Củng cố thực quyền qua các lần sửa đổi Hiến pháp

- Chủ Nhật, 16/08/2020, 06:41 - Chia sẻ
Hiến pháp của Indonesia được ban hành lần đầu tiên vào năm 1945, sau khi quốc gia này thoát khỏi ách cai trị của Nhật Bản vào cuối Thế chiến lần thứ Hai. Qua 4 lần sửa đổi Hiến pháp, quyền lực của cơ quan lập pháp ngày càng được củng cố.

Vào năm 1949, Hiến pháp 1945 bị bãi bỏ và được thay thế bằng Hiến pháp Liên bang. Bản Hiến pháp đầu tiên này chỉ được phục hồi vào năm 1959. Hiến pháp 1945 đã quy định về Pancasila - triết lý quản lý nhà nước ở Indonesia; phân chia quyền lực một cách hạn chế giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp, theo đó Indonesia được coi là chính thể tổng thống pha trộn một số nét của chính thể nghị viện. Tuy nhiên, sau khi chế độ Suharto bị lật đổ, một loạt điểm sửa đổi được đưa vào Hiến pháp dẫn đến những thay đổi quan trọng trong hệ thống chính quyền. Hiến pháp được sửa đổi qua 4 lần vào các năm 1999, 2000, 2001 và 2002, tăng từ 37 điều lên 73 điều, trong đó chỉ 11% tổng số điều được giữ nguyên so với bản Hiến pháp 1945.

Những điểm thay đổi quan trọng nhất của Hiến pháp Indonesia bao gồm: Quy định Tổng thống chỉ được giữ chức hai nhiệm kỳ; thiết lập Hội đồng Đại diện vùng (DPD) cùng với Hội đồng Đại diện nhân dân (DPR) tạo thành Đại hội đồng tư vấn nhân dân (MPR) - cơ quan lập pháp tối cao của Indonesia; thay thể chính thể Tổng thống hỗn hợp bằng chính thể Tổng thống đơn thuần; bầu cử Tổng thống trực tiếp thay vì được bầu bởi MPR; thay đổi mối quan hệ theo chiều dọc giữa các cơ quan nhà nước thay vì trao cho MPR vị thế hiến định tối cao; quy định bầu cử trực tiếp, tự do và bí mật đối với DPR và các cơ quan lập pháp vùng; thiết lập Tòa án Hiến pháp nhằm bảo vệ Hiến pháp; thiết lập Ủy ban Tư pháp; bổ sung 10 điều mới về quyền con người.

Theo quy định của Hiến pháp, MPR bao gồm các thành viên của cả hai viện là DPD - Thượng viện và DPR - Hạ viện đều được bầu cử phổ thông. MPR ban hành luật, bổ nhiệm Tổng thống, bãi miễn Tổng thống và Phó Tổng thống trong những trường hợp được quy định trong luật. DPR có các chức năng lập pháp, giám sát và lập ngân sách; DPD được đệ trình các dự luật liên quan đến các vấn đề của các vùng và tư vấn cho DPR về các vấn đề liên quan đến thuế, tôn giáo, giáo dục.      

Sau một thập niên sửa đổi Hiến pháp và phát triển các định chế, các đường nét của hệ thống chính thể Tổng thống ở Indonesia đã bắt đầu được thành hình. Nghị viện, sau thành công của hai cuộc luận tội đối với hai vị Tổng thống đầu tiên sau thời ông Soeharto (là B. J. Habibe và Adurahman Wahid) dường như có tiếng nói hơn. Nghị viện đã cải tổ thành một cơ quan lưỡng viện dựa trên cơ sở bầu cử theo vùng và theo tỷ lệ dân số thay cho cách thức bổ nhiệm viện - trong - viện như cách tiếp cận của Hiến pháp năm 1945. Và những xáo trộn do việc sửa đổi Hiến pháp tạo ra trong những năm đầu dường như cũng đã đi qua.

Việc sửa đổi Hiến pháp và các quy định của pháp luật được áp dụng từ năm 2000 đã tạo ra “một sự chuyển giao quyền lực đáng kể từ hành pháp sang cho lập pháp”. Chẳng hạn, DPD mới được thành lập có thể từ chối thông qua các dự án luật có ảnh hưởng đến lợi ích của các vùng. Còn kể từ sau cuộc bầu cử năm 1999, DPR đã trở thành cơ quan có chức năng lập pháp cơ bản và giám sát cơ quan hành pháp.

Minh Thy