Cung đàn lỗi nhịp
Tuyển sinh hằng năm giảm, chất lượng học tập sa sút, sinh viên sau tốt nghiệp ít có cơ hội hoạt động chuyên môn... đang là những khó khăn của hoạt động đào tạo sáng tác âm nhạc nước ta. Tại Hội thảo quốc tế Đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do lỗi nhịp từ triết lý đến phương cách giảng dạy...
Lỗi nhịp từ triết lý đến phương cách giảng dạy
Hiện nay, cả nước có 3 cơ sở đào tạo sinh viên theo ngành sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp. Chất lượng và số lượng đầu vào ngày càng giảm sút là tình cảnh chung của các cơ sở đào tạo chuyên ngành này. Đơn cử, mấy năm trước số lượng thí sinh đầu vào chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam là 30 - 40 người theo khóa học gần nhất chỉ có 15 người.
Là người nhiều năm gắn bó với việc đào tạo sáng tác âm nhạc, Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân cho rằng, với những thí sinh đã thi đậu vào chuyên ngành sáng tác, phần đông tỏ ra chậm chạp trong học tập, trễ nải trong sáng tạo và thậm chí là còn bỏ dở giữa chừng. Thậm chí, Nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng phải thốt lên, có lẽ trên thế giới, chẳng đâu lại có nhiều người học sáng tác âm nhạc mà lại hạn chế về năng khiếu bẩm sinh, tay đàn và kiến thức âm nhạc như ở nước ta hiện nay. Phải chăng, thi vào học sáng tác âm nhạc ở Việt Nam dễ quá. Đã vậy, theo Nhạc sỹ Cát Vận, toàn bộ sinh viên học chuyên ngành sáng tác âm nhạc sau khi tốt nghiệp bị thả nổi tới mức gần như không còn cơ hội hoạt động theo chuyên môn đã được đào tạo…
Với bề dày hàng chục năm thực hiện đào tạo sáng tác âm nhạc, vì đâu nên nỗi? Nguyên nhân là do cho đến lúc này vẫn chưa trả lời một cách rõ ràng triết lý đào tạo chuyên ngành sáng tác âm nhạc là gì? Nhạc sỹ Trần Mạnh Hăng đặt câu hỏi, đào tạo sáng tác là đào tạo nhân lực hay đào tạo tài năng? Nếu là đào tạo, bồi dưỡng tài năng, vậy tại sao có nhiều người không thể đàn hoặc hát tốt và không có năng khiếu âm nhạc lại vượt qua các cuộc tuyển sinh? Mục tiêu đào tạo ngành sáng tác âm nhạc của nước ta, nhất là bậc đại học và sau đại học là sáng tác khí nhạc theo lối kinh điển. Sinh viên tốt nghiệp phải hoàn thành một bản nhạc giao hưởng và được trình bày trong lễ tốt nghiệp bằng dàn nhạc giao hưởng. Tuy nhiên, trong khi triết lý, mục tiêu đào tạo sáng tác tập trung vào khí nhạc, kinh điển thì đời sống âm nhạc trong và ngoài nước lại sôi nổi với thanh nhạc, mảnh đất cho khí nhạc ngày càng teo tóp đi.
Chẳng những mục tiêu đào tạo mà phương cách giảng dạy cũng đang lỗi nhịp với sự phát triển của chính trào lưu và đời sống âm nhạc đương đại. Đa phần, các giờ lên lớp của thầy cô chuyên ngành sáng tạo đều dạy theo kinh nghiệm mà không có giáo trình. Theo Nhạc sĩ Trần Mạnh Hằng, hầu hết các môn học quan trọng trong gói hành trang kỹ năng mà nhà trường trao cho sinh viên vẫn loanh quanh ở những kiến thức rất cũ, lộ rõ sự hạn hẹp và lỗi thời. Ngoài ra, còn phải kể đến tính bảo thủ của người dạy và thái độ bằng lòng với hệ thống giáo trình sách vở cũ của đa phần các tổ bộ môn kiến thức âm nhạc của các trường nhạc lớn…
Bắt nhịp giai điệu cuộc sống
Dẫu biết rằng, việc đào tạo và bồi dưỡng các môn nghệ thuật, trong đó có sáng tác âm nhạc là một việc rất khó. Để có thể tạo ra được đội ngũ nhạc sỹ sáng tác chuyên nghiệp, việc đào tạo cũng cần có những thay đổi, bắt đúng nhịp với giai điệu và thanh âm của cuộc sống. Nói như vậy cũng có nghĩa, cần có sự thay đổi từ mục tiêu đến quy trình đào tạo, từ phương thức tuyển đầu vào, giáo trình và cách thức giảng dạy, hướng đến việc hỗ trợ để người học có được cái trí mở rộng, cái cảm thấm sâu, phát huy được hết tài năng của mình, như cách nói của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Nam.
Trước hết, triết lý, định hướng, mục tiêu đào tạo chuyên ngành sáng tác âm nhạc cần phải được xác định một cách chân xác. Đó có thể là một triết lý đào tạo tổng hợp các nhu cầu âm nhạc của đời sống đương đại, phát triển cả thanh nhạc và khí nhạc, có âm nhạc hàn lâm bác học đỉnh cao và cũng có âm nhạc thị trường phục vụ đại chúng. Triết lý này vừa đáp ứng đòi hỏi của thị trường âm nhạc đương đại, vừa bảo đảm truyền thụ được những kỹ thuật kinh điển. Để từ đó, người học sau khi tốt nghiệp có đất để dụng võ, phát huy năng khiếu sáng tạo, cho ra những tác phẩm có giá trị góp phần vào sự phát triển và định hình nền âm nhạc dân tộc.
Tiếp đó là cần đổi mới phương cách dạy và học. Cần phải rũ bỏ những kiến thức cũ kỹ, cập nhật và đổi mới, để có thể đào tạo những người sáng tác có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của thị trường âm nhạc, của đời sống. Nhấn mạnh cần phải thay đổi quy trình dạy và học, Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân gợi ý, nên cân nhắc đến năng lực và mong muốn của học viên. Chẳng hạn, học viên có nền tảng về âm nhạc truyền thống và mong muốn sáng tác cho nhạc cụ truyền thống thì nên ủng hộ và hướng học viên đi sâu hơn vào âm nhạc truyền thống; với học viên có xu hướng sử dụng công nghệ, máy tính và nhạc điện tử thì nên cân nhắc mở thêm bộ môn công nghệ âm nhạc để sinh viên có thể chọn học và sáng tạo. Thậm chí, khi sinh viên có xu hướng viết bài hát đơn thuần thì cũng nên khuyến khích. Tất nhiên, việc dạy và học các nhạc cụ và dàn nhạc giao hưởng vẫn song song với hướng mở thực tế của sinh viên.
Song song với đó, trong quy trình tuyển sinh đầu vào, cũng cần có cách thức tuyển chọn bảo đảm chất lượng học viên. Nhạc sỹ Cát Vận cho rằng, cần chấm dứt việc đào tạo sáng tác âm nhạc theo chỉ tiêu mà nên chú trọng việc tìm kiếm được các tài năng âm nhạc để bồi dưỡng. Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng, điều kiện của sinh viên theo học sáng tác phải là người có năng khiếu âm nhạc, được học nhạc từ sớm, biết chơi thông thạo một đến nhiều nhạc cụ ở trình độ trung cấp trở lên, bộc lộ năng khiếu sáng tạo, đồng thời, có thêm kỹ năng sử dụng công nghệ trong sáng tác. Cùng với đó, theo Nhạc sỹ Nguyễn Văn Nam, người theo học sáng tác còn phải có đức tính siêng năng trong học tập, lòng đam mê nghề mãnh liệt…