Cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược, xuyên suốt toàn khóa

- Thứ Ba, 31/08/2021, 08:02 - Chia sẻ
TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Với tầm nhìn chiến lược, xuyên suốt toàn khóa, trong Bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được đăng trên Báo Đại biểu Nhân dân đúng vào ngày Khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ 6 yêu cầu và 8 nhiệm vụ (lĩnh vực) cần tập trung trong hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV. Việc nghiên cứu quán triệt 6 yêu cầu và 8 nhiệm vụ (lĩnh vực) này chính là trọng tâm chỉ đạo thực thi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trên phương diện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5 nguyên tắc pháp quyền

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, “Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước... trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền...”. Vậy các nguyên tắc pháp quyền là gì, vai trò của nó ra sao, cần được hiểu thống nhất để thực thi cho đúng. Theo các nhà khoa học pháp lý thì có thể có cách diễn đạt, cách phân chia khác nhau, nhưng nội dung cốt lõi của các nguyên tắc pháp quyền ở nước ta có sự thống nhất(1). Cụ thể là:

Nguyên tắc thứ nhất, pháp luật phải đúng đắn, rõ ràng, công khai, ổn định và được áp dụng chung cho toàn xã hội, thể hiện các giá trị xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ dưới sự lãnh đạo nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền từ phương diện hình thức của pháp luật và là yếu tố đầu tiên cấu thành pháp quyền trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Nguyên tắc thứ hai, quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực của Nhà nước được tổ chức và thực hiện trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và bị kiểm soát, bị ràng buộc bởi Hiến pháp và pháp luật. Đây là yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền về nội dung trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta. Bởi vì đây là yếu tố thể hiện chủ quyền tối cao thuộc về Nhân dân. Quyền lực chính trị của Đảng (với vai trò lãnh đạo) và quyền lực của Nhà nước (với vai trò quản lý) đều có nguồn gốc, ra đời, tồn tại và phát triển từ quyền lực của nhân dân (với vai trò làm chủ). Do đó, hai quyền lực này bị giới hạn bởi quyền lực của nhân dân.

Nguyên tắc thứ ba, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là một trong những nội dung cơ bản của nguyên tắc pháp quyền không chỉ ở nước ta mà còn được hầu hết các nước dân chủ và pháp quyền trên thế giới thừa nhận. Trong Nhà nước pháp quyền không cho phép bất kỳ ai, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đứng trên pháp luật, ngoài vòng pháp luật.

Nguyên tắc thứ tư, pháp luật phải được mọi người tôn trọng, bảo vệ và thực hiện trong mọi hoạt động của Nhà nước cũng như của toàn xã hội bằng công tác tổ chức thi hành pháp luật. Chúng ta đều biết, xây dựng được một hệ thống pháp luật đúng đắn, có chất lượng, khả thi cao đã khó, song đưa pháp luật vào cuộc sống và duy trì được hiệu lực hiệu quả của pháp luật còn khó hơn nhiều.

Nguyên tắc thứ năm, khi thực hiện quyền tư pháp, phải bảo đảm tòa án xét xử độc lập, bảo vệ công lý, công bằng, bảo vệ nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân... Bảo đảm quyền tư pháp xét xử độc lập là một yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trước hết và chủ yếu là thẩm phán, hội thẩm khi xét xử phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Vì có độc lập thì người xét xử mới đưa ra được những tài phán vô tư vì công lý, công bằng, vì quyền con người, quyền công dân.

Tất cả các nguyên tắc pháp quyền nói trên có quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, tạo thành một tổng thể thống nhất cấu thành pháp quyền ở nước ta. Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, các nguyên tắc pháp quyền có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là tư tưởng chủ đạo trong quản trị quốc gia; là tiêu chí để đánh giá trình độ pháp quyền trong việc quản lý nhà nước của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; và là tư tưởng chủ đạo trong quan hệ quốc tế trong điều kiện ngày càng hội nhập sâu rộng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, ngày 27.7
Ảnh: Lâm Hiển

Định hướng lập pháp đúng đắn, kịp thời

Soi chiếu vào các nguyên tắc pháp quyền nêu trên cho thấy, 6 yêu cầu và 8 định hướng (lĩnh vực) mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập trong Bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đều đã thể hiện rõ nét các nguyên tắc pháp quyền.

Có thể dẫn ra yêu cầu thứ sáu được nêu trong Bài viết: “hoạt động lập pháp phải bảo đảm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Yêu cầu này phù hợp với nguyên tắc pháp quyền thứ nhất (pháp luật phải đúng đắn, rõ ràng... dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam). Điều cần nói thêm là, Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ thể đầu tiên và quan trọng nhất trong việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền. Theo “nguyên tắc nêu gương” của Đảng thì các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng hơn ai hết phải thượng tôn pháp luật trong việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền.

Hay yêu cầu thứ hai, “hoạt động pháp luật phải bảo đảm việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền tự do của công dân...” và lĩnh vực thứ ba, “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân”. Hai vấn đề này tương đồng với nguyên tắc pháp quyền thứ ba, các quyền con người, quyền công dân... được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm...”.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà hoạt động xã hội và môi trường rất tâm đắc với định hướng (lĩnh vực) thứ tư được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu trong Bài viết “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường” với định hướng, “giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội với bảo vệ môi trường”.

Chúng ta biết rằng, đối với các vấn đề xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã nêu lên, hình thành quan điểm và xử lý trong thực tế từ Đại hội lần thứ VII của Đảng (1991) đến nay vừa tròn 30 năm mới “tương đối yên lòng” cả về quan điểm, lý luận và các phương pháp, phương án xử lý trong thực tế như vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (2).

Vấn đề môi trường sống (gồm cả môi trường đất, môi trường nước và môi trường khí) ở nước ta hiện nay vẫn đang là vấn đề cực kỳ bức xúc, cấp bách. Chúng ta cũng kiên quyết, không bao giờ đánh đổi môi trường sống lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Như vậy, hoạt động lập pháp phải “xắn tay” vào để góp phần giải quyết với thời gian ngắn hơn thời hạn giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội. Trong đó một loạt các luật như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Khai thác khoáng sản... phải sớm được hoàn thiện với chất lượng, tính khả thi cao nhất. Có thể nói, đó là “mệnh lệnh của cuộc sống”. Bởi vậy, định hướng chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là đúng đắn, kịp thời như là một tất yếu trước cuộc sống hôm nay...

__________

(1) Xem: Các nguyên tắc pháp quyền và việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. GS.TS Trần Ngọc Đường, Tạp chí Cộng sản số 953 (11.2020).

(2) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nguyễn Phú Trọng, Tạp chí Cộng sản số 966 (5.2021).

 TS. Bùi Ngọc Thanh