dbqh3-1-.jpg
Chính trị

Cụ thể tiêu chí, điều kiện thành lập “Tòa án phá sản” và “Tòa án sở hữu trí tuệ”

Đào Cảnh 08/05/2025 19:03

Thảo luận tại tổ chiều 8/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các ĐBQH Tổ 18 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tiền Giang) cho rằng dự thảo luật cần quy định rõ hơn tiêu chí, điều kiện thành lập Tòa án phá sản, Tòa án sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực để có cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện

dbqh1.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 18. Ảnh: Đào Cảnh

Thảo luận tại tổ 18, các ĐBQH tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Dự thảo luật đã tập trung các quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND và các vấn đề liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của TAND theo mô hình tổ chức TAND 3 cấp (Trung ương, cấp tỉnh và khu vực) để thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phù hợp với chủ trương thực hiện mô hình địa phương 2 cấp, không tổ chức cấp huyện. Tuy nhiên, theo các đại biểu, để TAND 3 cấp bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cái cách tư pháp trong tình hình mới, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc một số nội dung liên quan đến điều kiện thành lập, cơ cấu, tổ chức bộ máy và thẩm quyền của các Tòa án nhân dân khu vực.

dbqh2-1-.jpg
ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đào Cảnh

Theo ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), Khoản 13, Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 60 về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực theo hướng bổ sung quy định tại một số Tòa án nhân dân khu vực thành lập Tòa án phá sản, Tòa án sở hữu trí tuệ và phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các tòa án chuyên trách này do UBTVQH quy định, ban soạn thảo cần bổ sung làm rõ tiêu chí, điều kiện thành lập Tòa án phá sản, Tòa án sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực, để có cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, so với luật hiện hành quy định hệ thống Tòa án có các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, phá sản, hành chính thì mô hình tổ chức Tòa án mới như đề xuất không tổ chức các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt như một số cấp Tòa án. ĐBQH Nguyễn Minh Sơn đặt câu hỏi: “Cơ cấu tổ chức như vậy liệu có đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với việc giải quyết các vụ việc khó, phức tạp, nhất là đối với các vụ việc phá sản cần phải giải quyết mối quan hệ của DN, HTX bị yêu cầu tuyên bố phá sản?”.

dbqh3-1-.jpg
ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đào Cảnh

Góp ý vào dự thảo Luật này, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đồng tình với việc tổ chức mô hình tòa án 3 cấp: TAND tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực. Tuy nhiên, đại biểu Hoàn băn khoăn: “Hiện tại trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương có quy định rất rõ là trong trường hợp luật không cấm phân cấp, ủy quyền thì các cơ quan được phép phân cấp, ủy quyền. Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần này đã giao thẩm quyền cho Tòa án nhân dân khu vực xét xử sơ thẩm với tất cả các vụ án dân sự, kinh tế, lao động,…. Nhưng đối với vấn đề hình sự thì chỉ giao cấp xét xử những vụ án đến 20 năm tù. Vì sao lại như vậy?”

ĐBQH Lê Thanh Hoàn nêu thực tế: Theo dự thảo luật, các vụ việc phức tạp từ phá sản, vụ án kinh tế, tranh chấp vài chục nghìn tỷ vẫn có thể giao cho tòa án khu vực nhưng chúng ta lại có vẻ không tin tưởng tòa án khu vực trong vấn đề hình sự. Chúng ta phải thực sự làm cuộc cách mạng vì trong Luật Tổ chức Tòa án lại không có quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền. Trong khi đó, chúng ta đang tiến tới phân cấp, phân quyền mạnh cho cấp dưới để bảo đảm thuận tiện cho người dân thì nên tin tưởng tòa khu vực. Nếu cảm thấy băn khoăn nên mở rộng phạm vi liên quan đến xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm để bảo đảm TAND tối cao thực sự là cơ quan hướng dẫn xét xử, tổng kết án, làm án lệ…”.

dbqh4-1-.jpg
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đào Cảnh

Tại thảo luận tổ, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn, cho rằng nếu quy định “khung cứng” về tổ chức Tòa án nhân dân khu vực bao gồm các tòa chuyên trách, hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, gia đình và người chưa thành niên thì liệu có phù hợp với tất cả các tòa khu vực không? Vấn đề nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu bố trí tại các Tòa chuyên trách này như thế nào?

dbqh5-1-.jpg
ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đào Cảnh

Về vấn đề này ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu thực tế: Hiện nay, có nhiều Tòa án không thường xuyên giải quyết những vụ án về kinh tế, hành chính, đặc biệt là các tòa án ở khu vực miền núi. Nếu quy định một bộ khung cứng về cơ cấu tổ chức như vậy thì mặc định rằng tất cả các toà án khu vực đều phải thành lập đủ các loại tòa chuyên trách được quy định trong luật. Theo đó là việc bố trí các Chánh án, thẩm phán, thư ký hiện nay đang rất thiếu. Đại biểu đề nghị cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để quy định việc thành lập các tòa chuyên trách, có thể dựa vào số lượng phần trăm các vụ án ít hay nhiều để có cơ sở quyết định thành lập hay không?.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cụ thể tiêu chí, điều kiện thành lập “Tòa án phá sản” và “Tòa án sở hữu trí tuệ”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO