Củ từ (Phần 2)
Truyện ngắn của TÔ ĐỒNG (Trung Quốc)

28/12/2010 00:00

>> Củ từ (Phần 1)

05-Cu-tu-36210-300.jpg

Họ trở về muộn như thế, chính là bởi vì xếp hàng chụp ảnh ở hiệu ảnh Đông Phong. Đám thiếu nữ chụp ảnh đại đa số là trang điểm, làm điệu làm dáng, lúc họ trở về vẫn bộ dạng như vậy. Thái Tụ mặc chiếc áo sơ mi hoa thêu trên nền vải màu trắng của chị tôi, hai bím tóc dài cuộn lại như đống phân ngựa, đặt trên đỉnh đầu. Tóc của cô ấy bây giờ giống hệt tóc của chị tôi rồi. Có lẽ cũng cố ý không muốn lau sạch dấu son môi được hiệu ảnh cung cấp, môi của Thái Tụ rất đỏ, trông như vừa mới từ sân khấu bước xuống, bộ dạng hơi hưng phấn, hơi e thẹn. Do không hiểu rõ ý nghĩa của ảnh mẫu, tôi nghe thấy cô ấy hỏi đi hỏi lại, có nhiều thiếu nữ chụp ảnh như vậy, hiệu ảnh có làm lẫn lộn ảnh của cô ấy với người khác không, nếu ảnh của cô ấy trả nhầm cho người khác thì làm thế nào đây? Tại sao lại như thế được chứ? Chị tôi bị cô ấy hỏi đến mệt đến chán, trả lời không tránh khỏi cáu kỉnh: “Nói chị bao nhiêu lần rồi, lấy ảnh ai cũng phải xem ảnh mẫu, có ai muốn lấy ảnh của người khác nào? Chị lại không phải là mỹ nhân, người khác lấy ảnh của chị để làm gì nào?”

Tôi buộc phải sống chung một nhà với Thái Tụ năm ngày. Tôi không cho rằng Thái Tụ chất phác như bố tôi nói, cũng không cho rằng cô ấy có tâm kế như mẹ tôi bảo. ấn tượng mà Thái Tụ để lại cho tôi trong thời gian năm ngày ấy cơ hồ như một ẩn số. Nói ví dụ: tôi không biết rõ cô ấy vì sao ngồi bên bàn ăn thì ăn ít như vậy, trái lại nhân lúc trong bếp không có người, lại mở lồng bàn đậy thức ăn. Giống như kẻ cắp, cô ấy ăn vụng củ từ xào thịt, tôi nhìn thấy hai năm rõ mười, cô ấy dùng tay gạt củ từ ra chọn lấy thịt ăn. Cô ấy ăn ngầm thức ăn không có gì là lạ, tôi cũng thường xuyên ăn vụng, nhưng cô ấy ôm lọ đường trắng của nhà tôi vào trong lòng, động tác ăn ngầm đường khiến tôi rất kinh ngạc. Tôi bèn hỏi cô ấy một câu rõ to: “Chị làm gì thế?” Tôi làm cho Thái Tụ run sợ bắn người, lọ đường rơi xuống đất vỡ tan thành một đống thủy tinh vụn, nửa lọ đường vãi tung tóe trắng mặt đất.

Thái Tụ sợ xanh xám mặt, cô ấy đứng ngây người tại chỗ, mãi mới định thần lại, giậm chân thét tôi:

“Tôi làm gì nào? Trong lọ đường có một con ruồi bay vào, tôi bắt nó ra”. Cô ấy trấn tĩnh rất nhanh, quỳ xuống đất, cẩn thận hốt đường trắng vào một cái bát: “Cậu em không thể vu cho chị ăn vụng đường trắng, dứt khoát không được bảo là chị nhé”.

“Ai vu oan chị? Em trông thấy chị ăn vụng rồi”. Tôi đột nhiên coi khinh và căm thù cô gái nông thôn này, một câu nhận xét tàn nhẫn buột ra khỏi miệng: “Người như chị, chỉ đáng lấy một lão bị động kinh mà thôi”.

Thái Tụ không ngờ tôi có thể nói một câu bạc mồm bạc miệng như vậy, cô ấy hoảng sợ trừng mắt nhìn tôi: “Ai dạy em nói câu ấy?” Nhìn thấy trong mắt của cô có một tia sáng phẫn nộ, tôi đoán cô ấy sẽ làm động tác nguy hiểm nào đó, muốn chuồn đi cũng không kịp. Thái Tụ hét lên một tiếng, cô ấy cúi xuống, lao vào ngực tôi như một con dã thú. Tôi mất thăng bằng, ngã phệt đít xuống ang nước nhà mình.

Sau sự kiện lọ đường, tôi không nói chuyện với Thái Tụ nữa. Sau đó, cô ấy chắc là hối hận, có lúc cô ngả đầu vào người tôi, có lúc tôi đi học, cô ấy còn ân cần vuốt phẳng phiu cổ áo cho tôi. Tôi ghét cay ghét đắng bàn tay của cô ấy, bèn hất tay ra. Cô ta làm lành lùi sang một bên, không biết là an ủi tôi hay là tự an ủi bản thân, nói: “Không sao, cậu em ơi, không sao”.

Tôi đương nhiên không sao cả, chỉ có điều mỗi khi đi học qua bảng tin tuyên truyền của nhà trường, nhìn thấy tấm ảnh của Củng Ái Hoa thì bèn nghĩ đến Thái Tụ, hễ nhớ đến Thái Tụ là tôi cảm thấy trong bảng tin tuyên truyền ấy hiện lên hình ảnh một người, đó là một người đàn ông xa lạ, không có lưỡi, sùi bọt mép, thế là bảng tin tuyên truyền bỗng u ám tối sầm lại.

Chị tôi lấy ảnh của chị và Thái Tụ về. Hai người cứ như hoạt động bí mật quan trọng vậy, nấp ở trên gác xem. Tôi nghe thấy hai người ở trên ấy vừa cười vừa đùa, Tấm ảnh làm cho chị tôi thất vọng mãi, chị luôn cảm thấy người chụp ảnh bêu xấu chị. Nhưng tấm ảnh cỡ 3x4 lại làm cho Thái Tụ vô cùng mừng rỡ, không chỉ liên quan đến dung nhan, mà có lẽ còn liên quan đến cuộc đời. Tôi nhìn thấy hôm ấy Thái Tụ từ trên gác đi xuống, gương mặt bánh mật tràn đầy một niềm vui bất ngờ không gì so sánh được. Sau đấy, Thái Tụ mang theo niềm vui đi vào nhà bếp gọt củ từ. Chị tôi ngồi bên cạnh thay than tổ ong vào lò, chị đột nhiên nghĩ đến người đàn ông bị bệnh động kinh, ngoảnh lại hỏi Thái Tụ: “Bệnh động kinh như thế nào? Tại sao lại gọi là bệnh động kinh nhỉ?”

Thái Tụ im lặng hồi lâu, có lẽ là đang mong chờ chị tôi quên đi câu hỏi tổn thương đến người khác và cũng chẳng lợi gì cho mình ấy, song chị tôi chẳng những không có ý bỏ cuộc, mà còn hỏi một câu còn sâu hơn: “Người bị bệnh động kinh có hay đánh người không?” Lần này, Thái Tụ không chút vội vàng đáp: “Không đánh người, vì sao anh ấy lại đánh người chứ? Người ta không đánh anh ấy là tốt quá rồi”. Giọng nói của cô ấy nghe ra vô cùng buốt giá. “Cậu đã thấy người bị bệnh dại chưa? Rất giống như con dê bị bệnh dại ấy, ngã xuống đất, rút gân, chân co quắp, run tay, miệng sều nước dãi trắng”. Thái Tụ nói đến đây bỗng cười gằn một tiếng, sau đó tiếng cười trầm hẳn xuống.

Lát sau, tôi nghe thấy Thái Tụ nói trong nhà bếp: “Thực ra họ đều hồ đồ, mình lấy ai đều không sung sướng gì. Lấy anh ấy, không phải mình khổ, mà cuộc đời của anh ấy càng khổ hơn”. Chị tôi nghe không hiểu ý của cô, vẫn muốn hỏi đến cùng. Thái Tụ cầm mảnh sứ trong tay quăng xuống đất, bưng mặt chạy ra khỏi nhà bếp, chạy lên gác.

Tôi không còn nhớ rõ đó là ngày thứ tư hay ngày thứ năm sau khi Thái Tụ đến ở nhà tôi, chỉ nhớ rằng sẩm tối, cả gia đình tôi và Thái Tụ đang ăn cơm tối, thì cô tôi bàng hoàng chạy đến, vừa đến đã xua tay bảo Thái Tụ: “Đừng ăn nữa! Đừng ăn nữa! Mau lên nấp trên gác đi”.

Nguyên do là Trường Thọ, anh trai của Thái Tụ đến rồi. Rõ ràng là cô tôi chưa được chuẩn bị đối phó với tình huống bất ngờ xảy ra, đầu tóc cô ướt đẫm mồ hôi, cô đẩy Thái Tụ lên cầu thang, bảo chị: “Anh trai cháu làm tôi sợ đến chết, anh ta ngồi ở cổng nhà tôi, mang theo một vỏ bao phân hóa học, bên trong là một cuộn dây thừng đay to tướng, anh ta muốn đến trói người đấy”.

Bố tôi đập bàn nói: “Giữa ban ngày ban mặt mang thừng đến trói người, thế thì còn phép nước gì nữa, lôi hắn đến đồn công an đi”.

Mọi người đều cảm thấy phẫn nộ với chiếc dây thừng ấy, phẫn nộ qua đi rồi lại hốt hoảng. Xét đến cùng là chuyện gia đình nhà người ta, không dễ đối xử với anh ta đâu.

Mẹ tôi nói với cô: “Nó nhận ra số nhà mà đến, hay là đã ngồi ngoài cổng nhà tôi rồi?”

Cô tôi ngoài miệng phủ nhận khả năng ấy, song trong lòng vô cùng lo lắng, trán vã mồ hôi vì cuống, vội lấy khăn bông lau mồ hôi, đột nhiên trong mắt bốc ra ngọn lửa oán hận: “Củng Ái Hoa! Tất cả rắc rối là do mày đấy”. Cô tôi gào lên: “Nó là người tốt, cái gì cũng ôm vào người, thiên hạ đâu có chuyện ngon xơi như vậy, bất kể nó có về nhà hay không, ngày mai tôi sẽ đưa Thái Tụ đến nhà nó. Trường Thọ biết nhà tôi, tôi biết nhà nó”.

Mọi người chưa ai tỏ thái độ. Bố tôi ra hiệu cho cô tôi hạ thấp giọng xuống, không để Thái Tụ ở trên gác nghe thấy. Cô tôi hạ thấp giọng, song do quá oán giận, cô tôi nói: “Không sợ nó nghe thấy, không là người thân, không phải bạn bè, chúng ta đối xử với nó không chê vào đâu được rồi”.

Đường phố Hương Xuân Thụ đương yên lành bỗng dưng nổi gió bão, mẹ tôi bảo tôi ra ngoài cổng xem bên ngoài có người không. Con chó vàng lớn của nhà ông thợ rèn đối diện đang ngồi ở cổng nhà tôi. Tôi nhìn ra phía đông phố, xa xa trông thấy bóng người vây quanh cổng nhà cô tôi. Cũng không biết là hoa mắt hay là quá mẫn cảm, tôi cứ thấy những người đứng ở đấy chỉ trỏ về phía nhà tôi.

Chờ tôi trở lại phòng, cô tôi quyết định, cô phải lập tức di chuyển Thái Tụ ra khỏi nhà tôi. “Mọi người đã thay tôi tiếp đãi cô ấy mấy ngày rồi, không thể lại để liên lụy đến nhà anh chị nữa”. Cô tôi nói: “Người nhà quê chẳng hiểu lý lẽ gì cả, nhỡ anh cô ấy đến gây sự, làm chuyện bất ngờ thì tôi biết nói gì với anh chị nữa”.

Mẹ tôi hỏi: “Bây giờ đưa đến nhà Củng Ái Hoa chứ? Chẳng phải Củng Ái Hoa đã về rồi sao?” Cô tôi nói: “Đêm dài lắm mộng, miệng lưỡi của bà Thiệu Hưng và cô Tiền, tôi cũng không an tâm. Sớm muộn cũng phải đưa đến, chẳng thà bây giờ đưa đến, Củng Ái Hoa không có nhà thì sợ gì nào? Đều là cha mẹ chịu trận thay con cái mà. Tôi không lòng lang dạ sói, mà phải công bằng, nên đến lượt cha mẹ Củng Ái Hoa chứa chấp Thái Tụ chứ”.

Cô đẩy xe đạp của bố tôi ra sân, cô muốn trực tiếp chở Thái Tụ đến nhà Củng Ái Hoa ở ngõ Tiểu Liễu. Cô không đi cũng không được, chỉ có cô biết nhà của Củng Ái Hoa. Mẹ tôi và cô bàn bạc nên đi xe theo đường nào, làm thế nào có thể vòng qua cổng nhà cô, mà vẫn che mắt được thiên hạ. Hai bà nhất trí cho rằng từ nhà máy gia công dầu mỡ xuyên qua ngõ Tiểu Liễu là con đường hợp lý nhất. Để ổn thỏa hơn, mẹ tôi còn lấy ra bộ quần áo lao động màu xanh, chuẩn bị cho Thái Tụ mặc.

Sau đó, tôi nghe thấy cô tôi gọi tên Thái Tụ đang ở trên gác: “Thái Tụ ơi! Thái Tụ ơi! Xuống đi”. Cô tôi nói: “Chúng ta đến nhà Củng Ái Hoa”.

Trên gác không có tiếng đáp. Cô tôi lại gọi với lên gác: “Thái Tụ, Thái Tụ xuống đi! Đến nhà Củng Ái Hoa an toàn nhất, anh cô không tìm thấy cô đâu”.

Thái Tụ im lặng khiến cho mọi người tụm lại ở cầu thang, lo lắng ngẩng nhìn lên. Mẹ tôi nói: “Thái Tụ, không phải chúng ta sợ chuyện gì, mà vì tốt cho cháu, anh cháu mang dây thừng đến, chúng bay làm gì là chuyện anh em ruột thịt, đều là chuyện gia đình, chúng ta xen vào không dễ gì”.

Cô tôi xem ra rất cuống, cô dùng khóa xe đạp gõ gõ vào thang gác: “Thái Tụ, cháu xuống nhanh lên, anh cháu đến ngay đấy, anh ta đến thì cháu cũng chạy không thoát, chúng ta đành phải trơ mắt nhìn anh ta trói cháu đem về quê thôi”.

Cô tôi càng cuống bèn lên tiếng như dỗ dành trẻ con. Cô không chĩa mũi dùi vào Củng Ái Hoa, trái lại thổi phồng những ưu điểm của gia đình Củng Ái Hoa cho Thái Tụ yên tâm: “Nhà Củng Ái Hoa ở trong ngõ nhỏ quanh co, anh cháu tìm không được đâu”. Cô tôi lại nói: “Bên cạnh nhà Củng Ái Hoa lại có đồn công an, cô ấy lại là nhân vật tiên tiến, anh cháu dám đến nhà cô ấy gây náo loạn, thì đồn công an sẽ trói anh ta lại”.

Thái Tụ mặt xanh mày xám xuống khỏi gác. Cũng không biết cô ấy có khóc hay không. Cô cứ cúi mặt xuống, tỏ thái độ nghiêm trang sau khi bị xúc phạm, cũng có thể nói là thái độ nhẹ nhàng sau khi bi thương được gỡ bỏ. Tôi chú ý thấy cằm của cô ấy ươn ướt. Thái Tụ xách túi du lịch tự làm lấy bằng da màu xám, chầm chậm bước xuống, đến bậc cuối cùng của thang gác, tôi nhìn thấy cô ấy đột nhiên quăng túi du lịch, ôm bụng, ngồi bệt xuống bậc cầu thang.

Chị tôi chạy đến dìu cô ấy: “Thái Tụ, chị đau bụng phải không?”

Đầu tiên Thái Tụ gật đầu, sau trông thấy mẹ tôi đã giở bộ quần áo lao động màu xám ra, cô ấy lại lắc đầu, đẩy chị tôi ra, tự đứng lên, như tượng gỗ. Mẹ, cô và chị tôi vội vàng mặc quần áo lao động cho Thái Tụ.

Chị tôi ngắm nghía Thái Tụ: “Thái Tụ, chị đến soi gương đi, chị không giống chị nữa rồi”.

Kiến nghị của chị tôi bị mẹ và cô tôi cùng lên tiếng phản đối: “Con còn bày vẽ chuyện gì nữa, bây giờ là lúc nào mà còn bụng dạ soi gương nữa chứ?”

Thái Tụ mặc quần áo lao động rồi vẫn là Thái Tụ, cô ấy không nói ra, bạn sẽ không biết trong lòng cô ấy đang nghĩ gì đâu. Sau đó Thái Tụ đi theo xe đạp của cô tôi, chúng tôi đi theo họ, mấy người cẩn thận đi ra phố. Nhìn ra phía đông phố, đống người tụ tập ở cổng nhà cô tôi ngày càng nhiều, chứng tỏ nguy cơ bị lộ bí mật càng lớn.
“Đi nhanh lên”. Thái Tụ hình như được mọi người chúng tôi nhấc lên ghế đèo hàng sau xe đạp. Thái Tụ ngồi lên xe đạp, tôi mới biết cô ấy như người mất hồn, ấy là vì tấm ảnh.

“Tấm ảnh”. Cô ấy đột nhiên ngoái đầu lại nói to với chị tôi: “Ảnh của tôi, chị làm thế nào mà gửi cho tôi?”

Tối hôm ấy, Trường Thọ quả nhiên đến cổng nhà tôi. Anh ta gõ cổng, gõ cổng không có người ra mở, anh ta nắm tay đấm vào cổng, vừa đấm cổng vừa gào toáng lên: “Thái Tụ! Mày ra đây, đồ chết tiệt kia”.

Sau đó mẹ tôi ra mở cổng, không phải để cho anh ta vào, mà để bố tôi đi gọi người đến chi viện.

Bố tôi lẳng lặng túm lấy cái vỏ bao tải phân hóa học, liếc nhìn sợi dây thừng bên trong bao tải, cười khẩy một tiếng: “Cậu còn mang dây thừng đến trói người à? Chưa biết sợi dây thừng này cuối cùng sẽ trói ai đây”.

Lúc tôi từ trên giường bò dậy, thì đám người theo bố tôi đã đến. Một đám toàn đàn ông, có ông già, đến làm công tác thuyết phục. Còn có mấy người là bạn của anh họ tôi, một tay anh chị trông như lưu manh người to béo vạm vỡ. Vừa trông thấy đã biết họ đến để làm gì rồi. Tay anh chị kéo Trường Thọ ra khỏi cổng, vừa kéo vừa chửi anh ta: “Mi, một lão nhà quê, đã bán em gái như súc vật, lại còn dám đến đây gây sự à? Loại người như mày, nên mua một miếng đậu phụ mà tự đập đầu chết cho rảnh”.

Trường Thọ thấp người, nhưng lại to khỏe, bị nhấc ra khỏi cổng nhà tôi, rất nhanh lại ngoan cố xông trở lại: “Thái Tụ, Thái Tụ, con chết tiệt ra đây cho tao”.

Anh ta bị đè nghiến xuống đất, song một tay cố bám lấy cánh cổng nhà tôi, muốn toài vào bên trong, không đếm xỉa đến sự chửi bới lăng nhục của người khác, cũng không phản bác, chỉ một mực réo tên của em gái. Ánh đèn nhập nhoạng buổi hoàng hôn chiếu vào mặt anh ta, có thể nhận ra anh ta rất giống Thái Tụ, mặt vuông, mũi tẹt, mắt lại rất sáng.

VŨ PHONG TẠO dịch

(Số sau đăng hết)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Củ từ (Phần 2)<BR><I>Truyện ngắn của TÔ ĐỒNG (Trung Quốc)</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO