Cụ thể hóa chính sách ưu tiên để tạo đột phá cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự đồng tình cao, đồng thời kiến nghị một số giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả khi triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ HỒ ĐỨC PHỚC (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định): Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển
Khi đất nước phát triển thì người được thụ hưởng thành quả đấy phải là Nhân dân. Đặc biệt, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Vì thế, đề xuất miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, về mặt chủ trương, chúng ta đều rất ủng hộ. Vấn đề cần thảo luận là mức hỗ trợ học phí cho học sinh các trường công lập và trường tư thục, dân lập như thế nào? Theo tôi, nên bằng nhau. Tất nhiên, các trường tư thục và dân lập sẽ thu học phí cao hơn. Hỗ trợ của Nhà nước chỉ là một phần; phần chênh lệch còn lại, gia đình học sinh chi trả.

Ngoài học phí, thời gian tới chúng ta sẽ nghiên cứu có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa cho hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là giáo dục phổ thông, như hỗ trợ sách giáo khoa, kết nối internet tại tất cả các trường học... Đặc biệt, tăng mức hỗ trợ chi phí học tập cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đối với các tỉnh miền núi, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường dân tộc nội trú hiện đại, các cụm, điểm trường, có cả nhà ở cho giáo viên và học sinh… Có như thế mới thu hút được giáo viên từ miền xuôi lên và học sinh vùng sâu, vùng xa đến học. Về kinh phí thực hiện, có thể một phần Nhà nước hỗ trợ và một phần xã hội hóa.
Như vậy, trước mắt là chúng ta miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, sau đó tiếp tục nghiên cứu những chính sách khác để hỗ trợ một cách toàn diện cho giáo dục, vừa đáp ứng yêu cầu hiện tại vừa hướng tới tương lai và trở thành một nền giáo dục hiện đại.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc TRẦN THỊ HOA RY (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu): Cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non vùng DTTS, miền núi
Tôi rất vui khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đây là chính sách mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ hội rất tốt để 100% con em họ trong độ tuổi mầm non, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được đến trường.

Nghị quyết đã có riêng cam kết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi qua nội dung “ưu tiên phát triển giáo dục mầm non vùng DTTS, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”, giao Chính phủ có chính sách cụ thể. Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu thể hiện sự ưu tiên cụ thể hơn đối với chính sách này.
Thứ nhất, hỗ trợ toàn bộ bữa ăn sáng, ăn trưa, bảo đảm dinh dưỡng tối thiểu theo độ tuổi. Thứ hai, có giải pháp, lộ trình từ nay đến năm 2030 xóa toàn bộ phòng học tạm; bảo đảm đủ cơ sở vật chất, đồ dùng học tập tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ ba, nâng phụ cấp thu hút, chế độ đặc biệt đãi ngộ đối với giáo viên mầm non công tác ở vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ nhà, nhà công vụ, có thể đất ở tại chỗ làm việc. Đi kèm với đó là các điều kiện, tiêu chuẩn đặc thù khi tuyển dụng, lựa chọn chọn giáo viên mầm non về công tác ở vùng này, trong đó phải thông thạo tiếng dân tộc, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của vùng, địa bàn nơi đến làm việc. Đồng thời có lộ trình, giải pháp đào tạo giáo viên mầm non là người DTTS tại chỗ.
Thứ tư, biên soạn riêng chương trình, giáo cụ… mầm non song ngữ (đối với những dân tộc có chữ viết). Trong đó hình ảnh chân thực, gần gũi với văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào.
Thứ năm, phải có cơ chế đặc biệt để xã hội hóa giáo dục mầm non ở vùng DTTS và miền núi. Trong đó hỗ trợ đất, hạ tầng, thuế… để khuyến khích các doanh nghiệp mở cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang LÝ THỊ LAN: Nếu Trung ương không hỗ trợ, địa phương chưa cân đối được ngân sách sẽ khó triển khai hiệu quả
Chính sách miễn, hỗ trợ học phí được thực hiện từ năm học 2025 - 2026 là một quyết sách mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ cam kết của Nhà nước bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, học sinh, bất kể vùng miền hay điều kiện kinh tế.

Điểm mới được đánh giá cao là việc mở rộng diện thụ hưởng, bao gồm toàn bộ trẻ mầm non từ 3 đến dưới 5 tuổi, người học tại các cơ sở giáo dục phổ thông cả công lập và ngoài công lập, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, cần xem xét mức hỗ trợ học phí cho khối ngoài công lập bằng mức hỗ trợ đối với học sinh công lập, thể hiện sự công bằng và khuyến khích xã hội hóa giáo dục.
Tôi cũng đồng tình cao về cơ chế hỗ trợ ngân sách từ Trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách. Mặc dù Luật Ngân sách nhà nước quy định các địa phương phải bố trí tối thiểu 20% chi ngân sách cho giáo dục, nhưng với các tỉnh như Hà Giang, ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào Trung ương, thì phần lớn chỉ đủ cho chi thường xuyên, lương và phụ cấp. Nếu không có sự hỗ trợ về nguồn lực từ Trung ương, sẽ rất khó để các địa phương khó khăn triển khai hiệu quả chính sách, đặc biệt trong các nội dung về phổ cập giáo dục mầm non và thực hiện miễn, hỗ trợ học phí.
Đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế bố trí ngân sách cho địa phương chưa cân đối được thu - chi, thực hiện thống nhất chính sách ngay từ đầu năm học 2025 - 2026.