Cuộc chào đón dữ dội của tên lửa đất đối không

- Thứ Ba, 18/12/2012, 08:56 - Chia sẻ
Chiến thắng trong cuộc chiến chống đợt tập kích bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã ghi nhận nghệ thuật phòng không của quân đội ta khi đối đầu với không quân nhà nghề của Mỹ. Ngay trận mở đầu, 2 “siêu pháo đài bay” B52 đã bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội.

Chuẩn bị cho cuộc ném bom vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc, đế quốc Mỹ huy động lực lượng máy bay lớn chưa từng có, với hy vọng trận tấn công phủ đầu bất ngờ có thể hạ gục ý chí của một dân tộc, buộc Chính phủ ta phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận những điều kiện có lợi cho chúng. Tuy nhiên, mọi động thái của địch đều được ta theo dõi chặt chẽ. Từ sáng sớm ngày 18.12.1972, qua hệ thống thu tin của Bộ Tổng tham mưu, những dấu hiệu đầu tiên của cuộc tập kích đã được nhận diện. Vào 19h10, radar phát hiện từng tốp B52 bay dọc sông MeKong lên hướng bắc. Ngay sau đó, trước khi B52 đến, hàng loạt máy bay tiêm kích ào ạt tấn công dọn đường. Các đơn vị cao xạ của bộ đội phòng không và lực lượng tự vệ của Hà Nội đã nổ súng quyết liệt. Đến 19h40, những tốp B52 đầu tiên bắt đầu đánh phá sân bay Hòa Lạc, Nội Bài. Các đơn vị tên lửa Hà Nội lần đầu tiên đối mặt với “pháo đài bay” đã thấy rõ ngay tình huống hết sức phức tạp với dải nhiễu của B52 và tên lửa không đối đất của máy bay hộ tống. Từ Sở chỉ huy Quân chủng đến Sư đoàn Phòng không Hà Nội, những câu hỏi liên tục dội xuống: đã có tiểu đoàn nào bắn chưa? Đã nhìn thấy B52 chưa? Nhưng giờ phút đó vẫn chưa có đơn vị nào khai hỏa, bởi trên màn hiện sóng chỉ có một màu trắng xóa. Toàn bộ hệ thống gây nhiễu của kẻ thù được mở hết công suất, gây cho ta rất nhiều khó khăn. Trên các trận địa tên lửa, máy nổ ầm ầm, đạn đã lên nòng nhưng các chiến sỹ trắc thủ vẫn ngồi im lặng trong tâm trạng căng thẳng tột độ. Kẻ thù đang trút bom đạn xuống những ngôi nhà, đường phố thân yêu nhưng họ chưa thể ấn nút khai hỏa bởi nhiễu dày đặc.

Sau khi nắm bắt tình hình qua việc theo dõi hướng bay của địch, tiểu đoàn 78 (Sư đoàn Phòng không Hà Nội) quyết định phát sóng điều khiển cho dù các loại máy bay tiêm kích vẫn đang quần đảo trên đầu và bắn ầm ầm xung quanh, cả máy bay mang tên lửa chiến thuật không đối đất (Sơ-rai) chỉ chờ ta phát sóng là lao đến. Sóng phát lên, dù không nhìn rõ mục tiêu nhưng đã có thể phân biệt nhiễu của B52 so với các loại nhiễu khác, các chiến sỹ vẫn quyết định phóng đạn. Quả tên lửa đầu tiên của Hà Nội lao vút lên, hướng về phía kẻ thù, mở đầu cho trận đánh vang dội, đáp trả giọng điệu huênh hoang của địch về loại “pháo đài bay bất khả xâm phạm”. Lúc đó là 19h44 ngày 18.12.1972.

Sau quả đạn mở đầu của tiểu đoàn 78, các bệ phóng tên lửa khác cũng liên tiếp khai hỏa. Sự xuất hiện của “rồng lửa Thăng Long” hòa nhịp với tiếng súng của các trung đoàn cao xạ 212, 220, 221, 260 của Sư đoàn 361, tiếng súng tầm thấp các cỡ của lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội tạo nên một không khí hào hùng. Một tên đại úy lái máy bay B52 thoát chết trong đêm 18.12.1972 khi về đến căn cứ đã tường thuật lại: “Cuộc chào đón dữ dội của tên lửa đất đối không... Khi những chiếc B52 đầu tiên tới vùng trời Hà Nội, tên lửa đất đối không bắn như pháo hoa lên máy bay chúng tôi. Từ khi vào mục tiêu, anh bạn xạ thủ của tôi đã đếm được 32 tên lửa SAM bắn vào hoặc ít ra cũng bay sát máy bay chúng tôi. Chiếc máy bay số 2 trong tổ bay mất liên lạc nhưng không ai có thì giờ tìm hiểu nó”.

Trận địa của các tiểu đoàn 57, 59, 93, 94 tạo thành một vòng cung phía bắc và đông bắc Hà Nội như lũy thép kiên cường. Chính từ lũy thép này, các chiến sỹ tiểu đoàn 59 trung đoàn 261 đã làm nên một chiến công lịch sử. Hồi 20h13 ngày 18.12.1972, chiếc máy bay B52G mang số hiệu 52122001 đã bị bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội. Lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là lần đầu tiên trên thế giới, “siêu pháo đài bay” B52, từ độ cao trên 10.000m đã bị “rồng lửa Thăng Long” vít cổ xuống đất. Đây là chiến công có ý nghĩa vô cùng to lớn, chứng tỏ rằng tuy chưa được trang bị những vũ khí hiện đại nhất nhưng bằng lòng căm thù, bằng ý chí quyết tâm cùng sức mạnh của trí tuệ và lòng dũng cảm, chúng ta hoàn toàn có thể đánh bại được kẻ thù, vốn được trang bị những phương tiện, vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ.

4h sáng ngày 19.12.1972, kíp chiến đấu của tiểu đoàn 77 (thuộc trung đoàn 257 tên lửa) vào trận và mở máy phát sóng. Chỉ một lát sau “mục tiêu!” tín hiệu B52 nổi lên quá rõ trên màn hình. Ngay lập tức tiểu đoàn trưởng ra lệnh: “Bám sát tự động!”. Sau khi ấn nút phóng tên lửa, tín hiệu vỡ tan, rơi lả tả rồi mất hẳn và lại thêm một chiếc B52 bị bắn rơi. Chỉ trong một đêm, 2 máy bay ném bom B52 được coi là tối tân, hiện đại nhất đã bị bắn tan xác, rơi ngay tại chỗ trên vùng trời Hà Nội.

Dù trận đầu tiên quân và dân ta chỉ bắn rơi tại chỗ 2 chiếc B52, nhưng đã tạo ra sức mạnh và niềm tin vô cùng to lớn cho những ngày chiến đấu sau này. Trận mở đầu vang dội. Chiến công đó khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của trí tuệ con người trong đấu tranh chống lại cái ác, dù chúng có hung bạo và xảo quyệt đến đâu.

(Bài viết dựa theo hồi ký của Trung tướng Trần Nhẫn, nguyên Phó tư lệnh Sư đoàn Phòng không Hà Nội)

KHÁNH NGUYÊN