Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Quỳnh Nga 10/12/2014 08:30

Năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh QH đã thông qua có tên khá nhiều dự án luật nhằm cụ thể hóa kịp thời các quy định của Hiến pháp. Tại Hội thảo Định hướng xây dựng dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam – một trong 15 dự án luật sẽ trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Chín tới do Ủy ban Tư pháp tổ chức, nhiều chuyên gia, đại biểu dự Hội thảo cho rằng, một trong những định hướng để xây dựng dự thảo Luật này là phải cụ thể hóa cho được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, khẩn cấp, bắt truy nã, người phạm tội đầu thú; đối với bị can, bị cáo để cách ly họ khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định nhằm ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội hoặc để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án. Trong những năm qua, công tác quản lý tạm giữ, tạm giam đã được tổ chức thực hiện chặt chẽ, bảo đảm phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đồng thời bảo vệ tốt quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Hiện nay, chúng ta đã có Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7.11.1998 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27.11.2002 và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP). Song thực tế 15 năm áp dụng Quy chế này cho thấy, công tác quản lý giam, giữ đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa thật sự rõ ràng, cụ thể. Việc phân loại giam, giữ theo quy định của Nghị định 89 nêu trên rất khó để bảo đảm thực hiện được trên thực tế...

Như tất cả các nước trên thế giới, tạm giữ, tạm giam sẽ hạn chế một số quyền nhất định của công dân. Vì vậy, chế định này luôn được pháp luật coi trọng. Ở Việt Nam, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 1946) đã nêu rõ tại Điều 11: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Tiếp tục tư tưởng này, những bản Hiến pháp sau này của nước ta đều quan tâm, hoàn thiện chế định liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam. Điều 27, Hiến pháp năm 1959 quy định: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được bảo đảm. Không ai có thể bị bắt nếu không có sự quyết định của Tòa án nhân dân hoặc sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân; việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật. Đến Hiến pháp năm 1992, Điều 71 quy định: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Và đến Hiến pháp năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014, Điều 20 ghi rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

So với các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 có sự bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự tiến bộ đối với chế định tạm giữ, tam giam. Theo đó, Hiến pháp khẳng định mạnh mẽ và thể hiện sự coi trọng quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo hộ về thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân mà các quyền này được pháp luật bảo hộ cho mọi người (thay vì cho công dân như các bản Hiến pháp trước đây), và việc bắt, giam, giữ người phải do luật định.

Luật ở đây là luật nào? Và cụ thể hóa nội dung hiến định này thành luật như thế nào để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp?

Đây là công việc của các nhà làm luật. Để thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung hiến định này thì Bộ luật Tố tụng hình sự và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã có quy định về việc bắt, tạm giữ, tạm giam. Các bộ, ngành có liên quan cũng đã ban hành khá nhiều văn bản quy phạm phối hợp liên ngành nhằm thống nhất thực hiện cơ chế quản lý, trình tự, thủ tục bắt, chế độ tạm giữ, tạm giam đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự là luật hình thức, quy định những vấn đề chung về tạm giữ, tạm giam, thẩm quyền tạm giữ, tạm giam. Ví dụ, tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã... Hay thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, tạm giam thuộc về thủ trưởng cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện trưởng viện kiểm sát, chánh án tòa án và cấp phó của những chủ thể nêu trên khi được ủy nhiệm.

Vì lẽ đó, các quy định cụ thể về đối tượng phải thực hiện việc tạm giữ, tạm giam; phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc trong tạm giữ, tạm giam; trình tự, thủ tục ra quyết định, thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam... hiện chủ yếu được thực hiện trên cơ sở văn bản dưới luật.

Đảng ta đã xác định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo định hướng: hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Hơn thế, việc bảo đảm quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể theo Hiến pháp năm 2013, đồng thời là căn cứ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về việc tạm giữ, tạm giam; hạn chế tới mức thấp nhất vi phạm về tạm giữ, tạm giam hoặc hạn chế những oan, sai, bồi thường thiệt hại về tạm giữ, tạm giam của các cơ quan, người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự và bảo đảm quyền con người trong tiến trình cải cách tư pháp. Đây là đòi hỏi của thực tế khách quan, cần thiết phải có cơ sở pháp lý cao hơn. Cụ thể ở đây là Luật Tạm giữ, tạm giam.

Đóng góp xây dựng dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam, một số ý kiến dự Hội thảo cho rằng, Luật cần xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng riêng của ngành luật này theo hướng đây là một trong những vấn đề cốt lõi để xây dựng luật về tạm giữ, tạm giam. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới và kế thừa các quy định về tạm giữ, tạm giam hiện hành của nước ta, một số ý kiến đề nghị, phạm vi của dự thảo Luật này nên được xác định là việc quy định trình tự, thủ tục quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam hình sự; việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam hình sự của các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng. Đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam; người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, tạm giam của các cơ quan này; người bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam hình sự...

Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam đang trong giai đoạn cày vỡ, xây dựng dự thảo. Việc Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, chủ động vào cuộc ngay trong giai đoạn đầu tiên của quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc tổ chức Hội thảo Định hướng xây dựng dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam (và sắp tới có thể còn nhiều hội thảo nữa) đã một lần nữa cho thấy tính đúng đắn của chủ trương chuyển dần hoạt động của QH về các công xưởng của mình – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Những thông tin thu nhận được tại Hội thảo chắc chắn là một trong những nguồn quan trọng để Ủy ban tổng hợp, xử lý, chọn lọc, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật theo đúng tiến độ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH đã thông qua.

Có thể còn nhiều nội dung cụ thể cần được xem xét, cân nhắc và nghiên cứu tiếp thu trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án Luật. Song một trong những nguyên tắc cần bảo đảm là phải cụ thể hóa được quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, bảo đảm mọi người quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm... theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO