Cụ Nguyễn Văn Tố là một trong những nhân sĩ, trí thức yêu nước nổi tiếng, một trong những nhân vật có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo tư liệu được lưu trữ tại thư viện quốc gia, cụ sinh ngày 5.6.1889 tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ, nay là số nhà 78 phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo đại tự điển bách khoa và lịch sử Hội Truyền bá quốc ngữ thì cụ Tố sinh tại Hà Đông. Sở dĩ có sự khác biệt đó, theo các dư địa chí thì vào thời điểm Cụ sinh ra, Hà Nội là một bộ phận của tỉnh Hà Đông.
Thuở nhỏ, Cụ theo học chữ Hán theo yêu cầu của gia đình, song lại rất say mê tiếng Pháp. Lớn lên, Cụ được gửi sang Pháp học và đỗ bằng thành chung loại ưu. Tốt nghiệp, Cụ trở về nước và được tuyển vào làm ở Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội - một trung tâm khoa học nhân văn có uy tín, nơi tập hợp những danh nhân nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam thời đó, mà đa phần là người Pháp.
Là người tài cao, đức trọng, một nhà yêu nước không đảng phái và có uy tín lớn trong giới trí thức cả nước Việt lẫn người Pháp lúc bấy giờ, Cụ được Đảng Cộng sản Đông Dương và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất coi trọng, đã cử người liên hệ, vận động, thuyết phục Cụ đứng ra thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ.
Theo hồi ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ từ năm 1937 và của đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng lời kể của các nhân chứng lịch sử, các nhân vật nổi tiếng, như: Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hòe…, thì Hội Truyền bá quốc ngữ được đặt ra từ năm 1937. Vấn đề quan trọng nhất trong việc lập Hội là tìm người cầm cờ. Người đó phải là một nhân vật yêu nước, có uy tín lớn trong giới nhân sĩ, trí thức, có khả năng quy tụ được đông đảo trí thức, cả lớp trẻ lẫn người có tuổi và quan trọng là phải được chính quyền thực dân Pháp chấp nhận.
Cụ Nguyễn Văn Tố chính là con người đáp ứng đủ những điều kiện đó. Sau một thời gian vận động, chuẩn bị, năm 1938 Hội Truyền bá quốc ngữ được thành lập. Cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm Hội trưởng, các vị Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giáp, Nguyễn Hữu Đang trong ban tu thư.
Hoạt động của Hội đã mang lại kết quả to lớn, mở đầu cho phong trào rộng lớn là xóa nạn mù chữ trong nhân dân ta - một dân tộc mà số người mù chữ lúc đó chiếm đến 95% dân số. Đồng thời, qua phong trào, hoạt động của Hội với khẩu hiệu “Đi học chữ quốc ngữ là đi làm cách mạng”, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân đấu tranh cho dân sinh, dân chủ theo đường lối của Đảng.
Đánh giá về hoạt động của Hội, Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam khẳng định: trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, bên cạnh hoạt động báo chí, xuất bản còn có các cuộc vận động cải thiện đời sống và vệ sinh cho những người nghèo như hoạt động của Hội ánh sáng… Nhưng tiêu biểu và có ý nghĩa hơn cả là phong trào truyền bá quốc ngữ được thành lập từ năm 1938 do Cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng và tồn tại cho đến Cách mạng tháng Tám thành công.
Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã bị bao vây tứ phía. Trước tình hình thù trong, giặc ngoài cực kỳ nguy hiểm đối với vận mệnh của Tổ quốc, của dân tộc, Đảng ta khẳng định: vấn đề sống còn hiện nay là phải tăng cường, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, lấy lợi ích tối cao của Tổ quốc làm trọng.
Mến đức, trọng tài của Cụ Tố - một nhân cách lớn của đất nước, Hồ Chủ tịch mời Cụ Tố ra giúp nước. Cụ Tố nhận chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế, xã hội trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Sau Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên, Cụ trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I ngày 2.3.1946, Quốc hội đã nhất trí bầu Cụ làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội) cho đến ngày 8.11.1946 và Cụ Bùi Bằng Đoàn thay thế. Vì từ ngày 3.11.1946, Cụ Tố được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ.
Cùng với việc thực hiện chính sách Mặt trận Việt Minh trong công tác cán bộ đối với Quốc hội, Chính phủ, Bác Hồ và Trung ương Đảng chủ trương vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Ban vận động được thành lập gồm 27 vị, trong đó có các đại biểu của Việt Minh gồm: Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Cù Huy Cận. Đại biểu các nhà yêu nước có chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, nhà tư sản theo đạo thiên chúa Ngô Tử Hạ, các trí thức tiêu biểu không đảng phái, gồm: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Luyện, Phan Anh, Cựu thượng thư Bùi Bằng Đoàn. Đại biểu Việt Nam Quốc dân Đảng gồm: Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Vũ Hồng Khanh.
Ngày 26.5.1946, Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt tuyên bố chính thức được thành lập tại Hà Nội và nhất trí cử Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự, Cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng và Cụ Tôn Đức Thắng làm Phó Hội trưởng, Cụ Nguyễn Văn Tố là Ủy viên Đoàn Chủ tịch.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Ngày 7.10.1947, trong một cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Pháp vào chiến khu Việt Bắc, Cụ bị địch bắt, bị tra tấn dã man và bị giết tại Bắc Kạn.
Đánh giá về vai trò của Mặt trận Liên Việt, của Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Liên hiệp quốc dân là do những người lão thành có danh vọng, đạo đức như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Nguyễn Văn Tố… và những người yêu nước không đảng phái đứng ra tổ chức. Hội đã thể hiện sự đoàn kết của toàn dân gồm tất cả các tầng lớp, đảng phái, tôn giáo và dân tộc trong nước Việt Nam. Tinh thần của Hội đó là yêu nước, chương trình là quyết tranh đấu cho Tổ quốc được thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường”[1].
Cụ Nguyễn Văn Tố là một học giả uyên bác. Sau Cách mạng tháng Tám, từ Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ, Cụ được toàn Đảng, toàn dân tín nhiệm cử làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Với cương vị mới, Cụ đã có công lớn trong việc chống giặc đói. Là Trưởng ban Thường trực Quốc hội rồi Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Cụ đã góp phần quan trọng vào việc tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp nhân sĩ, trí thức và các quan chức trong chế độ cũ đi theo cách mạng. Nói về cụ Nguyễn Văn Tố là nói về một nhân cách lớn, nói về một hiền tài có đủ nhân - trí - dũng.
____
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 170