Ý kiến đại biểu

Cụ thể hóa chính sách thu hút người có tài năng trong cơ quan nhà nước

Hải Yến 09/05/2025 12:53

Tại Điều 6 của Luật Cán bộ, Công chức hiện hành đã quy định về chính sách thu hút người có tài năng trong cơ quan nhà nước, song việc thực hiện chưa thực sự phát huy hiệu quả. Phát biểu tại tổ về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) đề nghị dự án Luật cần thể hiện rõ quan điểm mang tính định lượng hơn với chính sách quan trọng này.

ĐBQH Phạm Thuý Chinh, Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hà Giang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội
ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Cán bộ, công chức

Theo đại biểu Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, để thu hút và sử dụng người có tài năng trong cơ quan nhà nước, pháp luật cần quy định cụ thể, rõ ràng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng thời bảo đảm tính minh bạch, công bằng và khuyến khích sự cống hiến lâu dài của người có tài năng. Quy định như dự thảo Luật sẽ khó có tính khả thi, vì rất chung chung.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị, chính sách thu hút người tài năng cần thể hiện rõ 5 điểm sau:

Thứ nhất, cơ chế tuyển dụng đặc cách hoặc linh hoạt, trong đó quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình tuyển dụng đặc cách đối với người có tài năng đặc biệt (ví dụ: có công trình nghiên cứu, đạt giải quốc tế, có kinh nghiệm thực tế xuất sắc…) và cho phép linh hoạt trong hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc “chiêu tài” theo đề án cụ thể.

Thứ hai, cơ chế đãi ngộ đặc biệt như: cho phép cơ quan nhà nước có thể trả lương, thưởng và chế độ phúc lợi cao hơn mặt bằng chung; cần bảo đảm người có tài năng được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có điều kiện phát triển chuyên môn và cống hiến.

Thứ ba, cơ chế đánh giá, sử dụng và trọng dụng người tài, bao gồm xây dựng hệ thống đánh giá năng lực, kết quả làm việc một cách minh bạch, định lượng được để phân biệt và trọng dụng người tài; trao quyền tự chủ trong chuyên môn, nghiên cứu, hoạch định chính sách ở những lĩnh vực phù hợp với năng lực của họ.

Thứ tư, sự công bằng và chống "chạy chọt" với những quy định cụ thể về công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng để tránh nạn “con ông cháu cha”, chạy chức, chạy quyền; có cơ chế giám sát độc lập và xử lý nghiêm các sai phạm.

Thứ năm, khuyến khích và bảo vệ đổi mới, sáng tạo. Luật cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện cho công chức tài năng thử nghiệm ý tưởng mới và bảo vệ họ khỏi các rủi ro hành chính nếu thất bại trong khuôn khổ cho phép.

Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc “mở cửa” hệ thống công vụ đón nhận người giỏi

Để thực sự tuyển được người giỏi, đại biểu Phạm Thúy Chính đề nghị, Luật cần thiết kế theo hướng phân định rõ và có chính sách riêng với các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, người có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, quản lý, pháp luật, kinh tế, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác phù hợp với yêu cầu phát triển được Nhà nước ưu tiên thu hút, tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng trong cơ quan nhà nước.

Chính phủ quy định tiêu chí nhận diện người có tài năng; quy trình, thủ tục xét tuyển, tuyển dụng đặc cách, bố trí công tác và chính sách đãi ngộ phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn về: mức lương và thu nhập vượt khung lương thông thường; cơ hội đào tạo, phát triển chuyên môn trong và ngoài nước; môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, có tính tự chủ cao; cơ chế đánh giá kết quả công việc riêng, gắn với sản phẩm và đóng góp thực tế; cơ chế bảo vệ và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Còn về tuyển dụng người tài năng tại mục II Chương IV dự thảo Luật, để chính sách thu hút người tài thực sự khả thi và có tính pháp lý rõ ràng, theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, phương thức tuyển dụng là yếu tố rất then chốt và cần được quy định ngay trong Luật Cán bộ, công chức, chứ không chỉ trong Nghị định hay Thông tư hướng dẫn.

"Tôi đề nghị bổ sung một điều tại mục II Chương IV về tuyển dụng người có tài năng", đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị.

Cụ thể, việc tuyển chọn, sử dụng và bổ nhiệm người tài năng phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, có giám sát và đánh giá độc lập. Cùng với đó, người có tài năng theo quy định tại Điều 5 được xét tuyển đặc cách vào làm công chức nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện là có thành tích, năng lực xuất sắc được công nhận ở cấp quốc gia hoặc quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển; có đạo đức nghề nghiệp tốt, không vi phạm pháp luật; tự nguyện cống hiến và cam kết làm việc trong cơ quan nhà nước trong thời hạn tối thiểu theo quy định.

Theo đó, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, phương thức tuyển dụng người tài có thể bao gồm một hoặc kết hợp các hình thức như xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển; tuyển chọn thông qua hội đồng thẩm định chuyên môn cấp Bộ/cấp tỉnh; mời gọi, đề cử theo các chương trình phát hiện và thu hút nhân tài; ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia giỏi, sau đó xem xét bổ nhiệm theo quy định.

Chính phủ cần quy định chi tiết quy trình, tiêu chuẩn, hội đồng xét tuyển và cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm minh bạch, công bằng trong tuyển dụng người tài. Việc tuyển dụng đặc cách người tài không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu, cơ cấu biên chế của đơn vị nếu có đề án, kế hoạch sử dụng công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với quy định trên sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc “mở cửa” hệ thống công vụ đón nhận người giỏi, đồng thời tránh bị lạm dụng vì đã có các tiêu chí chặt chẽ và giám sát từ hội đồng chuyên môn, đại biểu Phạm Thúy Chinh nêu rõ.

Đánh giá công chức, viên chức bảo đảm thực chất, công bằng, minh bạch

Việc đánh giá công chức tài năng cần dựa trên kết quả, sản phẩm đầu ra, chứ không chỉ hình thức hoặc dựa trên cảm tính, thâm niên. Nội dung này cũng cần được quy định trong Luật.

Nhấn mạnh quan điểm nêu trên, đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị bổ sung một điều quy định về nội dung này tại mục IV Chương IV của dự thảo Luật. "Đây là điểm cực kỳ quan trọng trong cải cách công vụ, nhằm tránh tình trạng người tài bị “chấm điểm” như người bình thường, hoặc bị “ép” vào khuôn mẫu hành chính vốn không phản ánh đúng bản chất công việc chuyên sâu, sáng tạo", đại biểu Phạm Thúy Chinh nói.

Cụ thể, đối với công chức được cho là người có tài năng, việc đánh giá phải căn cứ chủ yếu vào: Kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với đổi mới, sáng tạo hoặc hiệu quả thực tiễn; sản phẩm cụ thể hoặc đóng góp nổi bật được công nhận bởi cơ quan, tổ chức chuyên môn có thẩm quyền; mức độ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của cơ quan, đơn vị hoặc lĩnh vực công tác; ý kiến phản hồi từ tổ chức, cá nhân hưởng thụ kết quả công việc hoặc tham gia giám sát.

Bên cạnh đó, việc đánh giá công chức có tài năng không áp dụng máy móc các tiêu chí chung, không rập khuôn theo biểu mẫu cứng, mà phải có cơ chế đánh giá linh hoạt, định lượng được và có tham gia của hội đồng chuyên môn độc lập.

Đối với kết quả đánh giá là căn cứ để sử dụng, trọng dụng, khen thưởng hoặc chấm dứt sử dụng đối với người không hoàn thành nhiệm vụ, không phân biệt người có tài năng hay không, công chức có tài năng được đánh giá lại nếu có khiếu nại về kết quả đánh giá.

Theo đó, Chính phủ cần quy định cụ thể về tiêu chí, phương pháp, quy trình đánh giá công chức tài năng và thành phần hội đồng đánh giá phù hợp với từng nhóm lĩnh vực chuyên môn, đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cụ thể hóa chính sách thu hút người có tài năng trong cơ quan nhà nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO