Dự Hội nghị có các ĐBQH: Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hoàng Thị Thu Hiền.
Dự Hội nghị còn có: Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Hoàng Mai Lê Trường Giang; Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Đàm Hữu Hồng; Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Hữu An...
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền đã thông báo đến cử tri thị xã Hoàng Mai về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 21.10 tới. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025...
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 Điều quy định về những nội dung cơ bản: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo… sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Hội nghị cũng đã thông tin một số hoạt động cơ bản, nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An từ sau Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đến nay. Cụ thể, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH chủ động, tích cực tham gia các hội nghị, Hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; các hội nghị, hội thảo do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thẩm tra, góp ý các dự án luật; tham gia Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật. Đồng thời, Đoàn ĐBQH cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia ở địa phương để đóng góp cho các dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới đây.
Về công tác giám sát, khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện tốt hoạt động giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Ủy ban của Quốc hội; thực hiện giám sát, khảo sát những vấn đề được cử tri, Nhân dân quan tâm theo chương trình, kế hoạch của Đoàn đã đề ra… Đoàn ĐBQH cũng tạo điều kiện để các ĐBQH tham gia cùng các Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Quốc hội mà đại biểu là thành viên; thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức… Đoàn cũng làm tốt công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư; công tác TXCT trên địa bàn…
Phát biểu tại Hội nghị, các cử tri phản ánh: Trong Chương trình GDPT 2018, ở bậc học THCS có một số môn học mới như Lịch sử - Địa lý, khoa học tự nhiên, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục địa phương... Sau gần 4 năm triển khai, các cơ sở giáo dục vẫn còn khó khăn, lúng túng vì chưa có đội ngũ nhà giáo đáp ứng được yêu cầu dạy các môn học này. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các địa phương có cơ chế chi trả 100% kinh phí bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới ở cấp THCS, đồng thời tạo điều kiện bố trí thời gian bồi dưỡng giáo viên vào dịp nghỉ hè.
Cử tri cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ bố trí vị trí việc làm cho nhân viên y tế trường học; có chế độ hỗ trợ cho cán bộ quản lý trường học kiêm nhiệm công tác xây dựng Đảng; định mức tiết dạy giáo viên THCS và THPT ngang nhau (17 tiết/tuần) để bảo đảm công bằng cho giáo viên các cấp; chính sách BHYT cho học sinh nên được mua theo hộ gia đình để tạo thuận lợi cho các bậc phụ huynh…
Trước thực trạng, giáo viên còn thiếu, cử tri đề nghị cần xem xét việc tinh giản biên chế đối với giáo viên ở thời điểm hiện nay, bởi nhiều trường học hiện nay chưa đáp ứng đủ số giáo viên/lớp theo quy định.
Cũng tại Hội nghị, nhiều cử tri cho rằng: cần quy định cụ thể chứng chỉ hành nghề nhà giáo được cấp vào thời gian nào, cơ quan, đơn vị nào được phép cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo… Bên cạnh đó, tại điểm c, khoản 5, Điều 11 quy định "Quyền nhà giáo" nên cho phép giáo viên được quyền từ chối thực hiện công việc không đúng với vị trí việc làm mà sức khỏe không thể đáp ứng, hoặc khi thực hiện công việc đó thì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe… Cùng với đó, đề nghị điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho giáo viên Tiểu học được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi (đối với nữ) và 60 tuổi (đối với nam) tại Khoản 1, Điều 48 quy định “Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo”.
Thay mặt ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung đã trả lời những nội dung thuộc thẩm quyền; đồng thời tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến Chính phủ, Quốc hội và các cấp, ngành liên quan xem xét, giải quyết.
+ Tại Hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và Liên đoàn Lao động tỉnh đã tặng 20 suất quà cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Hoàng Mai.