Cụ thể hóa các quy định<br> về đất đai trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013

- Chủ Nhật, 12/01/2014, 09:15 - Chia sẻ
Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 vừa được QH Khóa XIII, Kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 28.11.2013. Đây là sự kiện có tính chất lịch sử quan trọng của đất nước ta trong thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới và thể hiện được ý Đảng, lòng dân, phản ánh được nguyện vọng của đại đa số nhân dân.

Các quy định về đất đai trong Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung chặt chẽ hơn thể hiện quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đồng thời khẳng định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ. Nhà nước thu hồi đất của tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Trong thời gian thực hiện sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng là lúc QH xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi), do đó, tư tưởng sửa đổi các quy định về đất đai trong Hiến pháp được các cơ quan hữu quan nắm bắt kịp thời để thể hiện trong dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Thứ nhất, về sở hữu đất đai: Cụ thể quy định của Hiến pháp đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Luật Đất đai năm 2013 đã có các quy định về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và thống nhất quản lý đất.

Nhà nước thực hiện quyền quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy định thời hạn sử dụng; trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua các hình thức giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất; quyết định thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai; quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất, ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể; quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

Luật đã quy định rõ cơ quan Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai. Theo đó, QH ban hành luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.

Về trách nhiệm của Nhà nước, Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất; có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, cung cấp thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai.

Nhà nước có trách nhiệm quản lý thống nhất đất đai theo pháp luật. Để thực hiện trách nhiệm này, Nhà nước phân công, phân cấp trong quản lý đất đai. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai; Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền.

Thứ hai, về quyền sử dụng đất: Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền sử dụng đất: “Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ”. Luật dành Chương XI quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của từng đối tượng sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và quy định các điều kiện khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Người sử dụng đất có các quyền chung như: được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp; được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp; được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất tuỳ theo từng loại đất và nguồn gốc sử dụng đất.

Bên cạnh các quyền, Luật cũng quy định các nghĩa vụ của người sử dụng đất như: sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp bảo vệ đất; tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan; tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất; trả lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.

Thứ ba, về thu hồi đất: Hiến pháp quy định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Cụ thể quy định của Hiến pháp về thu hồi đất, Luật Đất đai quy định chặt chẽ các trường hợp thu hồi đất tại Điều 61 và Điều 62. Luật quy định rõ các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh như: làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc; xây dựng căn cứ quân sự; xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh; xây dựng ga, cảng quân sự; xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh; xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân; làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí; xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Luật quy định rõ các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như: (1) Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất. (2) Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất gồm: dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới; dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải. (3) Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất gồm: dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải; dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.

Đối với dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh.

Các dự án cần thu hồi đất phải được thể hiện trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện để làm căn cứ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định thu hồi đất.

Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm hạn chế các hành vi lợi dụng, lạm quyền trong công tác thực hiện thu hồi đất. Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội đã được cân nhắc kỹ khi quy định trong Luật theo tiêu chí vì lợi ích quốc gia, công cộng phù hợp với Hiến pháp.

Ngoài ra, Luật đất đai còn có quy định về thu hồi đất trong các trường hợp do vi phạm pháp luật, thu hồi đất trong trường hợp không có người thừa kế, người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Việc thu hồi đất trong các trường hợp này chỉ là những biện pháp hành chính của Nhà nước để thu lại quyền sử dụng đất; không xâm phạm quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

Thứ tư, về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp; hạn mức giao đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp: Luật đất đai quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là 50 năm. Việc kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm sẽ khắc phục được sự bất bình đẳng giữa thời hạn sử dụng đất của nông dân với doanh nghiệp vì hiện nay doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất để sản xuất kinh doanh nông nghiệp với thời hạn 50 năm; đồng thời, thống nhất chung về thời hạn sử dụng cho mọi loại đất nông nghiệp.

Hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối vẫn được giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2003 nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và đời sống của các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Tuy nhiên, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được quy định mở rộng thêm là không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất. Việc quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân nhằm bảo đảm cho người nông dân có đất để sản xuất, đồng thời bảo đảm việc quá trình tích tụ, tập trung, chuyển dịch đất đai cho phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp; bảo đảm sử dụng lực lượng  lao động nông nghiệp tại chỗ ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp.

Thứ năm, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Hiến pháp quy định việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cụ thể quy định của Hiến pháp, Luật Đất đai có các quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi. Người có đất thu hồi được bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại. Giá đất để tính bồi thường cho người sử dụng đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất có sự tham gia của tổ chức tư vấn xác định giá đất.

Luật quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất đối với từng loại đất và từng đối tượng cụ thể, bồi thường về chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt tài sản, bồi thường về thiệt hại do phải ngừng sản xuất, kinh doanh.

Luật quy định các khoản hỗ trợ như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở và một số khoản hỗ trợ khác. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái cư.

Luật quy định người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở thì được bố trí tái định cư. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.

Ngoài ra, Luật cũng có quy định xử lý đối với trường hợp chậm chi trả bồi thường do lỗi của cơ quan Nhà nước và do lỗi của người có đất thu hồi gây ra để bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ cũng như tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Thứ sáu, về trưng dụng đất: Hiến pháp quy định trưng dụng tài sản và trưng dụng đất đai là hai nội dung khác nhau tại khoản 3 Điều 32 và khoản 4 Điều 54. Theo đó, Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai. Như vậy, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, không thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nên không thể áp dụng trình tự, thủ tục trưng dụng như tài sản thông thường. Cụ thể quy định của Hiến pháp, Luật Đất đai có quy định về các trường hợp trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai. Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trưng dụng đất, thẩm quyền trưng dụng đất, thời hạn trưng dụng đất và việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra.

Thứ bảy, về giá đất: cụ thể quy định của Hiến pháp giao Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, Luật đất đai quy định Nhà nước quyết định giá đất thông qua việc quy định khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.

Nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất hoặc giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất; cùng một thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau. Quy định khung giá đất, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và được điều chỉnh khi thị trường có biến động. Bổ sung quy định đối với trường hợp các địa phương không thống nhất được giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bảng giá đất để áp dụng các trường hợp: (1) tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; (2) tính thuế sử dụng đất; (3) tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; (4) Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; (5) tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; (6) tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm định giá, có sự tham gia của tổ chức tư vấn xác định giá đất. Giá đất cụ thể được áp dụng đối với các trường hợp: (1) tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức quy định; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; (2) tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất; (3) tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; (4) tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; (5) tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Luật cũng quy định về cơ quan xây dựng, cơ quan thẩm định giá đất, vị trí của tư vấn giá đất trong việc xác định giá đất và việc thuê tư vấn để xác định giá đất cụ thể.

Luật Đất đai năm 2013 là đạo luật lớn với 14 chương, 212 điều quy định đầy đủ, toàn diện về quản lý và sử dụng đất đai. Nhận thức Luật Đất đai 2013 là đạo luật quan trọng có tác động lớn đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, tác động đến sự phát triển kinh tế đất nước và ảnh hưởng đến toàn xã hội, QH, UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng và thực hiện các bước đi thận trọng. Chính phủ đã chuẩn bị công phu, thảo luận nhiều lần, UBTVQH đã dành 5 phiên họp, QH dành 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, các ngành, các cấp, các địa phương và những đối tượng chịu sự tác động của Luật. Đặc biệt, Chính phủ đã dành 2 tháng (từ 01.2.2013 đến 31.3.2013) để lấy ý kiến rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân và tổng hợp tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng vào dự thảo Luật. Trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra luôn bám sát quá trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Có thể nói, Luật Đất đai đã cụ thể thành công các quy định về đất đai trong Hiến pháp. Luật Đất đai năm 2013 đã được QH thông qua với tỷ lệ tán thành cao và Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2014. Để Luật Đất đai 2013 vào cuộc sống, các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Chính quyền các cấp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng khắp đến người dân ngay từ bây giờ. Với việc nâng cao tinh thần hợp lực và trách nhiệm cao của hệ thống chính trị, chúng ta tin chắc Luật Đất đai sẽ sớm vào cuộc sống đáp ứng lòng mong mỏi của mọi cấp, mọi ngành, người dân và doanh nghiệp.

Nguyễn Văn Giàu
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế