. Tuy nhiên, cuối tuần qua Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, Facebook đã đồng ý quay trở lại bàn đám phán và “tạm thời kết bạn với chúng tôi một lần nữa”. Động thái đó đánh tín hiệu về khả năng hạ nhiệt cho bất đồng giữa hai bên.

Câu hỏi về sự phụ thuộc

Một số nhà quan sát Australia sau khi chứng kiến căng thẳng với Facebook đã cho rằng, xã hội nước này lâu nay đã phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng xã hội, từ nhóm cộng đồng, hội từ thiện, câu lạc bộ thể thao, trung tâm nghệ thuật, các liên minh và dịch vụ khẩn cấp… Facebook đã đóng vai trò như một bảng nhắn tin công cộng quan trọng ở Australia. Họ cho rằng, ở một đất nước có quá ít cơ sở hạ tầng dân sự như Australia, việc phụ thuộc quá nhiều vào một công ty để cung cấp dịch vụ công cơ bản như vậy là rất có vấn đề.

Theo họ, Facebook quan tâm rất nhiều dữ liệu cá nhân của người dùng, và các phương pháp mà nền tảng này sử dụng để giữ cho gần 2,7 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng “tương tác” trên trang web của mình (để Facebook có thể tiếp tục tìm hiểu thêm về họ) cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm.

Ông Jaron Lanier, một trong những người sáng lập lĩnh vực thực tế ảo, đã cảnh báo về những gã khổng lồ công nghệ và truyền thông xã hội trong nhiều năm qua. Ông đã có một bài viết vào năm 2018 về kiến trúc công nghệ do các công ty trên tạo ra, khi mà mọi người bị đặt dưới sự giám sát như trong một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Sự giám sát đó được thực hiện chủ yếu qua các thiết bị cá nhân đã được kết nối mà mọi người gần như lúc nào cũng mang sát bên mình như điện thoại thông minh.

Ông cho biết, dữ liệu được Facebook thu thập bao gồm thông tin liên lạc, sở thích, sự di chuyển cá nhân, việc tiếp xúc với người khác, phản ứng cảm xúc đối với các hoàn cảnh, biểu lộ nét mặt, hoạt động mua bán và nhiều dấu hiệu quan trọng khác… Nói chung lượng dữ liệu này ngày càng tăng và trở nên vô hạn. Theo ông, đại dương dữ liệu cá nhân mà các nền tảng công nghệ trích xuất từ internet được biến thành dữ liệu hành vi cho phép họ dự đoán và điều khiển hành vi của người dùng. Ví dụ, năm 2014, các giám đốc điều hành Facebook đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi một bài báo khoa học tiết lộ, công ty đã tiến hành các bài kiểm tra tâm lý bí mật trên 700.000 người dùng mà họ không hề hay biết, trong đó Facebook cố gắng thao túng cảm xúc của người dùng để xem nó sẽ ảnh hưởng gì đến các cập nhật trạng thái mà người dùng đã đăng hoặc cách người dùng sử dụng nút “Like” (thích) của Facebook.

Có thể trở thành cuộc chiến pháp lý trên thế giới

Là mạng xã hội hoạt động trong lĩnh vực truyền thông số toàn cầu có sự kết nối rộng khắp và mạnh mẽ, Facebook đang trở thành một thứ thế lực cực kỳ đáng gờm, có thể khuynh đảo trong nhiều vấn đề, lĩnh vực. Cuộc chiến phí tin tức có thể khởi điểm từ Australia đối với Facebook. Nhưng sau cách hành xử mà nhiều người cho rằng “vô trách nhiệm” của nền tảng này, nhiều nước đã lên tiếng bênh vực Australia và phản đối Facebook. Theo Business Insider, cho tới nay, Facebook nhiều khả năng phải đối đầu ít nhất với 7 quốc gia và liên minh ở phương Tây đang xem xét các đạo luật kiểm soát thông tin như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu (EU).

Cụ thể, Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy dự luật Bảo tồn và cạnh tranh báo chí có những điều khoản tương tự như của Australia, trong đó cho phép các nhà xuất bản “đàm phán với những nền tảng online chủ chốt về điều khoản phân phối nội dung của họ”. Mới đây nhất, một nhóm nghị sĩ Quốc hội Mỹ đang có kế hoạch đệ trình dự luật mới ngay trong vài tuần tới, nhằm mục tiêu hỗ trợ các cơ quan báo chí quy mô nhỏ đàm phán với các công ty công nghệ sở hữu nền tảng lớn như Facebook hay Google. Các nhà lập pháp cho rằng, các mạng xã hội đang sử dụng tin tức báo chí để thu hút người dùng nhưng lại không chia sẻ doanh thu quảng cáo xứng đáng. Ở Canada, Bộ trưởng Di sản Steven Guilbeault đầu tháng cũng hứa hẹn sẽ đưa ra quy định mới, buộc những người khổng lồ công nghệ phải trả phí cho những tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ.

Trong khi đó, ở châu Âu, EU luôn đi đầu trong nỗ lực điều hành dữ liệu và công nghệ mới những năm gần đây, mang đến hàng loạt đạo luật bảo vệ thông tin và kiểm soát các tập đoàn kỹ thuật số. EU đang tìm cách theo bước Australia nhằm buộc Facebook và Google trả phí cho những tin tức trên nền tảng của họ. Các nhà lập pháp EU muốn xây dựng khuôn khổ được đề xuất trong đạo luật Thị trường và Dịch vụ Kỹ thuật số EU, dù chưa có chi tiết nào được công bố. Tại Anh, nhóm chuyên trách thị trường kỹ thuật số của chính phủ tháng 12 năm ngoái khẳng định, Facebook và Google sẽ sớm phải trả tiền cho các hãng tin để hiển thị nội dung của họ. Các thành viên của nhóm đề xuất thành lập cơ quan giám sát mang tên “Đơn vị Thị trường Điện tử”, cho họ quyền phạt 10% lợi nhuận toàn cầu với mỗi hãng công nghệ không đáp ứng yêu cầu. Ủy ban Thông tin và kỹ thuật số thuộc Quốc hội Anh cũng đề xuất các nghị sĩ công bố dự luật tương tự Australia. Còn ở xứ sở chú gà trống Gaulois, Ủy ban Cạnh tranh Pháp đang dẫn đầu những nỗ lực buộc các nền tảng công nghệ trả tiền cho tin tức từ nhiều năm qua. Pháp là nước EU đầu tiên áp dụng chỉ đạo mới về bản quyền năm 2019, trong đó yêu cầu Google và Facebook trả tiền cho nhà xuất bản để hiển thị nội dung tin tức mặc dù cả hai đều từ chối. Tây Ban Nha thì là quốc gia đầu tiên ra mắt thuế “thuế Google” từ năm 2014, trong đó hãng phải trả cho những tin tức được đăng trên nền tảng Google News. Tại Đức, năm 2016, để ngăn chặn lan truyền tin giả trên các mạng xã hội, chính phủ cho rằng Facebook nên trả tiền cho mỗi tin giả bị bỏ sót. Chẳng hạn, nếu không xóa bài viết vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi kiểm tra, họ cần chịu hình phạt tối đa 500.000 euro.

Có thể nói, trong cuộc chiến với Australia, Facebook không có đồng minh và cả lòng người. Nước Anh kêu gọi nền tảng này cần nhanh chóng có động thái thay đổi nếu không muốn đối mặt với sự giận giữ của các nhà lập pháp toàn cầu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông tin tức Anh Henry Faure Walker, động thái của Facebook khiến thế giới quyết tâm hơn trong việc thiết lập quy định pháp lý toàn cầu, để tạo một sân chơi cân bằng giữa các tập đoàn công nghệ và nhà sản xuất tin tức.  

Ngọc Minh