Cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền máu

- Thứ Hai, 31/10/2016, 19:33 - Chia sẻ
Được đánh giá là đã làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền máu tại Việt Nam, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng KHCN nhằm bảo đảm an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và bảo đảm đủ máu dự trữ cho điều trị” của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN lần thứ 5.

Ứng dụng, cải tiến nhiều thành tựu công nghệ hiện đại của thế giới

Đồng tác giả của Cụm công trình, PGS.TS Bùi Thị Mai An cho biết, Cụm công trình đã hoàn thành xuất sắc 1 dự án thử nghiệm cấp nhà nước và 3 nhiệm vụ khoa học cấp bộ. Trước hết, các nhà khoa học đã xây dựng và sản xuất được các sản phẩm trong nước (bộ hồng cầu mẫu, panel hồng cầu) riêng có, đặc thù cho người Việt Nam và có chất lượng quốc tế. Các sản phẩm này được sản xuất với quy mô công nghiệp bằng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để phục vụ cho Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng như hơn 100 bệnh viện khác triển khai các xét nghiệm đảm bảo an toàn truyền máu, giúp người bệnh giảm số lần vào viện, số lần truyền máu, số lần thải sắt, giảm các tai biến truyền máu, mang lại hiệu quả cả về kinh tế và xã hội cho người bệnh.


PGS.TS Bùi Thị Mai An                                                                     Ảnh: T. Cường

Đồng thời, việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ KHCN cấp bộ “Nghiên cứu xây dựng nguồn người hiến máu dự bị ổn định, bền vững cho vùng sâu, biên giới, hải đảo” có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đã xây dựng được mô hình cung cấp máu an toàn cho vùng sâu, cùng xa, biên giới và hải đảo. Đây cũng là mô hình cung cấp máu riêng có và rất đặc thù của Việt Nam. Việc bảo đảm cung cấp máu an toàn cho quân và dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn có một ý nghĩa rất quan trọng là giúp họ yên tâm bám đất, bám biển để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Ngoài ra, các nhà khoa học của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng đã hoàn thành nhiệm vụ KHCN cấp bộ “Ứng dụng kỹ thuật NAT để phát hiện sớm sự có mặt của hệ gene virus HIV, HCV của người cho máu” với giá trị thực tiễn cao, đã góp phần rất quan trọng trong việc phòng lây nhiễm HIV, HBV, HCV qua đường truyền máu.

Đáng chú ý, Cụm công trình có nhiều sáng tạo và cải tiến phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, chẳng hạn, các nhà khoa học đã xây dựng và sản xuất được bộ hồng cầu mẫu và panel hồng cầu mang tính đặc thù của người Việt Nam, chất lượng cao tương đương với chất lượng quốc tế. Bộ hồng cầu mẫu và panel hồng cầu này được sản xuất với một công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Thông qua nghiên cứu, chúng ta đã sản xuất được dung dịch nuôi dưỡng và bảo quản hồng cầu thay cho việc phải mua sản phẩm này của nước ngoài với giá đắt gấp 10 lần, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho đất nước.

Ngoài ra, rất nhiều công nghệ tiên tiến trong công trình đã được ứng dụng để nâng cao chất lượng an toàn truyền máu, phục vụ tốt nhất cho người bệnh như công nghệ NAT để hạn chế tối đa sự lây truyền HIV, viêm gan B, viêm gan C… qua đường truyền máu; công nghệ gạn tách các thành phần máu từ các hệ thống máy tách tế bào tự động để phục vụ cho việc triển khai một số phương pháp điều trị tiên tiến như ghép tế bào gốc, ghép tạng, mổ tim…

Xây dựng ngân hàng máu sống

 Để giải quyết tình trạng thiếu máu, cần có đủ nguồn người hiến máu an toàn trong tương lai. Tới đây, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời chú trọng hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe cho người hiến máu, trân trọng và tôn vinh họ để họ tiếp tục hiến máu trong tương lai. - PGS.TS Bùi Thị Mai An

Đặc biệt, trong quá trình triển khai Cụm công trình, các nhà khoa học sáng tạo trong việc xây dựng “ngân hàng máu sống” tại vùng sâu, xa, biên giới và hải đảo, Đây là một mô hình riêng có của Việt Nam. Các nhà khoa học đã xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ mà mỗi thành viên của lực lượng này là một ngân hàng máu sống để có thể hiến máu kịp thời, cung cấp cho việc điều trị người bệnh. Đây là một mô hình cung cấp máu an toàn để bảo đảm có đủ máu cung cấp cho người bệnh khi cần truyền máu cấp cứu, đồng thời cũng giúp người dân tại các vùng đó yên tâm giữ đất, bám biển bảo vệ Tổ quốc.

Theo PGS.TS Bùi Thị Mai An, việc xây dựng thành công được mô hình“ngân hàng máu sống” có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn. Thuận lợi là có được sự ủng hộ, vào cuộc của địa phương, lòng nhân ái vì cộng đồng của rất nhiều người dân. Nhưng khó khăn thứ nhất là việc đi lại có nhiều cản trở. Ví dụ, việc đi ra đảo không phải lúc nào cũng thuận lợi vì phụ thuộc vào thời tiết, phương tiện. Để xây dựng được một lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ, các bác sĩ đã phải nhiều lần đi lại, thậm chí “nằm vùng” hàng tháng để tuyên truyền tới cán bộ lãnh đạo địa phương và từng người dân về ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng “ngân hàng máu sống”. Chưa kể, khi đã xây dựng thành công lực lượng hiến máu dự bị tại địa phương, khó khăn vẫn tồn tại do người hiến máu dự bị vì lý do nào đó không có mặt khi người bệnh cần máu.

Tình trạng thiếu máu những năm trước thời gian gần đây đã được cải thiện rõ rệt. Hiện nay Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có đủ máu và chế phẩm cung cấp cho trên 150 bệnh viện thuộc khu vực phía Bắc, kể cả các tỉnh biên giới. Thành quả này có được là nhờ phong trào hiến máu nhân đạo, tinh thần sẵn sàng hiến máu cứu người phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và nhờ những chiến dịch rất giàu lòng nhân ái như “Lễ hội Xuân hồng” được tổ chức ngay sau dịp Tết Nguyên Đán và “Hành trình đỏ” được tổ chức vào dịp hè. Đặc biệt, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã xây dựng được một câu lạc bộ nhóm máu hiếm và một “ngân hàng người hiến máu có nhóm máu hiếm” để cung cấp kịp thời những đơn vị máu hiếm cho bệnh nhân thuộc nhóm này.

Tự Cường