Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đến ngày 23.11, tăng trưởng tín dụng năm 2023 mới đạt khoảng 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là 14,5%. Dư địa còn lại của toàn hệ thống ngân hàng để mở rộng tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế là rất lớn: khoảng 6,2%, tương đương 735.000 tỷ đồng.
Sau khi đạt mức tăng trưởng đỉnh cao 16,94% (so với cùng kỳ) vào tháng 9.2022, tăng trưởng tín dụng duy trì mạch giảm tốc đến tận thời điểm này, bất chấp động thái nới thêm hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trong quý IV.2022. Điều gì đang xảy ra với tăng trưởng tín dụng? Câu trả lời đã được mổ xẻ, đề cập nhiều trong thời gian qua.
Tín dụng tăng chậm lại đáng kể là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu. Đặc biệt, hai trụ cột đóng góp tín dụng lớn là xuất khẩu thì chậm lại còn bất động sản vẫn đóng băng. Nói cách khác, tăng trưởng tín dụng thấp vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của việc tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng và xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều giảm sút.
Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Ví dụ việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi...
Ngoài ra, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).
Tại cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vào cuối tháng 11 vừa qua, các ngân hàng khẳng định không thiếu vốn để "bơm" cho nền kinh tế nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại, "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là "thất nghiệp". Vậy nhưng hiện nay tất cả phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân là bài toán vô cùng khó.
Vào lúc này, tiếp tục nỗ lực tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế là hết sức cần thiết. Các gói tín dụng ưu đãi (gói 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%, gói 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản) cũng cần được triển khai có hiệu quả hơn, thực chất hơn với tinh thần kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt.
Mặt khác, cũng nên chấp nhận khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay không thể đạt mục tiêu đề ra, thay vì “bơm vốn” bằng mọi giá, bất chấp thực tế là nền kinh tế không thể hấp thụ. Bài học của giai đoạn trước - bằng mọi cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để rồi gây ra hậu quả nợ xấu khôn lường - vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay.