Cùng con vui với sách

Hương Sen 18/09/2012 08:12

Để xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ và để sách luôn là người bạn ấm áp, tin cậy mà trẻ sẵn sàng chia sẻ cùng bố mẹ, theo Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, Ts giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, các bậc phụ huynh cần trang bị cho mình nhiều kỹ năng: đọc sách, sử dụng và “khai thác” sách, chọn sách cho con và cùng con vui với sách.

Tại tọa đàm Sách - phương tiện giao tiếp tinh tế giữa cha mẹ và con diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace, Hà Nội cuối tuần qua, Ts Nguyễn Thụy Anh nhận định, một trong những điều làm nên mối quan hệ xã hội là giao tiếp: trao đổi thông tin, nhận phản hồi và xử lý thông tin về “đối tác”, hiểu họ và cho họ hiểu mình, để điều chỉnh hành vi của hai bên, sao cho mối quan hệ ấy càng được củng cố bền vững hơn. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sự giao tiếp - các hành vi giao tiếp và cách thức giao tiếp - cũng có ý nghĩa như vậy. Với sách, đây có thể là một phương tiện giao tiếp tinh tế trong mối quan hệ xã hội đầu tiên của đứa trẻ. Mục đích cuối cùng của các bậc cha mẹ là, bằng việc sát cánh, đồng hành cùng con qua những trang sách ấu thơ, họ sẽ xây dựng được mối đồng cảm giữa hai thế hệ, hướng dẫn con cách sống, cách đối mặt với mọi tình huống trong cuộc sống, tìm ra được cách tiếp cận con tốt nhất và tinh tế nhất. Thế nhưng, để đạt được mục đích ấy, chính các bậc phụ huynh cần trang bị cho mình nhiều kỹ năng: đọc sách, sử dụng và khai thác sách, chọn sách cho con và cùng con vui với sách.

Cùng con vui với sách ảnh 1
Nguồn: thuvienmamnon

Để trẻ có niềm đam mê với sách, thay vì xem đó như là một nhiệm vụ, đầu tiên cha mẹ phải để trẻ cảm thấy vui và thú vị. Cần đọc sách, mua sách cho con từ khi rất nhỏ, rất sớm để chúng xem đó như là đồ chơi vậy. Hiện trên thị trường bán những cuốn sách bằng vải hoặc bằng bìa, không gây hại kể cả cho bé một năm tuổi. Hãy cho trẻ sờ cuốn sách, nhìn cuốn sách. Cách đọc của trẻ ở mỗi lứa tuổi cũng khác nhau, trẻ 6 tháng tuổi chỉ vò, xé khi cầm cuốn sách, nhưng chỉ sau một vài lần trẻ sẽ không xé sách nữa mà để ý hơn bằng cách gặm một chút hay bằng cách nào đó để tiếp cận với cuốn sách. Cách đọc sách cho lứa tuổi này được lưu ý ở chỗ, không đọc từ đầu đến cuối mà có thể cho trẻ nhìn vào trang sách, kể với chúng câu chuyện trong cuốn sách. Ở trẻ lớn hơn, việc đọc sách nên đi vào chi tiết các nhân vật, sở thích của nhân vật, màu sắc nhân vật ưa dùng...; bên cạnh đó, cần sử dụng kỹ năng đặt câu hỏi và gợi ý để trẻ đặt câu hỏi cho bố mẹ. Ở đây có nhiều cách, như chơi trò đố vui, hoặc gán cho trẻ tên của nhân vật trong cuốn sách mà chúng yêu thích. Cách làm này không những tạo được đồng cảm giữa cha mẹ với con, mà còn thêm cơ hội cho trẻ thêm yêu và hiểu được cảm xúc của cha mẹ mình.

Trả lời về thắc mắc của phụ huynh về cách sử dụng sách tích cực nhất, Ts Nguyễn Thụy Anh cho rằng, không nên nghĩ sách chỉ là nguồn tri thức đối với trẻ mà hãy nghĩ rộng hơn một chút. Đó là, sách là một phương tiện để chúng ta tiếp cận trẻ, nuôi dạy trẻ tốt hơn. Ngoài việc nuôi dạy về mặt tinh thần, cảm xúc, kỹ năng sống thì sách còn giúp hướng dẫn con các kỹ năng mềm trong học tập ngay từ khi chúng còn nhỏ. Bố mẹ không thể có nhiều thời gian để cùng đọc toàn bộ cuốn sách với con. Hãy đưa từng bài tập nhỏ - từng đoạn văn trong cuốn sách cho con, chỉ cần 5 - 10 phút mỗi tuần, để giao lưu với con bằng cuốn sách ấy. “Bố mẹ chính là những người hiểu con cái nên họ cần quan tâm và biết được con thích gì; hãy biến đọc sách là niềm vui chứ không phải là nhiệm vụ” - Ts Nguyễn Thụy Anh nhấn mạnh.

Vấn đề nhiều người quan tâm là làm thế nào để cha mẹ giúp con đọc được nhiều sách cũng như phương pháp giúp trẻ tập trung khi đọc sách. Theo Ts Nguyễn Thụy Anh, do cơ chế tư duy của trẻ, không nên lo lắng vì không giới thiệu được với con nhiều sách, quan trọng ở chất lượng giới thiệu những cuốn sách đó. Trước mắt, cần xây dựng thói quen đọc trong gia đình, tạo cơ hội để trẻ chú ý đến sách, như: lập tủ sách gia đình, tủ sách của bố mẹ, của con; giao cho con quản lý tủ sách theo đúng khả năng của chúng. Sau đó, cần tạo cảm hứng và sự quan tâm của trẻ với sách, giúp chúng có động cơ và thói quen đọc sách, dạy con phương pháp tập trung khi đọc sách. Ví dụ, giúp trẻ tập trung dựa trên cơ chế tư duy trực quan. Khi trẻ còn bé là phải sờ, nắm, sau đó là hình tượng rồi tưởng tượng, so sánh, phân tích, khái quát. Lớn hơn, có thể hướng dẫn trẻ dùng công cụ sơ đồ, bản đồ tư duy, từ khóa sau khi đọc sách nhằm tránh sự nhàm chán...

“Qua việc đọc sách cùng con, bố mẹ có cơ hội hiểu con thích gì, đang quan tâm đến điều gì, có những khả năng đặc biệt nào, cần hỗ trợ gì. Thông qua việc cùng con đọc sách, bố mẹ cũng có thể gửi gắm những bài học nhỏ, hướng dẫn các kỹ năng sống, cách học và điều chỉnh cảm xúc của con, đồng thời có cơ hội cho con biết nhiều thông tin về cảm xúc của bản thân mình mà không phải lúc nào cũng dễ dàng truyền đạt với trẻ” - Ts Thụy Anh kết luận.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cùng con vui với sách
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO