“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Có mặt từ sớm tại xã Yên Vượng, chúng tôi được Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Vượng (Hữu Lũng, Lạng Sơn) chị Phùng Thuý Huyền dẫn đến nhà chị Triệu Mai Hương (38 tuổi, dân tộc Nùng) ở thôn Chục Quan. Qua lời kể của chị Huyền, chị Hương hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Vượng, là một người nhiệt huyết, luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền bình đẳng giới.
Chị Hương cùng ban chấp hành Hội luôn tập trung đổi mới các phương thức tập hợp, sinh hoạt nhằm thu hút phụ nữ theo sở thích, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới cho các hội viên người dân tộc thiểu số, tích cực vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, chị Hương và Hội Liên hiệp phụ nữ xã còn tập trung chỉ đạo các chi hội tăng cường phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho hội viên thông qua các buổi sinh hoạt, tư vấn, giao lưu, nói chuyện chuyên đề và cấp phát tờ rơi.
Thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không" là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; "3 sạch" gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ đã khơi dậy tinh thần đoàn kết của các hội viên.
Vừa tham gia công tác xã hội, bản thân là phụ nữ, chị Hương đã cùng chồng tích cực phát triển kinh tế gia đình. Hiện, khu vườn của gia đình rộng khoảng 2 ha, trồng 150 cây na thái, 400 cây na dai và hơn 200 cây bưởi.
Ngoài ra, chị còn trồng xen kẽ ổi, nuôi thêm gà, cá, trồng thêm rau để tăng thêm thu nhập, phục vụ đời sống hằng ngày. Nhờ áp dụng khoa học tốt và kỹ thuật trồng cây ăn quả nghiêm ngặt mà mô hình này mỗi năm mang lại cho gia đình chị thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Để có những thành quả như ngày hôm nay, trước đây chị Hương đã trải qua không ít khó khăn, vất vả. Chị đã thử nghiệm đủ loại cây trồng từ hồng, vải, nhãn,… Tuy nhiên, tất cả đều không hiệu quả, cho giá trị kinh tế thấp, dù vậy chị không hề bỏ cuộc mà luôn tìm cho mình những hướng đi mới.
Đáng nói, không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, chị Hương còn là người luôn biết cho đi, luôn giúp đỡ chị em trong Hội, chị hay chia sẻ với mọi người những mô hình hay, loại cây trồng tốt, những kinh nghiệm trồng trọt đem lại hiệu quả cao, cùng nhau đi lên, cùng nhau phát triển kinh tế. Chị Hương chia sẻ: “Hễ có hội viên nào khó khăn thì tôi huy động các hội viên khác để giúp đỡ. Có những hội viên khó khăn về kinh tế thì tôi có thể cho vay, hỗ trợ một số tiền mà không tính lãi”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Phùng Thuý Huyền cho biết, chị Triệu Mai Hương là một người năng động, làm việc có trách nhiệm. Tham gia nhiệt tình vào các hoạt động phong trào của Hội, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, là một người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Không những thế, Chị Hương là người phụ nữ phát triển kinh tế theo hướng mở, luôn cùng chồng tìm những giống cây có chất lượng để thử nghiệm, khi có kết quả tốt chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ các chị em trong hội viên.
Thay đổi để vươn lên thoát nghèo
Rời nhà chị Hương, theo chân chị Huyền chúng tôi đến thôn Sơn Đông (xã Yên Vượng), cảm nhận ngay được sự trù phú khi vừa đến đầu thôn. Nhìn không gian những vườn na, vườn rau xanh mướt một vùng, ai nấy cũng thấy ấm lòng về sự phát triển ở nơi đây.
Đến hộ gia đình chị Phùng Thị Ngân (34 tuổi, dân tộc Nùng), được chị Huyền đánh giá là hộ làm kinh tế giỏi. Theo lời chị Huyền, 2 vợ chồng đi lên từ đôi bàn tay trắng, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, giờ có cả cơ ngơi bạc tỷ. Đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi, bên trong đầy đủ nội thất, đồ đạc.
Dẫn khách thăm quan khu vườn của gia đình, chị Ngân cho biết, lúc mới cưới nhau vợ chồng rất vất vả, thiếu thốn đủ thứ, làm không đủ ăn. Trước đây, vợ chồng trồng mía, nhưng phần vì công việc vất vả, phần vì kém hiệu quả nên quyết định không làm nữa. Hơn nữa, khi có chủ chương của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế tại vùng và thí điểm trồng cây na dai phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, gia đình chị đã bắt tay vào trồng na.
Nhờ áp dụng những kiến thức đã được tập huấn và những kinh nghiệm trồng na thành công của các hộ gia đình trước đó, đến nay gia đình chị có hơn 1.000 gốc na dai và khoảng 600 gốc na đã cho thu hoạch, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị là một trong những hộ chuyên ươm giống cây na dai và mỗi năm xuất từ 40.000 - 50.000 cây na giống phục vụ cho người dân trong xã, cung cấp cho các huyện và tỉnh lân cận, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
“Trong những năm đầu trồng na, do con giống đi mua ở nơi khác, na không có bầu đất nên khi trồng, chăm sóc mất gần 1 năm cây mới hồi phục và phát triển. Sau khi tìm hiểu và nắm bắt được những khó khăn của người trồng na, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư làm thêm mô hình sản xuất con giống na dai. Bước đầu đã có khởi sắc, cây na sau khi ươm vào bầu lớn rất nhanh, na đẹp cây khỏe, cho năng suất cao. Những năm đầu vườn ươm chỉ có khoảng hơn 10.000 cây giống, thấy tiềm năng gia đình tôi đã mạnh đầu tư mở rộng quy mô” chị Ngân chia sẻ.
Thành công trong phát triển kinh tế cho gia đình, chị Ngân cũng tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, thôn và luôn sẵn sàng hỗ trợ cây na giống, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây na dai để đem hiệu quả cao cho nhiều chị em trong Hội qua đó giúp chị em vươn lên khỏi nghèo đói, có thu nhập ổn định.
Cũng chính từ phong trào phụ nữ giúp đỡ nhau, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, các hội viên phụ nữ tại xã Yên Vượng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn những giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để vươn lên thoát nghèo.