Cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất
Sáng 8.9, tại 25 Tông Đản, Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã khai mạc trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất 1946 - 1957, nhằm giúp công chúng có cơ hội tiếp cận những tài liệu, hiện vật gốc, từ đó có cách nhìn khoa học, khách quan về cuộc vận động cách mạng ruộng đất trong tiến trình cách mạng dân chủ nhân dân.
Trên diện tích khoảng 230m2, trưng bày giới thiệu gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan lưu trữ, các bảo tàng ở Hà Nội cũng như một số địa phương như: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, III, Bảo tàng Hồ Chí Minh và bảo tàng các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình... Đây là những tư liệu, hiện vật quý, chứa đựng giá trị lịch sử và lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng trong khuôn khổ một trưng bày chuyên đề.
Trưng bày theo 2 nội dung: Nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất và Cải cách ruộng đất 1946 - 1957. Các hình ảnh, số liệu, bảng thống kê... phản ánh tình hình ruộng đất trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thời kỳ này, ở Việt Nam tồn tại 4 chế độ sở hữu chính về ruộng đất: ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến; của tư bản thực dân Pháp; ruộng đất công và ruộng đất của nông dân. Những hình thức sở hữu ruộng đất đó đã tạo cho giai cấp thống trị có đầy đủ phương tiện vật chất để áp bức, bóc lột nông dân, làm tuyệt đại đa số nông dân sống trong cảnh bần cùng. Trưng bày cũng thể hiện sự đối lập giữa cuộc sống của địa chủ phong kiến và nông dân thời kỳ trước cách mạng qua hai tiểu cảnh phục dựng, nhiều hình ảnh tư liệu và các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt của địa chủ ở đồng bằng Bắc bộ; những tư liệu gốc như: sổ ruộng đất, sổ thu tô...; một số đồ dùng của nông dân như: áo bông, áo đụp, cày chìa vôi, thẻ thuế thân...
![]() Ảnh tư liệu được giới thiệu tại trưng bày |
Cải cách ruộng đất là một nhiệm vụ và nội dung cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến, địa chủ, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính sách ruộng đất của Việt Nam tiến hành qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1946 - 1949: tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho nông dân. Giai đoạn 2 từ năm 1950 - 1953: thực hiện giảm tô giảm tức, hoãn nợ và xóa nợ, thu thuế nông nghiệp, trong đó đánh thuế nặng đối với địa chủ. Giai đoạn 3 (ở miền Bắc) từ năm 1954 - 1957: phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất triệt để với các hình thức khác nhau như hiến ruộng đất, tịch thu, trưng thu, trưng mua, chia ruộng đất cho tầng lớp cho tầng lớp cố nông, bần nông và trung nông lớp dưới. Kết thúc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, hơn 810.000ha ruộng đất của thực dân và địa chủ, ruộng đất công và nửa công, nửa tư đã được chia cho 2,22 triệu hộ nông dân lao động (chiếm 72,8% số hộ ở nông thôn)... Những nội dung trên được thể hiện qua nhiều ảnh tư liệu về các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ, Quốc hội...; các văn bản như: luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư, báo cáo, sách, tài liệu tuyên truyền về cải cách ruộng đất; ảnh tư liệu lịch sử, một số báo cáo tổng kết, bản thống kê, tờ tin, bản tin... về quá trình và kết quả thực hiện cải cách ruộng đất; ảnh tư liệu về thành quả, giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất, kết quả mà nông dân Việt Nam đã có sau cải cách ruộng đất... Qua một số ảnh tư liệu lịch sử, nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương... cũng cho thấy, mùa hè năm 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, sau một năm sửa sai, công cuộc cải cách ruộng đất đã hoàn thành thắng lợi...
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Cường: Cải cách ruộng đất đã tạo ra chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội, quan hệ sản xuất ở nông thôn được đổi mới, sức sản xuất to lớn của nông thôn được giải phóng, tạo điều kiện bước sang một giai đoạn mới trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và củng cố miền Bắc sau giải phóng. Trưng bày sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ nhận thức đúng về cuộc cách mạng ruộng đất trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta những năm 1946 - 1957.