Cũng giống nhau ư ? (Phần một)
Gã đàn ông ấy bấu ra nước, một thứ nước thối tha. Đó là nhận định như đinh đóng cột của người vợ trẻ, sau dăm năm chung sống với gã. Dăm năm, cặp vợ chồng Hán - Tần con sống chưa có mống nào, nhưng con nạo đi có đến ba đứa. Hai đứa trước khi cưới, một đứa vào hồi cô Tần mới mở quầy bán thuốc tân dược.

Gã thường thuyết phục vợ:
- Hai đứa chưa có nguồn tích lũy nào, gia đình anh lại cố chấp chuyện ngày xưa, bà nội nhất định cấm vận không chịu giúp đỡ, vậy mình buộc phải áp dụng chiến thuật án binh bất động chờ thời. Em hình dung mà xem, bây giờ sinh ra một cái miệng chỉ biết kêu chiêm chiếp đòi ăn, đòi sữa, đòi trứng, đòi thuốc... có mà chết cả nút! Hừm, em không nhớ mình đã từng phải mua bảy cái bắp ngô luộc ăn trừ bữa ư? Vậy em có đành lòng không? Là anh muốn giữ cho em, chứ anh bất tài, không dám bạo phổi. Sau này có điều kiện, em đẻ thoải mái.
Cô vợ dù hiền thục đến đâu cũng phải ấm ức khóc. Lần “dính chưởng” mới đây cô quyết giữ lại. Cô cần một đứa trẻ để âu yếm ấp ủ, muốn ra sao thì ra. Cô làm vợ chứ có phải nhân tình nhân bánh, lên giường cốt chơi bời thoả mãn đâu?
- Mình lấy nhau đăng ký hẳn hoi mà hệt như vợ chồng “chui”. Vả bây giờ đã bốn tháng, đi nạo không được nữa. Dạ con của tôi đâu phải cái sách bò, muốn vò muốn nạo bao nhiêu cũng được. Khối cô bục toác ra đấy!Được rồi, tôi đẻ tôi nuôi, sợ gì.
Nhưng chao ôi, cái thai chỉ bảy tháng đã tuột ra. Bà bác sĩ bệnh viện phụ sản nói Tần khó lòng có con. Tần khóc như mưa như gió, oán hận chồng, oán hận đời.
Có thật gã sợ phải nuôi những cái miệng chỉ biết chiêm chiếp há ra đòi mồi không? Không phải thế. Bà nội gã tuyên bố thẳng thừng: “Lấy đứa rài rạc nào gia đình cũng ưng, nhưng cấm chỉ dây với dòng giống lang sói. Sau này mấy đời mấy kiếp cũng không gột được thành giống người”.
Chuyện hai gia đình mắc mớ với nhau xảy ra từ đời tám hoánh nào cơ. Bà ngoại Tần là bần nông đi ở đợ, được kích động đấu tố địa chủ, đã tố điêu bị ông nội Hán hãm hiếp rồi bỏ đói cho trụy thai. Chuyện đó góp phần khiến ông nội gã uất ức, thắt cổ chết trong chuồng trâu. Bao năm qua bà nội gã vẫn ngấm ngầm căm thù cái “nòi điêu toa giết người”, tuy bà ngoại Tần chết lâu lắm rồi. Cả hai gia đình cùng bỏ quê hương, lang bạt ra thành phố Hải Phòng ngay sau cải cách ruộng đất. Ai ngờ Rô-mê-ô Hán và Ju-li-et Tần lặp lại tình sử cũ. Hôm Rô-mê-ô Hán đưa người yêu về chơi thăm gia đình, bà nội gã nhìn mặt cô gái cứ ngờ ngợ giống ai đó. Sau khi tra hỏi gốc gác cặn kẽ bà nội gã cấm cửa Tần luôn.
Nhưng không cách gì chia rẽ được đôi tình nhân. Gã mê Tần từ ngày cô bé đang theo học trường cấp ba, thường đi qua nhà gã. Còn đối với Tần, gã là người tình đầu tiên, người đàn ông đầu tiên hôn đôi môi non nớt của cô. Cô dâng hiến tất cả cho gã như một trinh nữ hiến dâng mình cho thánh thần. Dù giông bão sấm sét có giáng xuống đầu Tần cũng không đếm xỉa, quyết theo gã tới cùng trời cuối đất.
Dăm năm sống với nhau, bất chấp sự phản đối của gia đình, họ chỉ cần tờ giấy đăng ký kết hôn là xây được cái tổ cò ấm áp hạnh phúc. Hán luôn giữ vị trí thiêng liêng trong trái tim Tần. Tuy gã không công ăn việc làm chính thức nhưng thỉnh thoảng lại có thể vứt cho vợ đôi ba trăm. Khi thì bạn bè thương tình cho tham gia một phi vụ làm quảng cáo, khi tổ chức đêm biểu diễn từ thiện. Hạng bét cũng là việc ngồi thường trực cho một cuộc triển lãm tranh... Láng giềng ai cũng quý anh chàng sống rất tài tử, bề ngoài “hơi bị” hào hoa phong nhã, và mừng cho đôi vợ chồng trẻ quấn quýt nhau hơn đôi chim cu. Hồi này Tần mở hàng tân dược, cuộc sống nhúc nhắc tiến theo nhịp điệu đáng mừng.
Buổi sáng gã sắp xếp mở cửa hàng cho vợ, rồi tới đầu phố nhâm nhi tách trà ở quán nước bình dân. Đây là địa chỉ làm ăn của gã. Tại đó gã mới thực sự làm công việc gã yêu thích: Cò thơ. Xin đừng coi thường, cò thơ cũng giống cò đất, cò nhà v.v... đều kiếm được bộn tiền nếu gặp khách. Gã cò thơ cho bạn bè, người quen lẫn người không quen, miễn họ có yêu cầu về thơ ca hò vè, dùng cho mấy anh thợ kèn đám ma, mấy anh dẫn chương trình đám cưới. Hay cậu cần dăm câu thơ tán cô thu tiền điện chứ gì? Có ngay. Cô ấy chừng bao nhiêu tuổi, béo hay gày, thường mặc áo màu gì, đội nón hay đội mũ, cô ấy có răng khểnh cười duyên không? Thôi, xong rồi, mai cậu tới đây lấy thơ. Thù lao à? Tùy theo mức độ cậu khoái!
Có khi gã cò cả một tập thơ cho một ông nhà buôn thích lấy văn chương làm oai... Nghĩa là thêm thắt, chau chuốt, nâng cấp từng bài trong tập thơ ấy. Được thưởng hậu hĩ, gã gọi hết bạn bè đến nhà liên hoan vì “câu được một chú cá kễnh”.
Trường hợp hy hữu có ông Giám đốc quen biết đã nhờ gã sáng tác mấy câu thơ để vinh danh những toalét hiện đại, lịch sự, được xây cho công nhân nhà máy, đánh dấu sự cải thiện nhảy vọt của đời sống khi ông lên nắm quyền. Công nhân chưa có thói quen xài của văn minh thì ta khéo léo nhắc nhở bằng thơ.
Đi xong nhấn nước sạch làu,
Giấy dùng vứt xuống ngăn sau gọn gàng.
Cuộc đời ngày một thênh thang,
Văn minh sạch sẽ ta càng chăm lo!
Gã thề sống thề chết rằng chuyện có thật trăm phần trăm. Quỷ thần hai vai chứng cho gã. Không tin cứ tìm dịp thăm nhà máy ấy khắc biết. Bốn câu lục bát nổi tiếng được kẻ sơn màu, đóng khung, treo nơi trịnh trọng nhất trong toalét. Thời gian sau ông Giám đốc được lên làm Tổng Giám đốc, một phần cũng nhờ sáng kiến bốn câu thơ nọ.
Tần lác mắt tự hào vì chồng. Chỉ thương gã tài năng như thế, chưa gặp thời vận, chưa được nhà nước trọng dụng, đành sống đạm bạc, mai danh ẩn tích. Thử bói xem ở địa phương tỉnh nhỏ được mấy người như gã nào?
Gã bảo mọi người hãy chờ xem. Chưa biết đâu có ngày người ta mang ô tô đến tận cửa mời gã về Hà Nội làm Bộ trưởng Văn minh. Về mặt tiền tài một thầy bói đã đoán sau này gã đúc gối vàng cũng không hết của. Điều đó dứt khoát đúng. Này nhé, hiển nhiên bà nội gã không thể sống “quá ngưỡng” mãi, rồi cũng đến lúc bà nội đầu hàng sổ sách của Nam Tào, phải đi hoá thân hoàn vũ. Bố mẹ gã chết sớm. Kẻ thừa tự duy nhất của cái gia sản khổng lồ, gồm hai ngôi nhà xây kiểu Pháp, mặt tiền phố chính, tất nhiên là gã chứ ai vào đấy?
Bởi vậy tuần nào gã cũng buộc mình hai lần về nhà phục trước gối bà cụ già sắt đá, ngoan như con cún con, để bà cụ mặc sức vuốt ve nậng nịu. Thằng cò ăn chè hạt sen long nhãn không? Bà bảo cái Gái bật bình nóng lạnh sẵn đấy, tắm cho khỏe rồi vừa ăn vừa xem cái băng Quan âm Thị Kính với bà. Lại thiếu tiền mua sách hở cò, đây cầm lấy... Cái thằng cò râu ria lởm chởm ấy sẽ toét miệng ra cười, làm bộ ngây ngô như một gã bệnh đao.
Tuy nhiên bà cụ chưa đả động đến chuyện làm di chúc. Thằng cò kinh nhất khi nghe những lời xầm xì rằng: bà cụ đe dọa sẽ hiến tất tật gia sản cho trẻ mồ côi, nếu gã quyết tâm chung sống với cái nòi điêu toa, ăn đứng dựng ngược giết người kia. Thế nên gã rất cảnh giác, không hề nhắc đến Tần trước mặt bà cụ, coi như không có cô trên đời, coi như gã chỉ chơi bời vậy thôi, rồi sẽ thải cô như thải cái áo rách.
Ôi chao, ai ngờ có ngày gã làm thế thật. Thoạt tiên một người quen giới thiệu gã đi theo đoàn làm phim truyền hình Hà Nội, về địa phương làm bộ phim dài hai mươi tập. Gã được thuê đi vác đèn chiếu sáng. Vác chân đèn cũng oai. Ai biết đấy là đâu. Thiên hạ nhìn các anh đoàn làm phim đều cho là nghệ sĩ tuốt. Đặc biệt khi đã đầu tư may sắm được một cái áo không có tay bằng sợi thô, lủng củng những túi với khóa đồng, cúc inốc, anh khoác vào sẽ cảm thấy được “lên đời” ngay tắp lự. Hán mượn mẫu may gấp cái áo như thế từ những ngày đầu đến đoàn phim, dáng điệu lập tức cũng phong trần bụi bậm, nghệ sĩ y chang mọi người.
Gã về nhà, nói phách với vợ:
- Tôi làm việc trực tiếp với ông quay phim. Ông ấy nể tôi lắm. Động việc gì cũng ơi ới gọi tôi hội ý trước.
Tần sung sướng vênh vang ra mặt. Có ai hỏi, cô đều thì thào với vẻ mặt quan trọng:
- Trung ương người ta trình độ lắm, phải thật sự có năng lực thế nào mới được tuyển dụng. Đoàn làm phim chứ đùa đâu! Tiền tỷ của nhà nước đấy. Ông Hán nhà em quá tốt phúc. Cứ làm hết phim này các anh ấy sẽ mời làm phim khác, không sợ hết việc.
Đoàn Lê