Cùng doanh nghiệp và người lao động vượt khó khăn

- Thứ Hai, 20/09/2021, 14:43 - Chia sẻ
Trước tình hình dịch Covid-19 ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc tổ chức sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người lao động, ngoài việc triển khai các chính sách của Trung ương, từng địa phương còn có thêm các chương trình hỗ trợ thiết thực, góp phần giảm khó khăn cho lao động.
Chính phủ đang làm rất nhiều việc để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định sản xuất, kinh doanh.
Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định sản xuất, kinh doanh

Chủ động đưa gói hỗ trợ đến người dân

Theo Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại các tỉnh phía Nam, tính đến đầu tháng 9.2021, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước.

Đối với tỉnh Bình Dương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương và chấp thuận cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn thực hiện hỗ trợ cho người lao động tại công văn số 4685/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 6.8.2021 và Công văn 4736/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 14.8.2021.

Theo đó, đối với người lao động (từ 15 tuổi trở lên, không phân biệt công nhân hay lao động tự do, trừ công nhân lao động đang thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến") đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà là 300.000 đồng/người. Với người lao động khó khăn (từ 15 tuổi trở lên, không phân biệt công nhân hay lao động tự do) có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương (trừ công nhân lao động đang thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến") sẽ được hỗ trợ lương thực thực phẩm trị giá 500.000 đồng/người. Có thể hỗ trợ bằng lương thực thực phẩm hoặc tiền mặt.

Đối với Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Mộng Thu cho biết, Sở đã ban hành Văn bản số 4887/LĐTBXH-CSLĐ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát, lập thủ tục để người lao động nhanh chóng hưởng chính sách theo quy định.

Trong đó, hướng dẫn một số trường hợp liên quan đến xác định chế độ chính sách được hưởng. Cụ thể, mức hỗ trợ là 1.855.000 đồng/người áp dụng đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày đến dưới 1 tháng (30 ngày); 3.710.000 đồng/người từ 1 tháng (30 ngày) trở lên; mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em. Tính đến ngày 9.9.2021, Sở đã trình UBND tỉnh chính sách hỗ trợ 117 đơn vị với 30.094 lao động, tổng kinh phí hỗ trợ là 61,78 tỷ đồng.

Tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ

Có thể nói các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước được triển khai, thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã mang lại hiệu quả thiết thực trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch trong năm 2021 là cần thiết.

Mới đây nhất, ngày 16.9 tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp cho thấy, sang năm 2021, hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ cụ thể về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng... Với các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2021 vào khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở xem xét cụ thể các vấn đề được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành ban hành Nghị quyết một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Đồng tình với những chính sách đã đề ra, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ đã và đang làm tất cả không phải chỉ để chiến thắng dịch bệnh, mà còn để ngay trong khi cuộc chiến chống dịch như chống giặc đang diễn ra quyết liệt, hàng chục nghìn doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất, ổn định đời sống và thu nhập cho hàng chục triệu người lao động.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương