Trong khuôn khổ Kế hoạch công tác của Hiệp hội Nghề công tác xã hội ASEAN (ASWC) giai đoạn 2021 - 2025 và Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Việt Nam chủ trì xây dựng Hướng dẫn ASEAN về Tăng cường quyền cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
Hướng dẫn này là mốc quan trọng hướng tới tăng cường sự thịnh vượng, kết nối, khả năng phục hồi và an toàn của trẻ em các quốc gia thành viên ASEAN. Văn kiện đã được trình các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN ghi nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tổ chức tháng 9.2023.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Văn kiện này nhằm hỗ trợ các nước thành viên ASEAN thực hiện hiệu quả hơn Lộ trình của Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; củng cố hệ thống công tác xã hội, góp phần giải quyết và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các cơ quan chuyên ngành liên quan thiết kế và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Hướng dẫn cũng sẽ là cơ sở tham chiếu để xây dựng pháp luật, chính sách và công cụ để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chất lượng”.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đánh giá cao và chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đi đầu xây dựng Hướng dẫn có giá trị này, trong nỗ lực chung nhằm chấm dứt bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ trong cộng đồng ASEAN; đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai và thực hiện Hướng dẫn, cung cấp các dịch vụ xã hội chất lượng, nâng cao năng lực cho nhân viên công tác xã hội và các nhà cung cấp dịch vụ, bảo dảm xây dựng một thế giới không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Trong đó, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson khẳng định, UNFPA sẽ hỗ trợ Việt Nam nhân rộng Ngôi nhà Ánh Dương tại các tỉnh, thành phố khác. Đây là một trong 2 mô hình điển hình của Việt Nam được giới thiệu tại hội thảo.
Ngôi nhà Ánh Dương hiện đã được thành lập tại 4 tỉnh, thành phố, là nơi cung cấp dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. Các dịch vụ tại đây, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế bao gồm chăm sóc sức khỏe, tư vấn, dịch vụ phúc lợi xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ an toàn, dịch vụ pháp lý và tư pháp, và chuyển gửi.
"Với việc nhân rộng Ngôi nhà Ánh Dương, UNFPA mong muốn tiếp cận ngày càng nhiều phụ nữ và trẻ em gái, những người có nguy cơ và/hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. UNFPA mong muốn bảo đảm rằng tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền sống một cuộc sống không có bạo lực và được tôn trọng”, ông Matt Jackson nói.
Tại hội thảo, đại diện một số quốc gia ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm và điển hình tốt về việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người bị bạo lực. Điểm chung đáng chú ý trong các mô hình được chia sẻ là đều lấy người bị bạo lực làm trung tâm, đặt lợi ích của người bị bạo lực lên trên hết; không phân biệt đối xử và bảo đảm an toàn cho nạn nhân.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xã hội và lực lượng làm công tác xã hội; đồng thời khuyến nghị hoàn thiện khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này, đầu tư thích đáng, đưa công tác xã hội vào cơ chế để phẩn bổ ngân sách, bảo đảm sẵn có các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Có cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực...
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã trao đổi, đóng góp ý kiến cho Kế hoạch hành động của Việt Nam về việc áp dụng Hướng dẫn này. Trong đó, thúc đẩy công tác xã hội, có tính đến việc tăng số lượng nhân viên công tác xã hội và bảo đảm cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chất lượng cao. Các mục tiêu này đều phù hợp với Kế hoạch quốc gia phát triển nghề công tác xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình quốc gia về đổi mới và phát triển hệ thống bảo trợ xã hội đến năm 2025.
Trong khuôn khổ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, các đại biểu đã đi thăm Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh để tìm hiểu về cách thức các dịch vụ xã hội được cung cấp nhằm bảo vệ và đáp ứng nhu cầu của những người bị bạo lực.