![]() Nguồn: vcmedia.vn |
Quảng cáo “hộ” các thương hiệu thuốc lá
Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu kiểm soát thuốc lá Anh cho biết, 75% trẻ em dưới 15 tuổi xem phim có cảnh hút thuốc đã tập hút thuốc theo. Báo cáo từ trường đại học Bristol, Anh cho thấy những bằng chứng về việc tăng nguy cơ hút thuốc ở những thiếu niên xem phim có cảnh các ngôi sao nhả khói. Khảo sát trong 11.000 học sinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hãng Tân Hoa xã thu được kết quả 33% số học sinh muốn tập hút thuốc sau khi xem diễn viên hút thuốc. |
Từ lâu, điện ảnh được xem là ngành quảng cáo “không công” cho thuốc lá. Hành động hút thuốc lá trên phim ảnh, dùng thuốc lá để diễn tả tâm trạng của nhân vật chẳng khác nào đang quảng cáo “hộ” thương hiệu của các hãng thuốc lá. Không thiếu trong các cảnh quay, diễn viên dùng thuốc để hút với mục đích lột tả tâm trạng, phục vụ cho ý tưởng của đạo diễn cũng như hiệu ứng cho phim. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ còn cho rằng, từ lâu thuốc lá đã là biểu tượng cho những người đàn ông thực thụ, nếu không có thuốc lá, hình tượng nhân vật sẽ trở nên đơn điệu, nó giống như món ăn thiếu gia vị vậy.
Trong khi các cơ quan thông tin truyền thông ra rả truyền đi thông điệp: hút thuốc có hại cho sức khỏe, cấm hút thuốc lá nơi công cộng thì nhiều bộ phim lại tiếp tục mang tới hàng tỷ hình ảnh về khói thuốc nhằm “phục vụ nghệ thuật”. Có đến 85% số diễn viên được hỏi trả lời rằng họ hút thuốc là để thể hiện tính cách nhân vật, 9% cho là theo ngữ cảnh, chỉ có 5% cho rằng do đạo diễn yêu cầu. Đáng lưu ý, trong biểu đồ thống kê tỷ lệ người hút thuốc trong đội ngũ làm phim thì tỷ lệ diễn viên hút thuốc chỉ chiếm 34,1% trong khi con số này ở phía đạo diễn cao hơn nhiều, chiếm đến 72%. Từ thói quen hút thuốc lá của mình mà những nhà biên kịch sân khấu, những nhà đạo diễn điện ảnh thường đưa những cảnh, những chi tiết hút thuốc lá vào sản phẩm và xem như bình thường, nhất là những cảnh nhân vật trầm tư suy nghĩ đều gắn liền với điếu thuốc lá trên tay.
Theo đại diện Tổ chức Y Tế thế giới (WHO), phim ảnh và thời trang là mảnh đất màu mỡ cho các thủ thuật tiếp thị của ngành công nghiệp thuốc lá. Vì thế WHO kêu gọi hai ngành này dừng ngay việc khuyếch trương thuốc lá, đưa các đoạn quảng cáo chống mặt hàng này và đặc biệt nên thi hành một hệ thống phê duyệt phim. Bởi thuốc lá có thể là một đạo cụ hiệu quả và đơn giản, nhưng không phải là đạo cụ duy nhất.
Bắt chước thần tượng hút thuốc
Cũng theo WHO, có tới 75% các em dưới 15 tuổi tiếp xúc với hình ảnh diễn viên chính hút thuốc trên phim có xu hướng muốn thử xem khói thuốc thế nào, và số các em trở thành người hút thuốc nhiều hơn 50% so với những người xem ít phim có khói thuốc hơn. Hình ảnh hút thuốc không cần thiết cho kịch bản phim nhưng lại làm giới trẻ dễ sa vào một hành vi nguy hiểm cho sức khỏe vì nghĩ rằng “thế mới sành điệu”. Một nghiên cứu của Hà Lan và Canada tiến hành nghiên cứu thái độ của giới trẻ trước các bộ phim và các quảng cáo cũng cho thấy, hiện tượng tiêu thụ thuốc lá có liên quan mật thiết đến phim ảnh, thần tượng, ngôi sao nổi tiếng.
Các nhà làm phim đã vô thức đưa vào trong phim những cảnh quay mà không nhận thấy tác hại tiêu cực của nó tới người dân, thanh thiếu niên hay thậm chí là trẻ nhỏ. Đặc biệt là trong bối cảnh các tác phẩm điện ảnh ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng đến lối sống của công chúng, thì việc các diễn viên với điếu thuốc thường trực trên tay sẽ gây ra những tác động không nhỏ đến số người hút thuốc không ngừng tăng lên. Việc lợi dụng quá nhiều phân cảnh hút thuốc, khiến những cảnh quay trở nên nhức mắt bởi dù vô tình hay cố ý thì nó cũng là cổ súy cho việc hút thuốc và quảng cáo cho thuốc lá. Điều nguy hiểm là những bộ phim được xếp vào nhóm phim gia đình - nghĩa là không hạn chế khán giả trẻ em - cũng đầy rẫy các cảnh hút thuốc. Trong khi đó, phần lớn cha mẹ lại chưa nhận thức được tác động nguy hiểm của những hình ảnh này. Thử hỏi, xã hội sẽ ra sao, đại bộ phận giới trẻ sẽ như thế nào khi được định hướng hoặc chỉ đơn giản là ảnh hưởng từ những hình ảnh như thế?
Đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt
Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư quy định hạn chế sử dụng hình ảnh thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu điện ảnh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cần có những quy định cụ thể để xác định đâu là hành vi quảng cáo, cổ súy cho hành vi hút thuốc từ đó có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn. Bên cạnh đó, cần loại bỏ hẳn những hình ảnh về thuốc lá ra khỏi phim ảnh, nhất là phim chiếu cho giới trẻ. Bởi, những bộ phim như thế chỉ mang tới điều hiểm nguy và những hậu quả khó lường về việc quen với hút thuốc lá.
Đặc biệt, chính các nhà làm phim, các đạo diễn cần ý thức được việc hình ảnh bộ phim của mình có thể tạo ấn tượng về mặt thị giác đến mức tác động vào ý thức, hành vi của một bộ phận khán giả. Do đó, cần đưa khuyến cáo ở cuối phim rằng hình ảnh hút thuốc lá trong phim nhằm phục vụ nội dung câu chuyện, không khuyến khích người xem làm theo. Hẳn nghệ sĩ nào cũng hiểu, làm nghệ thuật chắc chắn là để nhằm gửi gắm điều hay, cái đẹp, góp phần giúp người ta hành xử đẹp, sống tốt, từ bất cứ lĩnh vực nào, dù điện ảnh, sân khấu, ca nhạc hay thời trang.
Làn khói thuốc lá rất mỏng manh, nhưng cuộc chiến chống lại tác hại của nó là cuộc chiến quyết liệt và bền bỉ. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của các đơn vị nghệ thuật, nhà hát trong cuộc chiến chống lại tác hại của thuốc lá bằng các tiết mục ca, múa, nhạc, kịch... sẽ giúp tác động đến công chúng rộng rãi hơn.