Củng cố “trụ đỡ” nông nghiệp

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:08 - Chia sẻ
Như trong mọi thời điểm khó khăn của nền kinh tế, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế nước ta nói riêng, gặp khó khăn nghiêm trọng do dịch Covid-19 gây ra. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế hôm qua (25.9) cho thấy, tăng trưởng cả năm của ngành ước đạt khoảng 2,6%, cao hơn mức 2,01% của năm 2019. Vì thế, cả về mặt ngắn hạn lẫn dài hạn, đầu tư để củng cố trụ đỡ nông nghiệp vẫn luôn cần thiết là trọng tâm chính sách của Chính phủ.

Kịch bản dự báo từ các tổ chức và định chế phân tích kinh tế đều đồng thuận, với tác động của dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm và cần khoảng thời gian dài để phục hồi. Với một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và thương mại toàn cầu, Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động mạnh, đặc biệt là khu vực công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Nông nghiệp được dự báo là có ảnh hưởng nhưng ở mức độ ít hơn, do trong cơ cấu xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam là các mặt hàng nông sản thiết yếu.

Thực tế 8 tháng năm 2020, số liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25%; thủy sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3%. Điều đó cho thấy, dù có lạc quan với triển vọng của ngành nông nghiệp, thì sự lạc quan vẫn cần ở mức thận trọng. Và đi kèm với đó, các điều chỉnh chính sách để củng cố trụ đỡ quan trọng này là cần thiết.

Về mặt ngắn hạn, 3 ưu tiên chính sách nên xem xét, đó là vấn đề đào tạo nhân lực cho nông nghiệp ngành nông nghiệp; chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và giải quyết sớm vấn đề tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp giá trị cao.

Theo đó, cần đánh giá và thiết kế lại các chương trình đào tạo nghề nông thôn. Kinh phí và nguồn lực chắc chắn không nhỏ, nhưng hiệu quả đào tạo các kỹ năng để phục vụ một nền nông nghiệp hiện tại, hướng đến nông sản an toàn giá trị cao phục vụ thị trường toàn cầu đang là câu hỏi. Vấn đề chắc chắn không phải là nguồn lực nằm ở phân bổ vốn đào tạo đến những doanh nghiệp thực sự có năng lực đào tạo. Vẫn chưa có một cơ chế mang tính thị trường cạnh tranh trong phân bổ các khoản ngân sách đào tạo nghề từ Nhà nước.

Nút thắt về đất đai vẫn chưa được gỡ nhằm giúp tích tụ đất đai. Sửa đổi chính sách đất đai, trong đó khởi nguồn từ Luật Đất đai cần thiết phải bỏ cơ chế thu hồi đất bằng quyết định hành chính cho các mục đích thu hồi đất phát triển kinh tế; từ đó tạo lập một thị trường đất đai đúng nghĩa mới có thể giúp các doanh nghiệp, cá nhân mua bán quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp và an toàn. Chỉ khi tài sản đất đai được bảo vệ, thông qua tích tụ đất bằng các cơ chế thị trường minh bạch, khi đó quỹ đất ổn định cho từng doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài mới có thể bảo đảm - đặt nền móng khâu đầu tiên của thị trường nông nghiệp.

Đà khởi sắc của nền nông nghiệp trong những năm qua gắn liền với xu thế các doanh nghiệp, trong đó gồm cả doanh nghiệp lớn tham gia thị trường và định hình lại chuỗi giá trị ngành nông sản. Một mình người nông dân không đủ sức tham gia cuộc chơi nông nghiệp toàn cầu. Bàn tay của doanh nghiệp là cần thiết, do đó rà soát lại các chính sách đầu tư, gỡ bỏ các thủ tục hành chính để doanh nghiệp tham gia là yêu cầu đặc biệt quan trọng.

Về dài hạn, nông nghiệp và nông thôn cần được tính toán trong bài toán lớn về ấm nóng toàn cầu, nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long, trong các kịch bản tính toán đều cho thấy tương lai đáng lo ngại. Ứng phó với những rủi ro dài hạn như vậy cần có những kịch bản dài hạn và khởi đầu hành động ngay từ bây giờ.

Nông nghiệp, vì thế, dù lạc quan nhưng là lạc quan thận trọng và cần đi kèm với những tính toán chính sách mới, không chỉ cho ngắn hạn bây giờ mà cả dài hạn trong vài thập kỷ sắp tới.

Sa Nam