Cụ thể hóa các “trụ cột”của hệ thống giáo dục
Hai giá trị cốt lõi nhất trong Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được các ĐBQH chỉ ra là, xây dựng một nền giáo dục mở và phát huy phẩm chất năng lực người học. Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng phải bám theo hai “trục”này. Tuy nhiên, với dự luật trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, việc cụ thể các giá trị cốt lõi này vẫn bị “mắc”, tư duy và cách thức tiếp cận của Ban soạn thảo vẫn chưa theo kịp với yêu cầu của Nghị quyết 29 cũng như đòi hỏi của thực tiễn.
Một bộ phận học chỉ để lấy… bằng
Là Ủy viên thường trực của cơ quan chủ trì thẩm tra 2 dự án Luật liên quan đến giáo dục trình QH tại Kỳ họp thứ Sáu, ĐBQH Tạ Văn Hạ cho biết, khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đặt vấn đề lấy người học là trung tâm. Vì thế, xây dựng nền giáo dục mở, trước hết là, mở cho người học, làm sao tạo điều kiện để người học thuận lợi nhất và có thể học suốt đời. Hai là, mở cho người dạy - tức là làm sao tạo điều kiện để các thầy giáo, cô giáo được phát huy cao nhất. Ba là, mở cho cơ sở giáo dục, bằng cách với các cơ sở giáo dục đại học thì thực hiện cơ chế tự chủ, ở đây là tự chủ toàn diện về tổ chức bộ máy, về học thuật, tài chính… chứ không chỉ là tự chủ về tài chính. Bốn là, mở về quản lý nhà nước, tức là cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp sâu vào cơ sở giáo dục, cái gì còn xin - cho là bỏ, điểm gì bỏ được là bỏ, tránh mâu thuẫn giữa quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục.
![]() | |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu tại hội trường | Ảnh: Lâm Hiển |
Tuy nhiên, cụ thể hóa các “trụ cột” của nền giáo dục mở như thế nào trong dự luật thì đang “mắc”, còn nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ, vấn đề học phí. Về nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ. Nhưng đang có hai luồng ý kiến tranh luận khá gay gắt là có nên có trần học phí hay không. Một bên thì cho rằng không nên có trần học phí, để cơ sở giáo dục phải tính đúng, tính đủ thì mới tự chủ hoàn toàn được. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, liệu chúng ta đã nên bỏ trần học phí chưa? Chắc chưa thể bỏ được, ĐB Tạ Văn Hạ nêu quan điểm. Bởi lẽ, các cơ sở giáo dục công lập có sự đầu tư của Nhà nước, tức là được đầu tư từ tiền thuế của nhân dân, được hưởng lợi hơn so với các cơ sở giáo dục tư thục. Nếu không xác định mức trần học phí thì liệu cơ sở giáo dục công lập có dựa vào đó để thu học phí như với cơ sở giáo dục tư thục hay không? Và điều này sẽ tác động như thế nào đến quyền của người học?
Hay một vấn đề đang rất được dư luận xã hội quan tâm hiện nay liên quan đến việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông là đối với giáo dục thường xuyên thì văn bằng, chứng chỉ như thế nào? Dự thảo Luật chưa có quy định về loại hình đào tạo và đặc biệt là việc cấp văn bằng, chứng chỉ đối với giáo dục thường xuyên như thế nào. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu thực tế, việc thực hiện chủ trương giáo dục mở, liên thông vô hình trung đã tạo áp lực lên xã hội, tức là tạo ra chiều hướng tâm lý học để lấy bằng cấp. Trong khi đó, “chất lượng thì rất có vấn đề”. Trong đó, thực tế là có “một bộ phận rất lớn” tham gia giáo dục thường xuyên là “để lấy bằng cấp, hợp thức hóa thế nọ, thế kia chứ không phải vì mục tiêu học để lấy kiến thức, để phục vụ trực tiếp cho cuộc sống”. Xét về mặt nguyên lý thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là có cùng hệ thống kiểm định chất lượng nhưng ai bảo đảm kiểm định chất lượng như vậy? Vì thực tế không diễn ra như thế, chúng ta chưa đạt quy chuẩn quốc tế thì phải căn cứ vào những gì của thực tiễn để quy định cho phù hợp và chặt chẽ, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.
Mô hình vẫn như 10 năm trước?
Ở góc độ khác, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đưa ra rất nhiều khái niệm về “giáo dục mở, liên thông”, “giáo dục chính quy”, “giáo dục thường xuyên”… nhưng đọc kỹ thì thấy không có sự tương thích với nhau.
Khái niệm “giáo dục chính quy” viết tương đối rõ, là “giáo dục theo các khóa học trong nhà trường để thực hiện một chương trình giáo dục đào tạo nhất định được thiết lập theo mục đích của các cấp học, trình độ đào tạo học và cấp bằng, cấp văn bản trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng khái niệm “giáo dục thường xuyên” được nêu là “giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định đáp ứng nhu cầu học tập của người học, được thiết lập theo mục đích tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng một xã hội học tập. “Ở đây giáo dục thường xuyên định nghĩa theo hướng lấy mục đích còn loại hình và phương pháp lại chưa rõ. Hơn nữa, giáo dục suốt đời, học tập suốt đời thì giáo dục chính quy cũng đóng góp vào chứ không phải chỉ có mỗi giáo dục thường xuyên”, ĐB Nguyễn Lâm Thành nhận xét.
Từ việc khái niệm không rõ, dự thảo Luật cũng chưa thực sự tiếp cận được với sự phát triển của công nghệ giáo dục mới, đặc biệt là sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã làm xuất hiện rất nhiều loại hình, phương pháp đào tạo mới với nội dung, chương trình, thời gian rất phong phú là điều kiện rất thuận lợi, mở ra rất nhiều cơ hội để người học tiếp cận tri thức, bảo đảm cho việc phấn đấu học tập suốt đời của mỗi người cũng như việc xây dựng xã hội học tập. Nhưng lấy ví dụ ngay đối với giáo dục thường xuyên, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ, cách thức tiếp cận của Ban soạn thảo hầu như không có gì thay đổi so với 10 năm trước đây.
Mục tiêu của giáo dục thường xuyên được quy định rất đầy đủ trong dự thảo Luật là, tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội, góp phần xây dựng xã hội học tập, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, Điều 42 về cơ sở giáo dục thường xuyên chỉ bao gồm: trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm khác thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên. “Chúng ta vẫn thiết kế theo một mô hình mang tính hành chính, cũ như thế này thì không được đầy đủ”. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành cũng nêu thực tế giám sát của Hội đồng Dân tộc vừa qua cho thấy, mô hình này thực sự không được hiệu quả, nhiều địa phương có ý kiến liên quan đến vấn đề này. Theo đại biểu, phải đề cao vai trò của các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các viện tham gia vào hoạt động giáo dục thường xuyên. Trên cơ sở tôn chỉ, mục đích của giáo dục thường xuyên như dự thảo Luật đã xác định thì vai trò của các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu,vai trò của công nghệ, thông tin phải đưa lên trước, sau đó mới đến các loại hình khác.
Có thể thấy rằng, tiếp nối Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được QH thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, thể chế hóa nhiều nội dung tiến bộ như xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho người học, xây dựng xã hội học tập… Nhưng làm thế nào để bảo đảm các quan điểm rất tiến bộ ấy được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ vì mục tiêu tiếp nhận tri thức, hoàn thiện nhân cách, không bị “biến tướng”, trở thành “lá chắn” cho những tiêu cực cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật tới đây.