Cung cấp thông tin toàn diện về Nghị viện

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 06:29 - Chia sẻ
Trong quá trình đón tiếp và hướng dẫn các nghị sĩ khóa mới, Thư ký tại bàn, dưới sự điều hành của Thư ký Nghị viện và sự hỗ trợ từ Trợ lý Thư ký phụ trách các vấn đề thủ tục, chịu trách nhiệm cung cấp cho các nghị sĩ mới thông tin chi tiết về Nội quy của mỗi viện.
Tòa trụ sở Nghị viện mới đang được xây dựng của Zimbabwe
Nguồn: ITN

Vai trò, chức năng và quyền hạn của Nghị viện

Vai trò và chức năng của Nghị viện gồm các khía cạnh như nhiệm vụ của Nghị viện được quy định trong Hiến pháp và Nội quy; mối quan hệ giữa Nghị viện và các cơ quan khác của Nhà nước gồm cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Mục 50 của Hiến pháp quy định chức năng của Nghị viện là: "Xây dựng luật pháp cho hòa bình, trật tự và quản trị tốt của Zimbabwe". Điều này sau đó đã được Nghị viện thông qua làm Tuyên bố sứ mệnh của mình. Trong Tuyên bố sứ mệnh, Nghị viện khẳng định ba vai trò chính là lập pháp, giám sát hành pháp và đại diện. Vai trò của Nghị viện được giải thích trong bối cảnh học thuyết tam quyền phân lập, theo đó, Nghị viện đóng vai trò giám sát tối cao đối với cơ quan hành pháp và tư pháp, buộc cơ quan hành pháp giải trình về cách thức thực thi các chương trình và chính sách công. Quản lý và điều hành là thuộc vai trò của cơ quan hành pháp.

Cơ cấu, tổ chức của Nghị viện

Các nghị sĩ cũng được giới thiệu về cơ cấu hành chính của Nghị viện, vai trò và chức năng của ban lãnh đạo nghị viện, lãnh đạo phe đa số, lãnh đạo phe đối lập... Mối quan hệ giữa những nghị sĩ là thành viên Chính phủ bóng (do phe đối lập thành lập trong Nghị viện) và những nghị sĩ thuộc phe đối lập không phải là thành viên hay phát ngôn viên của Chính phủ bóng…

Thủ tục của Nghị viện

Các nghị sĩ cũng được giải thích cặn kẽ về cách thức cơ quan này đóng góp như thế nào đối với quá trình vận hành của Nghị viện. Các Thư ký tại bàn và trợ lý thư ký về thủ tục sẽ hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc hoặc sự quan tâm của nghị sĩ về vấn đề nào đó. Ban Thư ký cũng phổ biến cho các nghị sĩ mới về vai trò cuộc họp kín của đảng trong việc định hướng cho nghị sĩ về các chính sách liên quan đến một vấn đề sẽ được đưa ra Nghị viện.

Công việc cụ thể của mỗi viện

Liên quan đến công việc của Nghị viện, các nghị sĩ được thông báo về hai loại công việc chính gồm các vấn đề công và các hoạt động nội bộ. Hầu hết công việc của Nghị viện là các vấn đề công, do đó, được phân bổ nhiều thời gian hơn trong các phiên họp của Nghị viện. Đó là các vấn đề về pháp luật, phê chuẩn hiệp ước, thỏa thuận, xem xét báo cáo của bộ trưởng, xem xét các vấn đề tài chính… Các nghị sĩ sẽ được thông tin về các quy tắc thủ tục liên quan đến từng loại công việc hoặc hoạt động này, cách làm rõ một vấn đề được đưa ra trước Nghị viện và các quy tắc tranh luận liên quan đến từng vấn đề lĩnh vực cụ thể.

Quy trình lập pháp

Quy trình lập pháp là mảng kiến thức quan trọng trong quá trình bồi dưỡng, đào tạo nghị sĩ đầu nhiệm kỳ. Có 3 loại dự luật có thể được đưa ra trước Nghị viện, cụ thể là các dự luật do Chính phủ trình (dự luật công), dự luật do cá nhân nghị sĩ đề xuất (dự luật tư) và dự luật hỗn hợp. Để phân biệt các loại dự luật này, có thể dựa vào cách các dự luật được tạo ra và cách chúng được đưa ra trước Nghị viện như thế nào. Đối với các dự luật của cá nhân nghị sĩ, nghị sĩ đó sẽ nhận được sự hỗ trợ Ban Thư ký Nghị viện nếu đề xuất dự luật này được thông qua.

Các nghị sĩ cũng được thông tin chi tiết về mối quan hệ giữa hai viện trong quá trình xem xét, thông qua các dự luật. Điều này bao gồm những dự luật nào có thể bắt nguồn từ Hạ viện và Thượng viện tương ứng; quy trình các lần đọc; quy trình xem xét, thẩm tra, sửa đổi; quy trình giải quyết tranh chấp trong trường hợp hai viện không thống nhất được ý kiến. Vì quyền lập pháp được trao cho cơ quan lập pháp bao gồm cả Tổng thống và Nghị viện, các nghị sĩ cũng sẽ phải nắm được vai trò của Tổng thống trong quá trình lập pháp.

Hệ thống ủy ban

Trợ lý Thư ký chịu trách nhiệm về các ủy ban lựa chọn trình bày về hệ thống ủy ban của Nghị viện Zimbabwe. Trong buổi bồi dưỡng, đào tạo này, các nghị sĩ được tiếp xúc với các loại hình ủy ban khác nhau; vai trò, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng ủy ban; cách thức mà các nghị sĩ được bổ nhiệm vào ủy ban. Thông tin cơ bản này giúp các các nghị sĩ chuẩn bị để xác định ủy ban nào mà họ muốn phục vụ và tham gia.

Quốc Đạt