Lựa chọn, giới thiệu ứng cử viên đại biểu HĐND

Cụ thể hóa các tiêu chí

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 07:00 - Chia sẻ
Những quy định về tiêu chuẩn đại biểu HĐND khá đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chuẩn định tính, chưa chi tiết, khó cân đong đo đếm. Do vậy, việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét đối với các ứng cử viên rất quan trọng. Bên cạnh đó, một số tiêu chuẩn như trình độ văn hóa, chuyên môn và năng lực công tác… có thể cụ thể hóa được cho các ứng viên đại biểu HĐND mỗi cấp thì nên cố gắng đề ra những tiêu chí cụ thể.

Là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân đồng thời là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND không chỉ có cơ cấu hợp lý gồm các đại biểu đại diện cho các giới, các ngành, các địa phương… mà còn cần là nơi tập trung cho trí tuệ của Đảng bộ và Nhân dân địa phương.  

Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh thảo luận về việc phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh tại Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Ảnh: Xuân Hoa
Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh thảo luận về việc phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh tại Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh
Ảnh: Xuân Hoa

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, có thể thấy, ngoài bảo đảm các tỷ lệ đại biểu tái cử, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu nữ và trẻ (dưới 40 tuổi)... bước đầu các địa phương đã thực hiện đúng theo yêu cầu Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước, có địa phương chỉ phân bổ 1 đại biểu ở cơ quan chuyên môn. Đây là một yếu tố quan trọng bảo đảm tính khách quan, điều kiện tham gia hoạt động dân cử của đại biểu. Vấn đề còn lại là đề ra tiêu chuẩn ứng viên thế nào và lựa chọn các ứng cử viên có đạt được tiêu chuẩn đã đề ra hay không.

Chú trọng hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú

Về tiêu chuẩn đại biểu HĐND, Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định phải là những người: “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm”.

Những quy định trên khá đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chuẩn định tính, chưa chi tiết, khó cân đong đo đếm. Để nhận xét ai đó có đạt được những tiêu chuẩn đó hay không cần sự đánh giá khách quan của nhiều người khác, nhất là những người cùng công tác với họ hay cùng cư trú trên địa bàn. Do vậy, việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét đối với các ứng cử viên rất quan trọng. Thành viên Ủy ban bầu cử, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ cần cử đại diện dự các hội nghị cử tri này để lắng nghe ý kiến nhận xét của Nhân dân đối với người được dự kiến giới thiệu ra ứng cử. Đồng thời, nên công khai rõ ràng ý kiến đánh giá của cử tri đối với từng ứng cử viên tại các hội nghị này để Nhân dân và cử tri nắm rõ.

Cụ thể hóa thành các tiêu chí chi tiết

Một số tiêu chuẩn như trình độ văn hóa, chuyên môn và năng lực công tác… có thể cụ thể hóa được cho các ứng viên đại biểu HĐND mỗi cấp thì nên cố gắng đề ra những tiêu chí cụ thể. Ứng viên phải là những người được đào tạo nghiêm túc, có quá trình và kinh nghiệm công tác. Ví dụ, đối với cấp tỉnh, nếu người được giới thiệu để bầu làm đại biểu HĐND đang công tác trong các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, cơ quan nhà nước, thì phải có trình độ đào tạo ít nhất đại học, chuyên viên chính trở lên hoặc là chuyên viên thì đã có bao nhiêu năm thâm niên công tác, phải là những người có nhiều năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nếu là nhà doanh nghiệp thì phải có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, đóng góp nhiều cho địa phương, có trách nhiệm xã hội, không vi phạm pháp luật, không có đình công bãi công. Nếu là nhà nông thì phải sản xuất giỏi, người đi đầu và có uy tín trong vận động xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nếu là nhà khoa học thì phải có bao nhiêu đề tài, công trình nghiên cứu. Nếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý thì ngoài những tiêu chuẩn của cá nhân, tập thể cơ quan, đơn vị đó phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Tóm lại, càng cụ thể hóa được tiêu chuẩn chung thành các tiêu chí chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tổ chức, cơ quan đơn vị được phân bổ giới thiệu người ra ứng cử căn cứ vào các tiêu chí ấy mà lựa chọn, giới thiệu người của cơ quan, đơn vị mình. Các tổ chức phụ trách bầu cử dễ hơn trong việc kiểm tra. Làm được như vậy, Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử sẽ có nguồn nhân lực dồi dào để hiệp thương lựa chọn được một danh sách bầu cử gồm những người có chất lượng để cử tri xem xét bầu. Ai trúng cử cũng sẽ xứng đáng là người đại diện cho cử tri, xứng đáng là đại biểu HĐND. HĐND mỗi cấp khóa tới sẽ là một tập thể gồm những đại biểu thực sự nổi trội, ưu tú, có trình độ, chất lượng cao để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan dân cử ở địa phương.

TRẦN VĂN