Cụ thể trách nhiệm đầu tư, cơ chế khởi kiện
Thảo luận tại Tổ 3, chiều 21/5, các ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Thuận đề nghị: cần tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan đến các dự án cao tốc lớn, cơ chế khởi kiện của Viện kiểm sát và chính sách giảm thuế GTGT.
Nhiều bất cập trong triển khai các dự án cao tốc
Góp ý đối với Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1), đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng: quá trình nghiên cứu khả thi và triển khai tổ chức thực hiện các dự án hiện nay thường có nhiều thay đổi. Đặc biệt là tổng mức đầu tư tăng, quy mô mở rộng, yêu cầu kỹ thuật bổ sung, dẫn đến việc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì, Chính phủ cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố này. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách, các nội dung như quy mô, phạm vi, tổng mức đầu tư đã được nêu, nhưng cần làm rõ thêm các chỉ tiêu dẫn tới việc điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong đó, cần chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Liên quan đến hướng tuyến, đại biểu nêu rõ: mặc dù dự án đã xác định sơ bộ hướng tuyến, nhưng nội dung này có ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, đối với dự án Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ để tránh phải điều chỉnh sau này.
Đối với Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra số 403 của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Tuy nhiên, về phạm vi, quy mô và phương án thiết kế sơ bộ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: đây là dự án có điều kiện địa hình – địa chất phức tạp, đặc biệt là khu vực đèo Mang Yang và An Khê có độ chênh lệch rất lớn, khoảng 400–500m. Trong dự án có nhiều trụ cầu cao tới 100m, ba hầm lớn với tổng chiều dài khoảng 5km. “Việt Nam hiện chưa có công trình cầu nào có độ cao tương đương, cần đánh giá kỹ để tránh phải điều chỉnh quy mô, thiết kế trong quá trình triển khai”, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị làm rõ năng lực tổ chức thực hiện nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư. Thực tế cho thấy, nhiều dự án khi giao cho địa phương đã gặp khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ và không đạt yêu cầu. Ví dụ như các dự án Tuyên Quang – Hà Giang, Biên Hòa – Vũng Tàu, Cần Thơ – Sóc Trăng…
Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ quy định tại Điều 3 của dự thảo, trong đó giao HĐND cấp tỉnh xác định số liệu để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng… “Nội dung này không thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, chưa đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, vì vậy đồng tình với ý kiến trong báo cáo thẩm tra đề nghị bỏ nội dung này”, đại biểu nhấn mạnh.
Cân nhắc kỹ cơ chế Viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, đại biểu Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) chia sẻ thực tế từ tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, địa phương đã từng ban hành quyết định ủy quyền cho một cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền khởi kiện đối với một tổ chức, nhằm xử lý một vụ việc tồn tại kéo dài – một quyết định chưa có tiền lệ, và phải mất gần một năm cân nhắc, chuẩn bị điều kiện cần thiết.
Đại biểu cũng lưu ý: “Hiện, chưa có cơ quan nhà nước nào trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp hoặc cá nhân, nên việc triển khai thí điểm này chắc chắn sẽ gặp những phản ứng xã hội nhất định. Vì vậy, cần đánh giá thật kỹ tính pháp lý, cơ sở thực tiễn, đồng thời có hướng dẫn rõ ràng trong nghị quyết để tránh bị lúng túng khi thực hiện”.
Về trách nhiệm thụ lý vụ án, Điều 15 Dự thảo Nghị quyết quy định tòa án có trách nhiệm thụ lý vụ án do Viện kiểm sát khởi kiện. Trong trường hợp cần làm rõ nội dung, tòa án sẽ yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) băn khoăn với quy định tại Điều 17 liên quan đến quyền và nhiệm vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Khoản 1 quy định: Viện trưởng phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử sẽ hoãn phiên tòa.

Theo đại biểu, cần rà soát lại quy định này. Bởi lẽ, trong các vụ án dân sự thông thường giữa nguyên đơn, bị đơn là cá nhân hoặc tổ chức, nếu một bên vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc vắng mặt nhiều lần thì tòa án vẫn có thể xét xử vắng mặt theo quy định pháp luật. Quy định như dự thảo hiện nay, thì dù lý do vắng mặt là gì cũng buộc phải hoãn phiên tòa, điều này có thể dẫn đến những vướng mắc trong thực tiễn xét xử.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, cân nhắc kỹ các quy định liên quan đến quyền khởi kiện của Viện kiểm sát và việc Viện kiểm sát thực hiện quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn trong vụ án dân sự… Đồng thời, các quy định cần bảo đảm sự tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, để khi áp dụng vào thực tiễn không phát sinh khó khăn, vướng mắc.
Kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) cũng bày tỏ sự đồng tình cao với các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội; đồng thời, góp ý cụ thể về một số nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế – xã hội và quyền lợi của người dân.
.jpg)
Cụ thể, về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), đại biểu Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) cho biết: từ năm 2022 đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến nội dung này như Nghị quyết 43/2022, 110/2023, 142/2024 và gần đây nhất là Nghị quyết 174 (có hiệu lực từ ngày 1.1 đến 30.6.2025). Dự thảo nghị quyết mới tiếp tục đề xuất kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm 2% thuế GTGT đến hết ngày 31.12.2026 – dài hơn so với các lần trước.
Đại biểu cũng đánh giá cao báo cáo thẩm tra và tờ trình của Chính phủ khi đã phân tích khá đầy đủ tác động tích cực của chính sách này trong thời gian qua, bao gồm cả 6 tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần đánh giá riêng về hiệu ứng của chính sách đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ – lực lượng chiếm đa số trong cơ cấu doanh nghiệp hiện nay.
Lấy ví dụ tại địa phương, đại biểu Trần Quốc Nam cho biết: “Tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó hơn 2/3 là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Đây là nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế GTGT. Việc tiếp tục giảm 2% thuế là cần thiết và có thể tạo ra tác động lan tỏa rõ rệt, góp phần vực dậy khu vực doanh nghiệp địa phương”, đại biểu nhấn mạnh.