Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

“Cú hích” vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 06:24 - Chia sẻ
Theo đánh giá của các đại biểu và doanh nghiệp, Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19.10.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 là quyết sách nhân văn hết sức kịp thời thể hiện sự sẻ chia sâu sắc đối với những khó khăn doanh nghiệp, người dân đang phải đối mặt. Vấn đề còn lại là cần sát sao hơn trong thực hiện sao cho khẩn trương, đúng đối tượng, thực sự là “cú hích” vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương Hoàng Văn Bảo:
Tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, người dân

Có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất phấn khởi khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19.10.2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Quyết sách nhân văn kịp thời này tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh trước tác động to lớn của đại dịch.

Không chỉ kịp thời, các nội dung hỗ trợ cũng rất thiết thực và mạnh mẽ. Đơn cử như quy định: Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1.11.2021 đến hết ngày 31.12.2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ sau: (i) Dịch vụ vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; (ii) Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí; Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm (iii) không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến. Đây là những dịch vụ hầu hết phải dừng lại thời gian qua do thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng, chống dịch bệnh.

Hay việc miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020...

Với diện đối tượng được thụ hưởng rất rộng, Nghị quyết chỉ rất rõ ràng, cụ thể những nội dung, mức hỗ trợ giảm miễn, cụ thể nên sẽ rất dễ triển khai trên thực tế. Vấn đề còn lại là cần sát sao hơn trong thực hiện sao cho khẩn trương, đúng đối tượng, để quyết sách kịp thời, nhân văn này thực sự là “cú hích” vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, cũng cần nghiên cứu giảm bớt các chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường, nhất là một số địa phương hiện vẫn thể hiện tính cục bộ, cát cứ trong thực hiện các chính sách phòng, chống dịch… để tạo điều kiện cho sự phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong thời gian tới.

Chủ tịch Hệ thống Du lịch PhucGroup (Nghệ An) NGUYỄN HỮU BẮC:
Chính sách cần thiết, kịp thời

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân. Đối với hệ thống du lịch PhucGroup, chúng tôi đã gần như phải dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách bằng hợp đồng, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lữ hành… Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở các lĩnh vực đầu tư mới, cũng như các chiến lược mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất khác. Thời gian qua, chúng tôi đã chuyển đổi một phần chiến lược kinh doanh vận tải, từ việc phục vụ khách du lịch sang chuyên chở cách ly, phục vụ đưa đón công nhân trong các khu công nghiệp. Đồng thời, các khách sạn ở Cửa Lò cũng thực hiện trợ giá về dịch vụ nghỉ cách ly đối với các F0, F1, nhằm vừa có trách nhiệm xã hội, vừa hoạt động giữ nhân lực, giúp các máy móc, trang thiết bị không bị hư hỏng…

Vì vậy, với tư cách Chủ tịch Hệ thống PhucGroup, tôi hết sức kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được quy định tại Nghị quyết hết sức có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đơn cử như: Việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019; hay giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1.11.2021 đến hết ngày 31.12.2021 đối với các loại hình hàng hóa, dịch vụ…

Với tình hình hết sức khó khăn hiện nay, Nghị quyết được ban hành được đánh giá là hết sức cần thiết và kịp thời; hứa hẹn sẽ có những tác động tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp - chủ thể bị tác động rất lớn bởi đại dịch suốt hai năm vừa qua. Đây cũng là chính sách nhân văn, thể hiện sự sẻ chia sâu sắc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đối với những khó khăn mà doanh nghiệp, người dân đang phải đối mặt hiện nay.

Trưởng ban cố vấn, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân:
Đáp ứng mong mỏi của người lao động và doanh nghiệp

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm hơn so với các biến chủng khác đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Trong đó, việc khó tiếp cận khách hàng, thiếu hụt dòng tiền, giảm lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm cự. Cùng với đó, phương án sản xuất và phương án lao động cũng phải điều chỉnh, sắp xếp lại dẫn đến tình trạng người lao động thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập giảm sút. Do đó, cả doanh nghiệp và người lao động đều mong mỏi có những chính sách phù hợp để giải quyết bài toán an sinh, khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 ngay sau khi ban hành đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trên địa bàn Thủ đô. Đây là Nghị quyết giàu tính nhân văn, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của người lao động và doanh nghiệp sau những tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế gia trị gia tăng (VAT), miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 được xem như “liều thuốc” giúp doanh nghiệp khỏe mạnh hơn sau khi chịu tác động của dịch Covid-19. Doanh nghiệp coi nguồn vốn là mạch máu, chi phí càng giảm sẽ giúp dòng vốn càng lưu thông nhiều hơn. Vì vậy, được miễn giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng… sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí để sử dụng cho mục đích tái đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, tiền trả lương cho lao động.

Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng ban hành hướng dẫn thực hiện; cắt giảm thời gian và thủ tục phê duyệt điều kiện áp dụng. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện Nghị quyết hiện chỉ áp dụng đến hết năm 2021 được xem là khá ngắn. Cùng với đó, cần có thêm cơ chế đặc thù hỗ trợ bù đắp cho doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, kinh doanh những tháng ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong năm 2021.

PHƯƠNG NGUYÊN - DIỆP ANH - THANH BÌNH thực hiện