Cử nhân đang “mắc kẹt” trên thị trường lao động
Mất cân đối cung - cầu, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và biến động kinh tế đang đẩy hàng vạn sinh viên Anh tốt nghiệp vào cảnh thất nghiệp hoặc buộc phải làm trái ngành.

Caoilen Doyle, 27 tuổi, vừa chính thức tốt nghiệp chương trình thạc sĩ ngành Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Strathclyde, Anh. Nhưng thay vì chuẩn bị bước vào môi trường nghiên cứu hay công nghiệp kỹ thuật, anh hiện vẫn đang loay hoay với công việc bán thời gian là huấn luyện viên bơi lội. Doyle đã nộp hơn 40 hồ sơ cho các vị trí kỹ sư và tham gia ba vòng đánh giá, nhưng chưa nơi nào nhận lời.
“Có rất nhiều mạng lưới cần thiết nếu bạn không quen ai trong ngành”, Doyle chia sẻ. Sau bảy năm theo học đại học và sau đại học, con đường nghề nghiệp mà anh kỳ vọng vẫn còn rất mịt mù.
Đây là câu chuyện quen thuộc đối với hàng trăm nghìn sinh viên vừa ra trường ở Vương quốc Anh. Theo dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng Indeed, số lượng việc làm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp trong 12 tháng tính đến tháng 6/2025 đã giảm 33% so với năm trước. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp lại tăng vọt – từ 828.000 trong năm học 2018–2019 lên hơn 1 triệu trong năm 2023–2024, bao gồm cả trình độ đại học và sau đại học.

Tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu đã dẫn tới mức độ cạnh tranh chưa từng có. Theo Viện Nhà tuyển dụng Sinh viên (Institute of Student Employers), mỗi vị trí đầu vào trong năm 2024 nhận trung bình tới 140 đơn ứng tuyển, tăng mạnh so với 86 hồ sơ vào năm 2023.
Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng “mất kết nối” của một bộ phận lớn thanh niên. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2025, có tới 987.000 người trong độ tuổi 16–24 bị xếp vào nhóm “không học hành, không việc làm, không đào tạo” (NEET).
Bộ trưởng Việc làm Alison McGovern nhận định trước Ủy ban Lao động và Phúc lợi xã hội: “Thực trạng của thanh niên hiện nay khiến chúng tôi thực sự lo ngại. Gần 1 triệu người trẻ đang bị loại khỏi guồng quay của xã hội”.
Tấm bằng loại ưu không thắng nổi trí tuệ nhân tạo
Không chỉ khó khăn về số lượng cơ hội, quá trình tuyển dụng cũng đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của trí tuệ nhân tạo (AI). Em Hannah Schuller, 24 tuổi, đã cảm nhận điều này khi theo học chương trình thạc sĩ Khoa học Dữ liệu xã hội và địa lý tại Đại học University College London (UCL). Tốt nghiệp loại xuất sắc vào tháng 9/2024, nhưng đến nay em vẫn đang vật lộn tìm việc làm trong lĩnh vực dữ liệu.

“Chính trong năm học đó em mới nhận ra rằng việc tìm việc không còn đơn giản như em từng nghĩ ba năm trước khi bắt đầu học đại học”, Hannah Schuller cho biết.
Sự trỗi dậy của công nghệ tự động hóa cũng đang khiến một số ngành nghề giảm mạnh nhu cầu tuyển dụng đầu vào. Năm qua, cơ hội việc làm trong lĩnh vực nhân sự giảm tới 62%, trong khi ngành kế toán giảm 44%. Bốn công ty kiểm toán lớn tại Anh – KPMG, Deloitte, PwC và EY – hiện tuyển ít sinh viên mới tốt nghiệp hơn nhiều so với vài năm trước, do các công việc “chân tay” nay đã được giao cho phần mềm AI xử lý.
Bên cạnh đó, ngân sách mùa thu của Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves – với việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động – cũng khiến nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoặc cắt giảm kế hoạch tuyển dụng. Ông Stephen Isherwood, đại diện Viện Nhà tuyển dụng sinh viên, cho biết một số lĩnh vực như công nghệ đang “rút lại” sau giai đoạn tuyển dụng quá đà hậu đại dịch.

Cuộc đua ngược với người có kinh nghiệm
Tình trạng cạnh tranh còn gay gắt hơn khi sinh viên mới tốt nghiệp buộc phải đối đầu với những người có nhiều năm kinh nghiệm, đang chấp nhận nộp đơn cho cả các vị trí đầu vào. Theo dữ liệu từ Indeed, tổng số việc làm trống trên thị trường hiện đang ở mức thấp nhất kể từ sau đại dịch Covid-19.
Ông Jack Kennedy, chuyên gia lao động tại Indeed, đánh giá: “Thực tế là tình hình sẽ còn tiếp tục khó khăn đối với sinh viên mới tốt nghiệp trong tương lai gần”.
Em Simran Abdullatif là một trong số đó. Em tốt nghiệp hạng ưu ngành Tội phạm học và Xã hội học tại Đại học Kent năm ngoái. Nhưng sau hơn một năm tích cực tìm việc, em vẫn chưa nhận được lời mời phỏng vấn nào.
“Khi em bắt đầu tìm việc một cách nghiêm túc, gần như chẳng có gì cả. Thật lòng mà nói: đúng là chẳng có gì”, em chia sẻ.
Dù theo đuổi nghề luật, Abdullatif đã mở rộng tìm kiếm từ các chương trình thực tập luật cho đến vị trí thư ký. Sau hơn 100 đơn ứng tuyển, em vẫn không nhận được hồi âm. “Em thậm chí còn nộp đơn vào Tesco, Morrisons, Lidl – mà cũng chẳng có phản hồi”.
“Em cứ nói với mẹ: “Vậy việc học chăm chỉ để lấy bằng loại ưu thì có ích gì, khi nó chẳng giúp gì được cho con cả?’”
Nghịch lý kinh nghiệm – “có kinh nghiệm mới có việc, mà không có việc thì sao có kinh nghiệm” – đang cản trở hàng vạn sinh viên như Abdullatif tìm được chỗ đứng trên thị trường lao động. “Có lẽ tôi cần tích lũy thêm kinh nghiệm, nhưng đâu ai muốn trao cơ hội đầu tiên cho bạn?”.
Với Doyle, sau hàng chục hồ sơ và những buổi phỏng vấn dài hơi, điều khiến anh mệt mỏi là không nhận được bất kỳ góp ý rõ ràng nào từ nhà tuyển dụng. “Tôi nghĩ chỉ một nơi từng đưa ra phản hồi rõ ràng. Còn lại thì toàn những email từ chối kiểu “chúng tôi quyết định chọn ứng viên khác”, rất chung chung. Như vậy thì thật khó để biết mình cần cải thiện gì”.
Sự mất cân đối giữa đào tạo và thị trường, khoảng trống về chính sách hỗ trợ việc làm đầu vào, cùng với việc tự động hóa đang thay đổi cấu trúc nhân sự ở nhiều ngành nghề, đang đòi hỏi một cách tiếp cận mới – không chỉ từ phía sinh viên mà còn từ các nhà hoạch định chính sách, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp tuyển dụng.
Như một lời cảnh báo, những con số thống kê về nhóm “không học hành, không việc làm, không đào tạo” (NEET) – gần 1 triệu thanh niên bị loại khỏi vòng quay học tập và lao động – đang đặt ra yêu cầu rất cấp thiết: không thể trì hoãn cải cách chiến lược giáo dục – việc làm nếu không muốn cả một thế hệ trẻ loay hoay trong tâm thế bị bỏ lại phía sau.